Công nghệ

Đẩy mạnh số hóa cơ sở dữ liệu để quản lý giao thông đô thị

13:52, 18/10/2023 (GMT+7)

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 của Thành ủy về Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã giao nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải triển khai hệ thống thông minh hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng...; số hóa hạ tầng giao thông trên bản đồ số phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông, chia sẻ cho các cơ quan liên quan...

Lực lượng chức năng giám sát hoạt động xe buýt ở Trung tâm điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac). Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng giám sát hoạt động xe buýt ở Trung tâm điều hành Đèn tín hiệu giao thông và Vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac). Ảnh: THÀNH LÂN

Theo đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá” làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu. Chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn nên Sở GTVT luôn nỗ lực và quyết tâm chuyển đổi số bằng những mục tiêu, chính sách cụ thể, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, sở đã tạo lập, số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL), bản đồ số GIS với 21.319 tuyến, đoạn tuyến đường bộ; 272 cầu đường bộ; 303 nút giao thông… trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung cho biết, sở đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động có trọng tâm, trọng điểm; qua đó kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo. Sở luôn chú trọng công tác đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sớm triển khai xây dựng, hình thành các bộ dữ liệu số; đặc biệt là các lớp cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đây là yếu tố mấu chốt trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức làm việc trên môi trường số theo định hướng chung.

Đáng chú ý, với hệ thống quản lý CSDL ngành GTVT đã tích hợp dữ liệu quản lý về tuyến đường, công trình giao thông và các thông tin chi tiết về vị trí, kết cấu đường bộ, thi công dự án, giá trị dự án, hạ tầng kiến trúc khác gắn với tuyến đường, thông tin về sự cố, tình trạng sửa chữa… Tất cả được thiết kế liên kết các đối tượng có liên quan với nhau trong hệ thống dữ liệu GIS hạ tầng. Bên cạnh đó, bản đồ được tích hợp các dữ liệu quản lý nút giao thuộc đường, dữ liệu quản lý đèn tín hiệu, dữ liệu quản lý camera giao thông, dữ liệu quản lý tuyến đường thủy, hệ thống báo hiệu đường thủy (phao tiêu)… Trong giai đoạn đầu phát triển, Sở GTVT đã tạo lập, số hóa CSDL GIS về hạ tầng giao thông trên địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê, gồm: 21.319 tuyến, đoạn tuyến đường bộ; 272 cầu đường bộ; 35 tuyến, đoạn tuyến đường thủy nội địa, 303 nút giao thông; 3.023 biển báo giao thông đường bộ; 1.205 trụ đèn tín hiệu giao thông; 143 camera giao thông; 626 hố ga; 480 biển báo hiệu đường thủy nội địa… Sở GTVT sẽ tiếp tục số hóa thông tin một số dữ liệu trên địa bàn quận Sơn Trà và trên toàn địa bàn thành phố trong thời gian đến.

Đặc biệt, Sở GTVT bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng bản đồ số trong công tác quản lý cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng giao thông nhằm số hóa và đưa dữ liệu hiện trạng về hạ tầng giao thông trên địa bàn lên nền tảng bản đồ số dưới dạng 2D tương đối chính xác để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, duy tu bảo trì, bảo dưỡng hạ tầng giao thông trong thời gian đến. Không những vậy, nền tảng bản đồ còn hỗ trợ, cung cấp các model 3D, chiều thời gian 4D (timeline) giúp lãnh đạo theo dõi một cách trực quan nhất phục vụ công tác quy hoạch, phát triển giao thông đô thị thông minh, bền vững. Theo tìm hiểu, hiện ứng dụng được phát triển, đưa vào sử dụng tại địa chỉ https://dananggtvt.vimap.vn. Ngoài ra, để phục vụ công tác số hóa hạ tầng giao thông (kết hợp dữ liệu hình ảnh và tọa độ GPS), sở đã triển khai ứng dụng con (mini-app), bước đầu phát triển trên nền hệ điều hành Android, cài đặt nội bộ cho các cán bộ thuộc sở sử dụng để thu thập dữ liệu hiện trường.

Được biết, những năm qua, Sở GTVT đã triển khai các hệ thống, phần mềm quan trọng phục vụ công tác quản lý bao gồm: hệ thống camera giám sát giao thông thông minh, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, phần mềm CSDL chuyên ngành, ứng dụng di động Danabus (dành cho hành khách đi xe buýt), triển khai hệ thống giám sát đỗ xe, triển khai hệ thống lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trực tuyến; hệ thống camera giám sát giao thông minh với 296 camera… Năm 2023, sở đã cung cấp 100% dịch vụ công cấp độ 4 và từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục thu thập, hoàn thiện hệ thống CSDL GIS về hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn; chuyển đổi số công tác quản lý hạ tầng giao thông hoàn toàn trên bản đồ số, 4D Map, nhất là kết nối, khai thác các hệ thống CSDL dùng chung của thành phố, Bộ GTVT và quốc gia.

THÀNH LÂN

.