Công nghệ

Đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững

08:55, 18/05/2022 (GMT+7)

Đà Nẵng đang xây dựng và triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Đầu tháng 5-2022, giải pháp “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy lốc thép tấm dày 20mm - 80mm” của tác giả Hà Giang (Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường) đạt giải Nhất Giải thưởng hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Máy lốc thép được xem là “xương sống” của sản xuất cơ khí công nghiệp, song hiện nay, phần lớn máy lốc thép ở Việt Nam là hàng nhập khẩu với nhiều khuyết điểm. Trước nhu cầu lớn của thị trường, tháng 10-2020, công ty đã tự nghiên cứu và chế tạo máy lốc thép tấm dày 20mm - 80mm đầu tiên của Việt Nam với năng lực và năng suất như máy nhập ngoại, song có khả năng tiết kiệm vật tư đầu vào cho công trình. Máy lốc thép này đã được thành phố xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu 930 triệu đồng vào tháng 2-2021, được đưa vào sử dụng ở nhiều công trình nhà máy thủy điện lớn trên cả nước.

Ông Hà Giang, tác giả của giải pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Hà Giang Phước Tường cho biết, trong điều kiện thực tế của nền công nghiệp sản xuất ở miền Trung vốn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường và các đơn hàng nhỏ lẻ, công ty đã phải liên tục sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Ông nói: “Đổi mới sáng tạo đã giúp chúng tôi khởi nghiệp và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, từ chỗ không có gì, đã trụ được và phát triển tốt đến hôm nay”.  

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đồng hành với doanh nghiệp, tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 42 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ với tổng kinh phí 6,11 tỷ đồng, góp phần giúp doanh nghiệp tạo công nghệ và sản phẩm mới, nâng cao năng suất, duy trì và phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Số doanh nghiệp KH&CN trong 2 năm 2020-2021 tăng vượt trội so với trước đây (chiếm 72% số doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN từ trước đến nay). Trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố đã xây dựng được hệ sinh thái với nhiều thành tố (6 vườn ươm, 2 không gian sáng tạo, 4 quỹ đầu tư…).

Đồng thời, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin KH&CN trực thuộc Sở KH&CN, trở thành đầu mối hỗ trợ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp thành phố với mạng lưới quốc gia và quốc tế, triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn, phối hợp Bộ KH&CN xúc tiến thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Thành phố đã hỗ trợ trực tiếp cho 17 startup với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm, sử dụng các dịch vụ. Đồng thời hỗ trợ chương trình ươm tạo cho 2 vườn ươm để ươm tạo, phát triển các startup mới. Kết quả, thành phố đã có 147 dự án và trên 50 startup được hình thành, cùng hơn 50 sản phẩm, dịch vụ được thương mại hóa.

Đặc biệt, những năm gần đây, việc huy động nguồn lực xã hội được đẩy mạnh như hợp tác Tập đoàn Vicoland để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm 200 tỷ đồng; khai thác nguồn lực tư nhân để xây dựng không gian làm việc và dịch vụ ươm tạo. Về cơ sở vật chất kỹ thuật, Khu Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ tổng hợp (thuộc Khu Công nghệ cao) đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, hoàn thiện phương án, quy chế hoạt động và đưa vào sử dụng. Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 cũng hình thành không gian đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển đào tạo, vườn ươm công nghệ thông tin với diện tích 21.000m2

Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: “Nhìn những mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công như Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ), Thẩm Quyến (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tel Aviv (Israel) thì thành phố Đà Nẵng cũng có thể làm nên câu chuyện thành công tương tự”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đã đặt ra mục tiêu phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thương mại hóa sản phẩm trong giai đoạn 2021-2025, đưa các doanh nghiệp này thành các nhân tố tiên phong trong nền kinh tế số và việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế vượt trội để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có áp dụng cơ chế “đặc khu đổi mới sáng tạo” hoặc thử nghiệm cơ chế quản lý khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) như Singapore đang làm để khuyến khích phát triển kinh tế số, thu hút doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), ngân hàng số, chuỗi khối (blockchain)…

Ông Thái Bá Cảnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cho rằng, để xây dựng Đà Nẵng thực sự thành một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trước hết cần tạo thay đổi trong nhận thức, tư duy để thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thành phố cần cho phép thử nghiệm, chấp nhận rủi ro trong ứng dụng công nghệ mới ở khu vực công và khu vực tư, cho phép ứng dụng các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hệ thống chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước… Hơn nữa, cần tăng cường các nguồn lực tài chính, tập trung cho hoạt động ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp.

PHONG LAN

.