Sau hơn nửa tháng triển khai đổi đầu số thuê bao di động từ 11 số thành 10 số, nhiều khách hàng của các nhà mạng vẫn lúng túng với các số điện thoại (SĐT) mới.
Thông báo hỗ trợ chuyển đổi số điện thoại của Vietcombank hiện ra khi người dùng mở trang web của ngân hàng này. |
“Rắc rối” đầu tiên chính là số điện thoại của người quen bỗng trở thành… số lạ. Chị Nguyễn Thùy My (buôn bán, trú tại quận Thanh Khê) chia sẻ: “Có lần mình nhận được 1 cuộc gọi từ tỉnh Long An, nghĩ đi nghĩ lại thấy mình chẳng quen ai ở đó. Đến khi bắt máy mới biết là… ba mình đang sống ở Quảng Nam gọi.
SĐT cũ của ba mình vốn có 11 chữ số, nay đổi thành 10 chữ số. Mình chưa kịp sửa trong danh bạ, tổng đài tự nhận diện là số gọi từ Long An luôn”. Không riêng chị My, rất nhiều khách hàng khác cũng gặp trường hợp tương tự vì chưa kịp sửa danh bạ.
Có người thấy số điện thoại lạ nên không bắt máy. Có người gọi điện cho người khác không được, hỏi ra mới biết do SĐT của mình bị thay đổi nên người được gọi… ngại không trả lời.
Lường trước được những tình huống “oái oăm” trên, trước thời điểm chuyển đổi số thuê bao di động (15-9), các nhà mạng đã tung ra các ứng dụng giúp khách hàng đổi số hàng loạt trong danh bạ. Điển hình như ứng dụng “My VNPT” của Vinaphone, “My Viettel” của Viettel, “My Mobifone” của Mobifone…
Các ứng dụng này không chỉ giúp đổi các SĐT 11 chữ số thuộc mạng của mình mà còn đồng bộ tất cả các SĐT 11 chữ số thuộc các nhà mạng khác nhau trong danh bạ. Tuy nhiên, chỉ những điện thoại thông minh mới có thể tải các ứng dụng này về máy. Đối với các điện thoại chỉ có những chức năng cơ bản như: nghe, gọi, nhắn tin (thường được gọi vui là điện thoại “cục gạch”), người dùng phải chép toàn bộ SĐT lưu trong máy vào SIM, tháo SIM ra rồi lắp vào một điện thoại thông minh để được “xài ké” dịch vụ. Dù vậy, nhiều khách hàng vẫn gặp khó khăn khi sử dụng các ứng dụng giúp đổi số của nhà mạng.
Chị Phạm Kim Liên (công chức, trú quận Hải Châu) cho biết, vì cần đổi số trong danh bạ nên chị đăng ký sử dụng ứng dụng “My Mobifone”. Khi nhập SĐT (thuê bao Mobifone), ứng dụng thông báo thuê bao của chị không thuộc nhà mạng. Đăng ký thêm một lần nữa, chị Liên lại nhận được thông báo thuê bao của chị đã được đăng ký trước đó (?!).
Chị đành đăng nhập dưới hình thức “quên mật khẩu” (tức xem như đã từng đăng ký thành công, có tài khoản nhưng không nhớ mật khẩu). Sau khi mật khẩu mới được gửi về qua SMS, chị nhập vào thì lại bị thông báo “mật khẩu không chính xác”.
Chị cho biết, sẽ đến một điểm giao dịch của Mobifone để nhờ chuyển SĐT, nhưng vẫn chưa thu xếp được thời gian do công việc bận rộn. Trong khi đó, một số khách hàng sử dụng ứng dụng của các nhà mạng khác cũng phản ánh ứng dụng khá… khó hiểu, phải lên mạng mày mò xem các đoạn video hướng dẫn thì mới đổi số được.
Việc đổi SĐT để lưu danh bạ hơi “rắc rối”, nhưng vẫn có thể giải quyết nhanh gọn. Vấn đề bảo mật liên quan đến SĐT đòi hỏi khách hàng phải kỳ công mày mò hơn, nếu không bị mất quyền truy cập các tài khoản trực tuyến có liên kết với SĐT của mình.
Anh Lê Thanh Tùng (kỹ sư công nghệ thông tin) chia sẻ, hiện nay, nhiều người sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) hay các tiện ích (Gmail, Google Drive, Apple Store…) đăng ký bảo mật 2 lớp, có nghĩa vừa nhập mật khẩu thông thường, vừa nhập mã OTP (một loại mật khẩu được cung cấp bằng SMS qua điện thoại).
Khi chuyển đổi đầu số, khách hàng có thể không nhận được mã OTP vì mã này được gửi đến SĐT cũ và không đăng nhập được vào tài khoản của mình. Theo anh Tùng, người dùng nên đăng ký thay đổi SĐT nhận mã trong thời gian chuyển giao, khi nhà mạng vẫn duy trì kết nối đối với cả 2 SĐT.
Trong trường hợp SĐT cũ đã hoàn toàn không thể sử dụng được, người dùng sẽ phải gửi đơn trực tuyến đến Facebook, Google… để đổi số, tốn nhiều công sức và thời gian hơn. Riêng mạng xã hội Việt Nam Zalo đã bổ sung tính năng hỗ trợ người dùng điều chỉnh toàn bộ danh bạ một lần.
Mạng xã hội Zalo hỗ trợ người dùng điều chỉnh toàn bộ danh bạ 1 lần. |
Đối với các SĐT có liên kết với các dịch vụ ngân hàng di động hay ngân hàng trực tuyến (Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử…), đa phần các ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV… đều có các biện pháp hỗ trợ khách hàng đăng ký SĐT mới.
Người dùng có thể tự đăng ký trên trang web của ngân hàng, qua tin nhắn hoặc tại các trụ sở để tránh bị gián đoạn giao dịch.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CNTT Đà Nẵng cho biết, việc cung cấp các số thuê bao di động 11 chữ số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép từ năm 2007 (bằng cách tăng các mã mạng).
Tuy nhiên, đa phần các SIM 11 số lại là SIM khuyến mãi, SIM “rác”. Khách hàng không thích dùng SIM 11 số đã đành, bản thân những người nhận cuộc gọi lạ từ SIM này cũng e ngại không muốn bắt máy vì sợ… quảng cáo.
Do đó, hiệu quả kinh doanh của SIM 11 số khá kém. Đầu năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu quy hoạch lại mã mạng, chuyển đổi các thuê bao di động từ 11 số về lại 10 số nhằm tiết kiệm tài nguyên số, “để dành” cho việc phát triển Internet vạn vật (IoT).
Việc chuyển đổi đầu số được thực hiện từ 15-9-2018, người dùng vẫn có thể gọi được cả 2 SĐT đến hết ngày 14-11-2018. Từ 0 giờ ngày 15-11-2018 đến hết ngày 30-6-2019, nếu gọi đến SĐT cũ, người dùng sẽ nhận được thông báo về việc đổi SĐT. Sau khoảng thời gian này, các SIM 11 số sẽ không còn sử dụng được nữa.
Bài và ảnh: KHANG NINH