Công nghiệp phần mềm 'made in Đà Nẵng' vươn xa

Bài 2: Tiến vào chuỗi giá trị toàn cầu

.

Thông tin về những ứng dụng phần mềm thiết kế bởi 100% đội ngũ kỹ sư phần mềm của Đà Nẵng được sử dụng rộng rãi tại thị trường nước ngoài không còn hiếm. Điều đó cho thấy ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) của thành phố đang có những bước tiến trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Ứng dụng Essential Connector của Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) được Cơ quan Vận tải Đô thị New York (Mỹ) chọn để cung cấp thông tin giao thông cho người dân trong thời điểm Covid-19 bùng phát tại Mỹ.  Ảnh: Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng cung cấp
Ứng dụng Essential Connector của Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) được Cơ quan Vận tải Đô thị New York (Mỹ) chọn để cung cấp thông tin giao thông cho người dân trong thời điểm Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Ảnh: Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng cung cấp

Sản phẩm “xuất ngoại”

Đầu tháng 6-2020, Công ty TNHH Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng (quận Hải Châu) đã hoàn thành và bàn giao ứng dụng Essential Connector cho Cơ quan Vận tải Đô thị New York (Mỹ). Essential Connector được thiết kế và xây dựng trong vỏn vẹn 4 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của New York: cung cấp thông tin về phương tiện giao thông cho những người cần đi lại vào ban đêm bởi trong thời điểm Covid-19 đang diễn ra tại Mỹ, hệ thống tàu điện ngầm của New York phải ngừng hoạt động từ 1 giờ đến 5 giờ hằng ngày để khử trùng. Sau một tuần ra mắt, ứng dụng của Công ty Axon Active đã có gần 4.000 người dùng, nhận được nhiều đánh giá “5 sao” trên các chợ ứng dụng của Apple và Google.

Anh Đặng Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng chia sẻ, việc xây dựng và hoàn thiện Essential Connector chỉ mất 4 ngày, song trước đó, công ty đã có nhiều năm làm việc cùng Cơ quan Vận tải Đô thị New York với vai trò là một trong các đối tác công nghệ. Nhờ vậy, công ty hiểu được các “bài toán” mà đối tác của mình đang gặp phải.

Trong thời điểm Covid-19, nhiều công ty công nghệ khác trên toàn thế giới đã tham gia “đấu thầu ý tưởng” nhằm giúp New York giải quyết vấn đề giao thông công cộng nhưng nhờ kinh nghiệm hợp tác và những kiến thức sâu về hệ thống giao thông công cộng New York, Axon Active đã được lựa chọn để cung cấp giải pháp cho Cơ quan Vận tải Đô thị New York. “Điều này chứng tỏ đội ngũ công nghệ thông tin ở Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng thiết kế, xây dựng phần mềm trọn gói để cung cấp cho thị trường toàn cầu. Trước đây, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung được xem là nơi gia công phần mềm giá rẻ của thế giới, song những năm gần đây, chúng ta có thể tự tin cạnh tranh về độ sáng tạo, chất lượng sản phẩm, năng suất… chứ không chỉ riêng giá cả”, anh Hải nói.

Đầu năm 2020, giữa lúc Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp giao tiếp tự động với khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo Botstar được sàn giao dịch AppSumo (sàn giao dịch hằng ngày dành cho các dịch vụ số có quy mô lớn và độ uy tín cao nhất thế giới) bình chọn là “Best Deal of the Week” (“Thương vụ tốt nhất tuần”), trở thành một trong số rất hiếm các startup Việt Nam thành công trên sàn giao dịch này.

Botstar là công ty khởi nghiệp tại Đà Nẵng được thành lập từ năm 2017, chuyên cung cấp giải pháp xây dựng và tích hợp chatbot (phần mềm trò chuyện tự động) cho doanh nghiệp dùng trong hoạt động marketing và hỗ trợ khách hàng. Hướng đến thị trường quốc tế ngay từ đầu, hiện Botstar đã có mạng lưới hơn 250 khách hàng, chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, châu Âu và Úc.

Anh Đinh Quang Huy, người sáng lập dự án Botstar cho biết, trước khi “tung” sản phẩm lên AppSumo, anh chỉ đặt mục tiêu bán được 5.000 mã (code). Song chỉ sau đúng 1 tháng, Botstar đã bán được hơn 11.200 mã với doanh thu 550.000 USD, tăng thêm 5.000 người dùng mới (phần lớn là khách hàng quốc tế). Anh chia sẻ hành trình của mình: “Chúng tôi đã dành hơn 2 năm để phát triển, xây dựng những tính năng hữu dụng nhất cho phần mềm của mình. Điểm đặc biệt của Botstar chính là tạo ra một nền tảng trực quan, giúp người dùng dễ dàng tạo chatbot, huấn luyện và lập trình chatbot để khiến nó thông minh hơn, tiết kiệm chi phí chăm sóc khách hàng và tăng doanh số. Để được AppSumo lựa chọn, Botstar đã phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe về chất lượng sản phẩm, số lượng người dùng có trả tiền…

Chúng tôi đã có khoảng 3 tháng họp liên tục, trình diễn sản phẩm trực tuyến, xây dựng nội dung và thương lượng với AppSumo để “chốt” ngày ra mắt trên sàn giao dịch này. Vì lệch múi giờ, chúng tôi phải quen với việc họp lúc nửa đêm, còn ban ngày thì “cày” việc”. Sau khi Botstar được giới thiệu trên AppSumo, đội ngũ nhân sự dự án vẫn phải tiếp tục làm việc gần như 24/7 để giải đáp các câu hỏi của khách hàng tiềm năng, tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia phần mềm…

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Anh Đặng Ngọc Hải cho biết, khi mới có mặt tại Đà Nẵng cách đây 10 năm, Axon Active đã chọn hướng đi theo mô hình Agile - Scrum (bao gồm tư vấn, phát triển phần mềm, làm việc chặt chẽ với đối tác để có thể linh hoạt thay đổi sản phẩm theo yêu cầu thực tế). Theo anh Hải, ngay từ đầu, Axon Active đã chọn đứng ngoài “cuộc đua” gia công phần mềm giá rẻ, từ chối các dự án đơn lẻ. Thay vào đó, công ty xây dựng các đội nhóm làm việc với khách hàng dưới hình thức đối tác công nghệ dài hạn. Hiện Axon Active Việt Nam tại Đà Nẵng có gần 40 nhóm, mỗi nhóm có từ 7-10 thành viên, phụ trách một khách hàng lâu dài. Khách hàng lâu năm nhất của công ty là 10 năm (từ ngày thành lập công ty), còn mới nhất cũng đã được 2 năm.

“Việc phát triển quan hệ bền vững với khách hàng rất quan trọng. Khi trở thành đối tác công nghệ của khách hàng, mỗi đội nhóm sẽ nâng cao được khả năng kỹ thuật, giao tiếp, kinh doanh… Trong đợt Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài buộc phải ngừng hoạt động, song các đối tác của Axon Active vẫn có thể tiếp tục vận hành mảng công nghệ, còn Axon Active vẫn tiếp tục có đơn hàng. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho chúng tôi”, anh Hải chia sẻ.

Hiện ở Đà Nẵng, nhiều công ty phần mềm cũng đang vận hành theo mô hình này, trong đó chú trọng tư vấn, thiết kế sản phẩm thay vì chỉ đơn thuần gia công phần mềm. Thành lập vào năm 2019, Công ty CP Tư vấn DataHouse Asia (quận Hải Châu) đã xây dựng mạng lưới đối tác tại Mỹ, Úc, Thụy Điển, Na Uy và Bỉ thông qua việc tư vấn, thiết kế và xây dựng các ứng dụng như: tìm chỗ đỗ xe thông minh (Mỹ), học và thử thách bạn bè (Thụy Điển), phân tích và tối ưu hóa dữ liệu tàu điện ngầm (Mỹ), tương tác giữa cha mẹ trong viện dưỡng lão và con cái (Mỹ)…

Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty DataHouse Asia kể, khi đến thăm và làm việc với DataHouse Asia vào năm 2019, khách hàng Thụy Điển đã có ý tưởng xây dựng ứng dụng EdTech (kết hợp công nghệ và giáo dục) và muốn hợp tác với công ty để triển khai. Tuy vậy, khách hàng muốn ứng dụng của mình phải có nhiều chức năng, dù không thật sự cần thiết.

Trước tình hình đó, DataHouse Asia đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, tư vấn cho khách bằng việc thiết kế wire-frame (bản thiết kế nháp, chứa nội dung cơ bản của một trang web hoặc ứng dụng), từ đó giúp khách hàng hiểu mình cần gì để phù hợp với nhu cầu của người dùng, thời gian và kinh phí xây dựng ứng dụng. Sau đó, DataHouse Asia cũng thiết kế bản vẽ kỹ thuật để tư vấn cho khách hàng trước, thống nhất ý tưởng khi đi vào lập trình. “Qua mỗi trải nghiệm làm việc như vậy, các đội nhóm của chúng tôi được nâng cao kỹ năng tư vấn giải pháp, năng lực nắm bắt lĩnh vực kinh doanh của khách hàng và kỹ năng giao tiếp.

Đội ngũ công nghệ thông tin của DataHouse Asia nói riêng và của Đà Nẵng nói chung hiện có chất lượng khá tốt, hoàn toàn có thể thiết kế sản phẩm từ A đến Z theo thực tế thị trường. Quan trọng là cần quy hoạch nguồn lực, xây dựng quy trình làm việc, tiếp cận khách hàng và nâng cao năng suất. Như vậy có thể cạnh tranh với các nước phát triển về công nghiệp phần mềm trên toàn thế giới”, anh Huy nói.

Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông thành phố Nguyễn Quang Thanh cho biết, ngành phần mềm của Đà Nẵng đi lên từ gia công. “Trong lịch sử, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đã từng trải qua những giai đoạn tương tự khi phát triển công nghiệp. Thời kỳ đầu sau chiến tranh, họ chấp nhận sao chép các nước phương Tây rồi dần dần nâng cao tay nghề, tăng tính sáng tạo, hàm lượng công nghệ… Chúng ta cũng đi lên từ gia công phần mềm tương tự như vậy.

Nhờ gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu mà nguồn lao động công nghệ thông tin của Đà Nẵng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là về thói quen, thái độ làm việc chuyên nghiệp. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thu hút các công ty công nghệ thông tin lớn trong và ngoài nước đến thành phố, làm sôi động môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để ngành phần mềm phát triển”, ông Nguyễn Quang Thanh nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty TNHH FPT Software Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), xây dựng phần mềm được chia nhiều cấp bậc. Ở bậc thấp, các công ty được thuê viết phần mềm dựa trên một mã có sẵn, sản phẩm làm ra đóng mác “Được sản xuất tại Việt Nam” (made in Vietnam). Ở bậc cao, các công ty nước ngoài gửi đơn đặt hàng cho các công ty Việt Nam để viết phần mềm hoặc ứng dụng nhằm giải quyết một vấn đề nhất định, sản phẩm đóng mác “Được thiết kế tại Việt Nam” (designed in Vietnam). Hiện nhiều doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đang tiến dần lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị. Trong quá trình đó, đội ngũ nhân sự cũng dần thu thập kinh nghiệm, nâng cao khả năng làm việc chuyên nghiệp. Để gia nhập vào thị trường thiết kế sản phẩm, các doanh nghiệp phần mềm cũng cần tái cấu trúc, đầu tư thêm vào bộ phận chuyên môn. Việc chú trọng vào thiết kế sản phẩm sẽ mang lại cho cộng đồng công nghệ thông tin thành phố nhiều cơ hội tiếp cận và phát triển các công nghệ tiên phong, đồng thời nguồn nhân lực được trau dồi nhiều hơn về chuyên môn và kỹ năng để hoàn thiện hơn nữa. 
 

PHONG LAN

 

;
;
.
.
.
.
.