Công nghệ
Tổ công nghệ số cộng đồng: Đóng góp tích cực vào công tác chuyển đổi số
Sau hơn 7 tháng triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay, 100% phường, xã toàn thành phố đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận cơ sở với hơn 15.000 thành viên. Bước đầu, việc xây dựng các Tổ công nghệ số cộng đồng đã mang lại kết quả tích cực, góp phần vào công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố.
Các tổ công nghệ số cộng đồng phủ khắp 100% phường, xã. TRONG ẢNH: Đội hỗ trợ chuyển đổi số tại khu dân cư do Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) chủ công triển khai hỗ trợ tại khu dân cư. Ảnh: L.P |
Sau khoảng 30 phút được thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng 11 (phường An Khê, quận Thanh Khê) hướng dẫn đăng ký tài khoản công dân điện tử và sử dụng các ứng dụng số cơ bản, ông Nguyễn Hồng Quang (tổ dân phố 11, phường An Khê) biết thêm nhiều tiện ích trên chiếc điện thoại thông minh.
“Trước đây tôi chỉ dùng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin, lên mạng đọc báo và truy cập mạng xã hội, nay tôi có thể dùng điện thoại để nộp hồ sơ, tra cứu thủ tục hành chính rất dễ dàng. Điều này rất thuận tiện và tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho công dân”, ông Quang nói. Tương tự, sau khi đăng ký tài khoản công dân điện tử thành công, chị Trần Thị Hà (phường An Khê) dễ dàng truy cập vào Cổng dịch vụ công thành phố để nộp hồ sơ trực tuyến xin cấp giấy chứng nhận độc thân mà không cần phải đến tận bộ phận “một cửa” phường.
Theo ông Phạm Quang Dư, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng 11, hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, các thành viên trong tổ thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Đến nay, hơn 60% người dân trong tổ đã đăng ký tài khoản công dân điện tử và giao dịch trực tuyến thông qua điện thoại thông minh.
Theo UBND phường An Khê, toàn phường hiện có 90 Tổ công nghệ số cộng đồng với 450 thành viên, phủ khắp các tổ dân phố. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân”, các tổ có nhiệm vụ hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử, cài đặt và nắm bắt kỹ năng sử dụng các ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội số, sổ sức khỏe điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thành phố.
Phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) hiện có 58 Tổ công nghệ số cộng đồng với 290 thành viên. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số phường Xuân Hà, xác định thanh niên là lực lượng nòng cốt, tiên phong, nhanh nhạy trong công cuộc chuyển đổi số, phường Xuân Hà giao Đoàn Thanh niên phường chủ công hoạt động trong các tổ công nghệ số cộng đồng. Hằng tuần, đoàn viên thanh niên tỏa ra các khu dân cư, trực tiếp hướng dẫn người dân lập tài khoản công dân điện tử, giao dịch hồ sơ trực tuyến, cài đặt và sử dụng các ứng dụng số tiện ích. Nhờ đó, tỷ lệ giao dịch hồ sơ trực tuyến trên địa bàn phường ngày càng tăng lên. Mức độ hài lòng của tổ chức, công dân với cơ quan hành chính cải thiện rõ rệt.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 5-2022, sở phối hợp Thành Đoàn, Sở Nội vụ, UBND các quận huyện tham mưu UBND thành phố triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn thành phố. Đến nay, 100% phường, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, tổ dân phố, khu dân cư với hơn 15.000 thành viên. Để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả, sở đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cho 7/7 quận, huyện và 56/56 phường xã; tập huấn, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hơn 14.000 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Bên cạnh đó, sở cũng đăng tải các tài liệu, video hướng dẫn về chuyển đổi số dành cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên nhiều kênh thông tin; triển khai các khóa bồi dưỡng trực tuyến chuyển đổi số thông qua nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.
Nhờ nắm vững kiến thức, kỹ năng, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số như: Cổng dịch vụ công trực tuyến, nền tảng công dân số, Ứng dụng đa dịch vụ tiện ích Danang Smart City...; đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Money... từng bước hình thành công dân số, góp phần xây dựng chính quyền điện tử.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc thành lập và đi vào hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Đây chính là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số từ thành phố đến cơ sở, là cầu nối giữa chính quyền với người dân, giúp việc thông tin, tuyên truyền về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân nhanh chóng, hiệu quả. “Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, hướng đến hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số của thành phố như: 100% dân số trưởng thành có tài khoản công dân số, 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và 90% người dân trưởng thành được đào tạo, tập huấn kỹ năng số,...”, ông Thạch cho biết.
LAM PHƯƠNG