Công nghệ

Thách thức của AI nếu muốn... làm báo

16:12, 20/06/2023 (GMT+7)

Người ta đã nói nhiều về những lợi thế của AI so với năng lực của con người ở nhiều khía cạnh, tuy nhiên đâu là những chỗ mà máy vẫn còn thua người. Nói cách khác, con người nên sử dụng AI tạo sinh như thế nào trên cơ sở hiểu rõ những điểm mạnh, yếu của nó. Các tòa soạn cần đặt ra những quy định ra sao về giới hạn trong sử dụng AI tác nghiệp để đảm bảo độ chính xác và khách quan của thông tin?

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Những gì còn yếu kém của AI

Khi nói về công nghệ AI tạo sinh, ai đó có thể nghĩ rằng nó có rất nhiều kiến thức. Nhưng thực chất, nhiều chuyên gia trong giới đã chỉ ra, cái mà AI có chỉ là rất nhiều thông tin, và đó không phải là kiến thức. Sự phân biệt này có thể thật tinh tế nhưng rất quan trọng: chẳng hạn AI có thông tin về một quả táo, nhưng nó sẽ không “biết” quả táo là gì. Nó có thể đưa ra hình ảnh chính xác về một quả táo nếu được hỏi, nhưng nó chưa từng nếm một quả táo, chưa từng ngửi hay cầm nắm một trái táo, và dĩ nhiên rồi, nó cũng chẳng quan tâm chuyện một quả táo là gì.

Nghề báo được tạo nên bởi những con người có tất cả những trải nghiệm mà AI không có đó, và đây chính là một phần của lý do vì sao các nhà báo lại có vai trò thiết yếu trong sự phân biệt giữa thông tin và kiến thức mà chúng ta đang nói đến. Đó là những chia sẻ rất đáng chú ý gần đây trên trang web Hiệp hội Truyền thông tin tức quốc tế (INMA) của bà Karen Silverman, CEO kiêm nhà sáng lập tập đoàn Cantellus, công ty chuyên tư vấn về chiến lược, giám sát và quản trị AI cũng như các công nghệ tiên phong.

Khi công nghệ AI tạo sinh trở nên phổ biến, những lo ngại và phản ứng về việc sử dụng nó trong báo chí cũng tăng theo, nhất là những lo ngại quanh vấn đề AI tạo sinh được coi như một sự thay thế cho báo chí nguyên bản và đòi hỏi nhiều chất xám. Với những tòa soạn đang cân nhắc việc mở rộng ứng dụng AI tạo sinh trong công việc, điều thiết yếu là họ cần hiểu những hạn chế cũng như nguy cơ của việc áp dụng những công nghệ này từ cả góc độ kỹ thuật lẫn kinh doanh.

Trong phần chia sẻ góc nhìn của mình về những vấn đề này, ông Justin Eisenband, Giám đốc điều hành Công ty FTI Consulting tại Washington (Mỹ), cho rằng các tòa soạn có thể giảm thiểu những hạn chế và nguy cơ nói trên trong bối cảnh và sự đánh giá phù hợp. Việc này sẽ cần tập trung vào việc ứng dụng AI tạo sinh một cách “chính xác” vào các luồng công việc của tòa soạn để tăng hiệu quả cũng như kinh nghiệm của nhân viên.

Chẳng hạn, để tránh bị xói mòn niềm tin của độc giả, các tòa soạn nên thông tin rõ ràng ở phần tên tác giả việc bài báo có sự đóng góp một phần hay “toàn phần” của AI, và cũng nên công khai các chỉ dẫn cộng đồng xung quanh việc sử dụng AI trong xuất bản nội dung. Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng cần xây dựng các chính sách rõ ràng và quy trình làm việc liên quan sử dụng AI để tránh các sơ suất về pháp luật cũng như bản quyền, và giảm thiểu nguy cơ mắc lỗi hay thiên vị trong khi đưa tin mà nguyên nhân có thể vì lỗi ngay từ dữ liệu ban đầu được dùng để đào tạo công cụ đó.

Một bài viết trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra những thách thức cụ thể về kỹ thuật với AI như mức độ sẵn sàng của nguồn dữ liệu đào tạo, dữ liệu càng lớn thì hiệu quả đào tạo càng cao, trong khi điều này không phải lúc nào cũng đạt được. Kế đó là việc AI gặp khó khăn trong việc hiểu những dữ liệu phi cấu trúc. Nếu nó có thể xử lý “ngon lành” các thông tin dạng bảng biểu thì những dữ liệu ở dạng “tạp nham”, vốn chiếm đa số trong đời sống, vẫn đang làm khó nó.

Một thách thức lớn nữa với AI là nó không có khả năng tự biết, tức là nó không thể giải thích kết quả công việc của mình kiểu như vì sao nó viết cái nó đã viết, bằng cách nào nó đi tới kết quả này. Và tất nhiên rồi, AI không có khả năng xác thực thông tin, vì thế nó không thể phân biệt những dữ liệu cấp cho nó là chính xác hay không. Điều này có thể dẫn tới những vấn đề liên quan tính xác thực, nếu AI được đào tạo bằng những dữ liệu còn tranh cãi, câu trả lời của nó rất có thể sẽ sai.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Mở rộng ứng dụng AI tạo sinh

Mặc dù hầu hết hiện nay khi nói về ứng dụng AI tạo sinh trong báo chí chỉ tập trung vào việc phát triển nội dung, nhưng chúng ta cũng nên tính tới việc áp dụng công nghệ này ở nhiều chức năng, bao gồm cả trong tòa soạn cũng như trong phát triển độc giả và phân phối nội dung. Chẳng hạn AI tạo sinh có thể được sử dụng trong việc tạo sự tương thích về nội dung để hỗ trợ các phiên bản hiển thị trên những nền tảng khác nhau.

Ví dụ, khi một bài báo được viết, chỉnh sửa và hoàn tất cho bước xuất bản, các phiên bản khác có thể được tự động tạo ra để xuất bản trên nhiều nền tảng khác, như các bản tóm tắt đăng trên mạng xã hội hay thư tin tức (newsletter), các phiên bản đã được chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác, và ngay cả định dạng audio để phân phối trên các kênh podcast.

Ngoài ra, một lĩnh vực khác mà AI tạo sinh cũng có thể hữu dụng là xử lý và hoàn tất nội dung. Công tác biên tập, bao gồm cả làm lại màu, điều chỉnh âm thanh có thể là những việc tốn kém và mất thời gian. Tuy nhiên, AI tạo sinh có thể đưa ra những đề xuất và cũng có thể giảm bớt thời gian sao chép những chỉnh sửa từ một khung hình hay một hình ảnh trên toàn bộ một video hay một bộ hình ảnh.

Trong lĩnh vực phát triển khách hàng và tiếp thị, AI cũng có thể hỗ trợ bằng cách nhúng các siêu dữ liệu (metadata) và tối ưu hóa nội dung. Mặc dù nhiều tòa soạn cũng đã dùng tính năng cá nhân hóa trong tiếp thị nội dung, nhưng các tiến bộ của AI có thể giúp tạo ra những trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa ở mức cao hơn nữa và thúc đẩy nội dung theo cách chắc chắn sẽ tạo sự gắn kết tốt hơn với người đọc. 

Những công nghệ tiến bộ mà chúng ta đang tạo ra hôm nay đặt áp lực rất lớn lên việc phân biệt giữa dữ liệu, thông tin, và kiến thức”

Bà Karen Silverman, CEO kiêm nhà sáng lập tập đoàn Cantellus, công ty chuyên tư vấn về chiến lược, giám sát và quản trị AI cũng như các công nghệ tiên phong

ĐỖ DƯƠNG

.