Ngành tài chính chủ động chuyển đổi số

.

Là cơ quan quản lý Nhà nước thường xuyên làm việc với doanh nghiệp, thời gian qua, ngành tài chính đã chủ động đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều hành ngân sách tài chính và là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số.

Giao dịch tại bộ phận Một cửa, Chi cục Thuế khu vực Cẩm Lệ - Hòa Vang. Ảnh: M.QUẾ
Giao dịch tại bộ phận Một cửa, Chi cục Thuế khu vực Cẩm Lệ - Hòa Vang. Ảnh: M.QUẾ

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Từ năm 2012, Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng là đơn vị tiên phong của cả nước xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 về cấp mã số đơn vị sử dụng ngân sách và cấp mã số công trình xây dựng cơ bản, đạt số lượng nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng hằng năm trung bình 1.000 hồ sơ.

Năm 2017, Sở Tài chính tiếp tục xây dựng và triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4 về kê khai giá dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố tại website: kekhaigia.danang.gov.vn với số lượng cơ sở kinh doanh lưu trú đăng ký qua hệ thống kê khai tính đến nay là 900 đơn vị.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Du lịch Trường Sa (quận Thanh Khê) Nguyễn Thị Lan đánh giá, kê khai giá dịch vụ lưu trú trực tuyến là nguồn thông tin rất hữu ích để tra cứu thông tin về khách sạn, nhà nghỉ như: địa chỉ, liên hệ, các loại phòng, giá niêm yết... Từ đó, tạo niềm tin cho người dân và du khách khi giá cả được công khai, minh bạch.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phụng, việc đăng ký niêm yết công khai giá tạo sự cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực lưu trú. Nếu phát hiện các cơ sở thu tiền trên hóa đơn không đúng với giá niêm yết trên trang web, du khách có quyền khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Song song đó, trang web cũng là kênh để các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú thực hiện kê khai và nhận kết quả trực tuyến, thay vì nộp bản giấy trực tiếp tại Sở Tài chính như trước đây. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2020, Sở Tài chính đã chủ động xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành như: cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài chính, cơ sở dữ liệu giá tại địa phương…

Các hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành có API (giao diện lập trình ứng dụng) chia sẻ dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung thành phố và các ứng dụng khác.

Hiện sở đã triển khai xây dựng, nâng cấp 34 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 32 dịch vụ công trực tuyến mức 4 và 2 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

Đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin

Bộ Tài chính có nhiều cơ quan quản lý Nhà nước theo từng lĩnh vực cụ thể như: thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước...

Thời gian qua, các cơ quan này đã ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả để hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, tính đến tháng 3, Đà Nẵng có hơn 99% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng và 100% đơn vị hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử; 100% hồ sơ hoàn thuế điện tử được giải quyết đúng thời hạn.

Với lĩnh vực hải quan, tính đến tháng 3, Đà Nẵng có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký khai báo trên hệ thống thông quan tự động, đạt 99,9% số tờ khai, kim ngạch được thông quan điện tử, 100% số tờ khai được thực hiện đúng cam kết (hoàn toàn trong 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ). Bên cạnh đó, 99,9% các khoản thu được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Từ tháng 3-2019, Kho bạc Nhà nước thành phố Đà Nẵng cũng triển khai các dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch với Kho bạc Nhà nước trên địa bàn.

Đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn triển khai dịch vụ công trực tuyến, qua đó giúp hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước và tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị khi giao dịch.

Với kết quả trên, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng trở thành đơn vị “về đích” sớm trong triển khai dịch vụ công trực tuyến trong cả nước, nằm trong danh sách các đơn vị dẫn đầu trong hệ thống kho bạc có tỷ lệ giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến cao.

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang nhận định, có thể thấy rõ nét sự chuyển đổi số trong ngành tài chính khi hầu hết các thủ tục hành chính doanh nghiệp đều được thực hiện qua mạng internet với các cơ quan quản lý.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn ngành tài chính tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, ngoài việc triển khai hiệu quả các ứng dụng chuyên ngành, thời gian tới, ngành tài chính thành phố tiếp tục xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường ứng dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.