Bàn thêm việc phát triển tài sản trí tuệ

.

Ngày 22-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Có thể nói với sự ra đời của Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Chính phủ, tài sản trí tuệ Việt Nam có điều kiện để được bảo hộ quyền sở hữu, có điều kiện để được vinh danh giá trị thương hiệu, và quan trọng hơn là có động lực để tầng lớp trí thức tiếp tục sáng tạo, tiếp tục đóng góp “chất xám”, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng những tài sản trí tuệ mới…

Trên cơ sở chiến lược nói trên, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang chuẩn bị xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương mình. Bài viết này xin bàn thêm một số vấn đề về phát triển tài sản trí tuệ nhằm góp phần vào việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở cấp tỉnh, trước hết là ở thành phố bên sông Hàn.

Trước tiên khái niệm “tài sản trí tuệ” không nên được hiểu một cách phiến diện là kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các nhà khoa học trên lĩnh vực khoa học và kỹ thuật - thậm chí có khi còn bị thu hẹp thành khoa học tự nhiên và công nghệ, không quan tâm đúng mức đến khoa học xã hội và nhân văn - mặc dầu trong thực tế, chiếm phần lớn trong tài sản trí tuệ của một địa phương là kết quả, thành quả lao động sáng tạo trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ.

Thực ra khái niệm “tài sản trí tuệ” còn bao gồm kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Loại tài sản trí tuệ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật và cả trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cũng luôn đối diện với nguy cơ bị chiếm đoạt và do vậy cũng có nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ - hiện tượng đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo tranh… vẫn thường được phản ánh trên báo chí; cũng luôn được xem là giá trị - các giải thưởng văn học nghệ thuật vẫn liên tục được trao và giải Nobel văn chương vẫn hằng sánh vai cùng giải Nobel sinh học và y học, giải Nobel hóa học, giải Nobel vật lý, giải Nobel kinh tế…

Kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật cũng có giá trị chính trị và kinh tế không hề kém so với kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các nhà khoa học trên lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Giá trị chính trị của những tài sản trí tuệ là kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật khá rõ.

Chẳng phải nhà thơ Sóng Hồng - nhà chính trị Trường Chinh ngay từ năm 1942 đã khẳng định sức mạnh của thơ ca cách mạng nói riêng, sức mạnh của văn học nghệ thuật cách mạng nói chung đó sao: Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền (bài Là thi sĩ). Lỗ Tấn - nhà văn Trung Quốc rất nổi tiếng với tác phẩm A.Q chính truyện từng là sinh viên y khoa ở Sendai/Tiên Đài Nhật Bản đã sớm từ bỏ dao mổ để cầm bút viết văn - mong muốn dùng văn chương để góp phần thức tỉnh những u tối mà xã hội Trung Hoa đương thời đang đè nặng lên đời sống con người, bởi theo Lỗ Tấn việc “điều trị” sự kém cỏi tinh thần cho người dân Trung Quốc còn quan trọng hơn việc “điều trị” sự ốm yếu về thể xác của họ.

Giá trị kinh tế của những tài sản trí tuệ là kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật không dễ nhận ra so với giá trị chính trị song không phải không thể nhận ra. Ngay trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Chính phủ cũng xác định mục tiêu “phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”, cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và công nghiệp văn hóa”…

Cho nên theo tôi, để việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở từng địa phương đạt được hiệu quả tạo động lực như mong đợi, các cơ quan tham mưu dự thảo cần có cái nhìn toàn diện về khái niệm “tài sản trí tuệ”, sao cho kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên lĩnh vực văn học và nghệ thuật và kết quả, thành quả lao động sáng tạo của các nhà khoa học trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không đứng ngoài khái niệm “tài sản trí tuệ” cùng các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ mà HĐND các tỉnh, thành phố sẽ thông qua, tránh tình trạng văn nghệ sĩ, văn học nghệ thuật tuy vẫn được đề cập trong nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của HĐND các tỉnh, thành phố nhưng chỉ với tư cách một trong những công cụ - chẳng han như vẽ tranh cổ động, làm phim phóng sự, chụp ảnh thời sự… để tuyên truyền phổ biến kiến thức về tài sản trí tuệ về khoa học và công nghệ.

 Bùi Văn Tiếng

;
;
.
.
.
.
.