Tàu thám hiểm Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống bề mặt mặt trăng ngày 3-1-2019, sau khi được phóng lên không gian vào ngày 8-12-2018.
Trung Quốc đã đạt được một mốc quan trọng trong việc thám hiểm không gian vào hôm nay (3-1). Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã cho một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của mặt trăng. Cuộc đổ bộ của tàu thăm dò Hằng Nga 4 là một trong nhiều tham vọng của Trung Quốc chinh phục vũ trụ.
Tàu Hằng Nga được phóng vào tháng trước từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (Ảnh Reuters) |
Vào năm 2013, Trung Quốc cũng đã cho tàu thám hiểm Hằng Nga 3 hạ cánh an toàn xuống bề mặt mặt trăng và trở thành 1 trong 3 quốc gia đã thực hiện đổ bộ xuống mặt trăng sau Liên Xô và Mỹ. Điều khác biệt là lần này, tàu Hằng Nga 4 lần đầu tiên hạ cánh xuống vùng tối vĩnh cửu của mặt trăng.
"Thành công của nhiệm vụ lần này cho thấy Trung Quốc đã đạt đến trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực thám hiểm không gian" - Giáo sư Chu Mộng Hoa (Zhu Menghua) - Đại học Khoa học và Công nghệ Macau, thuộc chương trình nghiên cứu vũ trụ của Chính phủ Trung Quốc nói. "Người Trung Quốc đã làm được việc mà người Mỹ chưa dám thử".
Mặc dù đi sau hàng thập kỷ về thăm dò và thám hiểm vũ trụ nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp và có thể khiến cho ngôi vị đứng đầu của Mỹ lung lay trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và nhiều lĩnh vực khác.
Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng và đưa vào vận hành trạm vũ trụ thứ 3 của nhân loại vào năm 2022. Sau đó, đến cuối những năm 2020, Trung Quốc sẽ lên kế hoạch đưa các nhà du hành lên căn cứ mặt trăng và gửi tàu thăm dò đến sao Hỏa, trong đó có cả kế hoạch đưa các mẫu vật từ bề mặt sao Hỏa trở về trái đất.
Đã hơn 4 thập niên trôi qua và con người chưa có bất kỳ lần đổ bộ nào trở lại mặt trăng, nên việc hạ cánh thành công của tàu Hằng Nga 4 lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nơi tàu Hằng Nga 4 hạ cánh là một miệng núi lửa lâu đời nhất và xa nhất trên mặt trăng, việc này sẽ cung cấp thêm những thông tin quan trọng giúp con người có thêm những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành của mặt trăng. Một số nhà khoa học đã nghi ngờ khu vực xung quanh vị trí hạ cánh có thể rất giàu khoáng chất và nếu đúng như những phỏng đoán của các nhà khoa học thì bước đi đầy tham vọng tiếp theo của Trung Quốc sẽ là khai thác tài nguyên trên mặt trăng trong tương lai.
Namrata Goswami, một nhà phân tích độc lập, có những bài viết uy tín về không gian cho Viện nghiên cứu Minerva thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, đây là 1 minh chứng cho những thành tựu vượt bậc về mặt kỹ thuật của Trung Quốc. Cuộc đổ bộ lần này là một bước đệm cho việc các nhà du hành Trung Quốc khác sẽ hạ cánh lên mặt trăng trong tương lai. Vì với Trung Quốc, mục tiêu dài hạn của họ sẽ là xâm chiếm mặt trăng và sử dụng nó như một nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ.
Tàu Hằng Nga 4 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, phía tây nam Trung Quốc vào sáng sớm ngày 8-12-2018 và 22 ngày sau đó, nó đã bay đến mặt trăng. Nơi mà tàu thăm dò Hằng Nga 4 hạ cánh có thể sẽ trở thành căn cứ hậu cần trong tương lai cho các nhiệm vụ tiến sâu vào vũ trụ của Trung Quốc. Núi lửa Von Karman là một núi lửa có diện tích khoảng 285 km2 trên một lòng chảo lớn gần cực Nam của Mặt trăng. Sau khi hạ cánh, một xe tự hành có trọng lượng khoảng hơn 150 kg sẽ được thả đi lang thang trên miệng núi lửa. Trên xe tự hành này có đầy đủ các thiết bị như máy ảnh, radar xuyên mặt đất và máy quang phổ để giúp xác định các thành phần địa chất. Các nhà khoa học hy vọng đá và bụi quanh khu vực hạ cánh sẽ giúp tăng thêm sự hiểu biết của con người về địa chất mặt trăng.
Tàu đổ bộ Hằng Nga 4 cũng sẽ tiến hành một thí nghiệm sinh học để xem liệu hạt giống có thể nảy mầm không và trứng tằm có nở trong điều kiện trọng lực thấp của mặt trăng hay không.
Vì vùng tối của mặt trăng sẽ không thể liên lạc trực tiếp từ trái đất nên trước đó Trung Quốc đã phóng lên một vệ tinh để hoạt động như một trạm chuyển tiếp tín hiệu để tàu đổ bộ và xe tự hành có thể thường xuyên truyền thông tin về trái đất.
Tàu đổ bộ mặt trăng đầu tiên của Trung Quốc là Hằng Nga 3 đã hoàn thành hành trình đến mặt trăng 5 năm trước. Xe tự hành của nó đã gặp vấn đề khi hạ cánh nên sau 1 tháng, chiếc xe này chỉ di chuyển được một hành trình hơn 113m. Sau đó nó vẫn tiếp tục truyền hình ảnh và nhiều thông tin khác về trái đất cho đến khi ngừng hoạt động hoàn toàn vào tháng 3-2015.
Tháng 4-2018, trạm vũ trụ của Trung Quốc là Thiên Cung 01 đã rơi xuống trái đất sau khi mất liên lạc với cơ quan vũ trụ. Trước cuộc đổ bộ của Hằng Nga 4, các cơ quan truyền thông đã hạn chế đăng tải những thông tin liên quan nên những người quan tâm tới thiên văn học trên thế giới đã lùng sục tìm kiếm thông tin về nhiệm vụ không gian này của Trung Quốc. Điều này trái ngược với những gì mà NASA đang công khai trong những ngày gần đây với những bức ảnh của tàu New Horizons.
Kể từ năm 2003 đến nay, Trung Quốc đã đưa tổng cộng 11 phi hành gia lên không gian. Năm 2016, 2 trong số họ đã sống 30 ngày trong trạm vũ trụ của Trung Quốc.
Năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới với 38 lần phóng tên lửa vào vũ trụ. Trong đó, có 1 lần thất bại vào tháng 10-2018. Một cuộc đổ bộ khác lên mặt trăng cũng đã được lập kế hoạch vào cuối năm nay cho tàu Hằng Nga 5.
Những lần phóng tên lửa vào vũ trụ trong năm 2018, đa số là mang các vệ tinh cho Hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc, vốn đã bao phủ phần lớn Châu Á. Trung Quốc hy vọng, hệ thống của họ sẽ phủ sóng toàn cầu trong năm tới và trở thành đối thù về thương mại và chính trị với Hệ thống GPS của người Mỹ.
Chính phủ Donald Trump đã đề xuất chấm dứt tài trợ cho Trạm vũ trụ Quốc tế ISS vào năm 2025, và nếu Trạm vũ trụ Quốc tế này ngừng hoạt động thì Thiên Cung 2 có thể sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất còn trên không gian. Hiện nay, trạm vũ trụ Quốc tế ISS đã đón phi hành gia từ hơn 10 quốc gia nhưng chưa bao giờ có người Trung Quốc.
Theo Giáo sư Chu - Đại học Khoa học và Công nghệ Macau, thám hiểm không gian đòi hỏi thời gian và nguồn tài chính khổng lồ, đây không phải là điều mà một quốc gia nhỏ có thể làm được. Nhưng ông tin tưởng rằng trong vài năm hoặc một thập kỷ tới đây, Trung Quốc sẽ dần bắt kịp và sẽ đi đầu trong lĩnh vực này.
Theo VOV