Công nghệ
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương
Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) toàn diện làm “đòn bẩy” để chuyển đổi số, ngành công thương thành phố đang triển khai nhiều giải pháp, hướng tới chuyển đổi số sâu rộng.
Người dân mua hàng thông qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Cồn. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số
Ngành công thương thành phố xác định 2 định hướng lớn trong ứng dụng CNTT là truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử. Năm qua, Sở Công Thương ra mắt mô hình “Chợ 4.0” tại 3 chợ trực thuộc (chợ Cồn, chợ Hàn và chợ Đống Đa) và đang nhân rộng mô hình này tại 6 chợ khác trên địa bàn thành phố, gồm: chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Hòa Khánh, chợ Cẩm Lệ, chợ Túy Loan, chợ Bắc Mỹ An và chợ An Hải Bắc.
Đến nay, hơn 7.000 tiểu thương tại các chợ được trang bị mã QR với tổng số tiền giao dịch của tiểu thương bằng quét mã QR trên 20 tỷ đồng; giao dịch thanh toán của khách hàng hơn 13 tỷ đồng. Riêng Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng đang triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản nghĩa vụ của hộ kinh doanh cố định tại các chợ trực thuộc thông qua ví điện tử VNPTMoney và Zalo OA.
Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện dán tem QR kiểm soát thực phẩm tại các chợ và một số doanh nghiệp cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố với số lượng 2,23 triệu tem. Tính từ năm 2018 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ khoảng 5,3 triệu tem dán mã QR cho khoảng 470 hộ tiểu thương tại 10 chợ trên địa bàn thành phố.
Sau nhiều năm triển khai, Sàn thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng Danangtrade (danangtrade.gov.vn) hiện có khoảng 1.920 doanh nghiệp tham gia với 2.700 sản phẩm, dịch vụ niêm yết. Tham gia đóng góp và vận hành Danangtrade từ những ngày đầu, ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên cho biết, Danangtrade tập hợp nhiều sản phẩm tiêu biểu của thành phố trên các lĩnh vực, qua đó, người tiêu dùng có thể tham khảo và đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân. Đặc biệt là số lượng doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn tăng lên mỗi năm với tỷ lệ tăng 20-30%/ năm. Bên cạnh vận hành sàn Danangtrade, Sở Công Thương còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Shopee, Lazada, Tiki, Voso…; hỗ trợ gần 30 đơn vị xây dựng trang thông tin điện tử và in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ 10 đơn vị tham gia gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Chuyển đổi số trên 3 trụ cột
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành công thương, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2903/QĐUBND ngày 28-12-2023 về việc ban hành kiến trúc ứng dụng CNTT ngành công thương thành phố Đà Nẵng. Theo đó, ngành công thương chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Một số mục tiêu vào năm 2025: 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức 4 (trừ một số thủ tục có quy định riêng) và 60% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có chức năng định danh, xác thực, thanh toán điện tử, được cung cấp trên nhiều nền tảng; 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và 100% kết quả thủ tục hành chính được ký số và gửi qua mạng cho người dân; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng kinh tế số chiếm tối thiểu 20% giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại điện tử; tối thiểu 50% người dân tham gia mua sắm trực tuyến…
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, đến nay, 100% các đơn vị trực thuộc sở triển khai sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cũng như các ứng dụng dùng chung khác của thành phố; 100% thủ tục hành chính (118/118 thủ tục thuộc 15 lĩnh vực) đã được cung cấp toàn trình trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sở hoàn thành 100% các trường thông tin điền dữ liệu, trong đó có kết nối thông tin để người dân sử dụng tài khoản công dân điện tử. Theo đó, người dân đăng nhập và cung cấp thông tin lần đầu thì các lần sau sẽ được kế thừa thông tin. Sở hoàn thành số hóa 100% thủ tục hành chính phát sinh mới trong năm 2022 và 2023 trên Kho số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thành phố.
Bà Phương đánh giá, việc UBND thành phố ban hành kiến trúc ứng dụng CNTT ngành công thương có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đó, kiến trúc ứng dụng CNTT ngành triển khai qua 3 chương trình: xây dựng và cơ chế triển khai; hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản lý chuyên ngành, các tiện ích, dịch vụ ngành công thương thành phố; xây dựng dịch vụ công trực tuyến. Trước mắt trong năm 2024, ngành công thương tăng cường triển khai vận hành, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu bản đồ lưới điện trên nền GIS, đưa bản đồ mua sắm trực tuyến thành phố Đà Nẵng vào hoạt động.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố là 19,76%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử của thành phố là 12% (toàn quốc 8,5%); tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) trong GRDP đạt 12% (mục tiêu thành phố đặt ra năm 2025 đạt 10%)… |
MAI QUẾ