Khả quan từ các mô hình sản xuất thử nghiệm lĩnh vực công nghệ sinh học

.

Thời gian gần đây, thành phố Đà Nẵng đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, trong đó ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất có vai trò hết sức quan trọng, là đòn bẩy phát triển cho nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Một số mô hình sản xuất thử nghiệm đã cho sản phẩm tốt có thể kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2020.

Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp ở thành phố Đà Nẵng đang có những bước tiến tích cực. Năm 2019, Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng (đơn vị trực thuộc Sở KH&CN) đã triển khai nhiều mô hình sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nông nghiệp như nấm, hoa và cây ăn quả, đã cho được những sản phẩm có thể liên kết phát triển và phục vụ cho thị trường sắp đến.

Với mô hình trồng thử nghiệm giống cúc họa mi, đơn vị đang triển khai với quy mô 7.000 cây thương phẩm. Tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%. Thời gian sản xuất từ khi trồng cây giống đến thu hoạch là 4 tháng, dự kiến đến tháng 12-2019 là có thể cho ra hoa thương phẩm phục vụ kịp dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ngoài ra, việc sản xuất thử nghiệm giống nấm hoàng đế đã cho ra sản phẩm khả quan. Trung tâm Công nghệ sinh học đang sản xuất 1.000 bịch thương phẩm nấm hoàng đế. Thời gian triển khai từ tháng 5 đến nay và trong tháng 11- 2019, toàn bộ bịch thương phẩm sẽ cho sản phẩm để thu hái quả thể theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất dự kiến là 30% tấn nguyên liệu thô.

Bên cạnh đó, Trung tâm vẫn đang tiến hành thử nghiệm nhân giống nấm dạng dịch thể đối với nấm linh chi (Ganoderma lucidum) và nấm sò tím (Pleurotus ostreatus) qua thu mẫu sò tím từ cơ sở sản xuất tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang và linh chi đỏ từ cơ sở sản xuất ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà; thực hiện phân lập 15 ống giống gốc mỗi loại. Hoàn thành thử nghiệm cấy giống dịch thể lên môi trường hạ cũng như tiếp tục nuôi trồng, đánh giá khả năng ăn sợi trên các môi trường cơ chất, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Hiện đã tiến hành phân lập và nhân giống cấp 1 các mẫu nấm sò, lim xanh, linh chi, hoàng đế. Thử nghiệm các nghiệm thức khử trùng mẫu nấm lim xanh để xây dựng quy trình khử mẫu, phân lập.

Năm 2019, lần đầu tiên Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã mạnh dạn thử nghiệm một mô hình khá mới tại địa phương, đó là trồng thử nghiệm dâu tây chịu nhiệt với quy mô 2.450 bịch giống. Mặc dù đây là giống quả thích hợp hơn với khí hậu lạnh, nhưng với kỹ thuật phù hợp nên đến thời điểm hiện tại, cây phát triển tốt và dự kiến đến tháng 3-2020 sẽ cho thu hoạch.

Ngoài ra, Trung tâm hiện vẫn đang tiếp tục triển khai trang bị nhà lưới, mua sắm nguyên vật liệu, luống trồng và xuống giống 2.400 cây giống lan Mokara; thử nghiệm gây nảy mầm bào tử và phân lập các dòng đơn bội đối với nấm linh chi đỏ tại Đà Nẵng và nấm lim xanh hồng chi mọc tự nhiên tại Quảng Nam...

Hiện nay, Sở KH&CN đang tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, định hướng liên kết rộng rãi với các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, y dược, công nghệ sinh học biển làm hạt nhân để triển khai các dự án KH&CN theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ đó, làm tiền đề để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa và phát triển nông nghiệp hiện đại tại địa phương.

Ngoài việc triển khai các mô hình tại Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng cũng là các đơn vị nghiên cứu có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong đó tập trung nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu (cây ba kích, nghệ vàng, cây hà thủ ô đỏ, cây đinh lăng, cây mật nhân, trinh nữ hoàng cung, sâm cau, kim tiền thảo…), cây hoa (cây hoa lan kim tuyến, lan gấm…), cây ăn quả (cây chuối, phúc bồn tử…); ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường; nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao chiết xuất từ nấm như nấm linh chi, nấm bào ngư… Nhiều quy trình công nghệ cũng đã được các đơn vị chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và nông dân.

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN nhìn nhận, các nhiệm vụ KH&CN của thành phố đã tập trung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ từ khâu nhân giống đến sản phẩm thương phẩm các đối tượng cây trồng và vật nuôi có giá trị cao như một số cây dược liệu, hoa, nấm, rau, cây ăn quả và các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN, nhất là công nghệ sinh học đã từng bước giúp thành phố chủ động trong việc sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt cho người nông dân trong sản xuất để phát triển kinh tế. Đồng thời chú trọng đến vấn đề xử lý, bảo vệ môi trường nông thôn, sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và từng bước nâng cao đời sống nông dân trong thời gian đến.

THANH THẢO

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.