Công nghệ

Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả nổi bật

07:54, 10/01/2024 (GMT+7)

Năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố hoàn thành vượt kế hoạch, qua đó mang lại nhiều hiệu quả cho chính quyền và người dân thành phố.

Kinh tế số đạt nhiều kết quả tích cực. Trong ảnh: Nhân viên làm việc tại Công ty CP Unitech (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q
Kinh tế số đạt nhiều kết quả tích cực. TRONG ẢNH: Nhân viên làm việc tại Công ty CP Unitech (quận Hải Châu). Ảnh: M.Q

Nhiều kết quả trên các lĩnh vực

Nổi bật về chính quyền số là thành phố đưa vào vận hành, khai thác Trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh (IOC) và các Trung tâm điều hành quận huyện (OC) từ ngày 14-8-2023. Trung tâm IOC (giai đoạn 1) kế thừa, sử dụng dữ liệu tức thời từ 400 trạm cảm biến (IoT) ngoài đô thị mà không kể camera; dữ liệu từ các ứng dụng hiện có của thành phố, trung ương và cộng đồng. Từ đó, phân tích tập trung, đưa ra 140 loại số liệu thống kê, biểu đồ trực quan và 50 loại cảnh báo, dự báo sớm; cung cấp để phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành, quận, huyện; đồng thời thông tin cho người dân, cộng đồng biết.

Ngoài ra, thành phố ưu tiên triển khai kết nối hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác 3 dịch vụ dữ liệu và tạo hồ sơ số, cắt giảm các thành phần hồ sơ đầu vào là bản sao căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận cư trú… Đến nay có gần 180.000 lượt giao dịch, tra cứu, trung bình có 15.000 lượt giao dịch, kết nối hằng tháng.

Về kinh tế số, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông thành phố năm 2023 ước đạt 36.571 tỷ đồng, đạt 101,03% kế hoạch, tăng 6,6% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD, đạt 101,25% so với kế hoạch, tăng 12% so với năm 2022. Thành phố hiện có hơn 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh), cao hơn 3 lần tỷ lệ trung bình cả nước là 0,7 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân. Về xã hội số, người dân sử dụng điện thoại di động tại Đà Nẵng đứng đầu toàn quốc, với tỷ lệ 276 máy/100 dân; điện thoại thông minh 105 máy/100 dân; trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/1 người dân.

Số tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác của người từ 15 tuổi trở lên hơn 3,55 triệu tài khoản, gấp 5 lần số người dân từ 15 tuổi trở lên (683.570 người). Cơ bản mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử kết hợp với mã ID duy nhất; mỗi học sinh có 1 mã ID duy nhất gắn với học bạ điện tử…

Về phát triển dữ liệu số, Cổng dữ liệu mở thành phố đến nay đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu và tích hợp 100% tập dữ liệu lên Cổng dữ liệu quốc gia. Hơn 1.100 cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản sử dụng với khoảng 5 triệu lượt truy cập để tìm kiếm, khai thác, tra cứu thông tin. Cổng dữ liệu mở thành phố đã kết nối với Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn), đặc biệt đã chia sẻ cho 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác trong cả nước sử dụng. Thành phố hình thành Kho dữ liệu dùng chung phục vụ thu thập, tích hợp, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Về an ninh mạng, thành phố triển khai đầy đủ bảo đảm an toàn thông tin theo 4 lớp theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 7-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn viên thanh niên UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: M.Q
Đoàn viên thanh niên UBND phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: M.Q

Hoàn thành các chỉ tiêu chuyển đổi số

Ngày 4-3-2023, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với các chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, thành phố hoàn thành 9/9 chỉ tiêu kinh tế số. Cụ thể, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 19,76% (toàn quốc 14%), tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) trong GRDP đạt 12% (mục tiêu năm 2025 là 10%), 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, doanh thu từ thương mại điện tử đạt 12% (toàn quốc 8,5%), 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số… Thành phố hoàn thành 8/9 chỉ tiêu xã hội số, riêng chỉ tiêu phủ sóng dịch vụ 5G chưa đạt 20% vì vẫn đang thi điểm.

Về chính quyền số, thành phố hoàn thành 12/12 chỉ tiêu: 100% dịch vụ hành chính công đủ điều kiện được triển khai toàn trình, 100% dịch vụ ngoài một cửa cung cấp mức 4, 100% báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trực tuyến (toàn quốc 50%), 100% số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính năm 2023, 96% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ (toàn quốc 90%), 94% hồ sơ hành chính công trực tuyến (toàn quốc 60%), tích hợp 82% dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia (mục tiêu toàn quốc 40%), 45% người dân trưởng thành có tài khoản số và 1 kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống (toàn quốc 25%), 82% cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở. Các tiêu chí riêng thành phố đặt ra đã hoàn thành: 100% dịch vụ ngoài một cửa cung cấp mức 4, 50% dịch vụ sự nghiệp công cung cấp mức 4…

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn những vướng mắc về một số cơ chế, chính sách hay vấn đề liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn mang tính thứ bậc, dữ liệu số còn rời rạc, chất lượng dữ liệu thấp… Để đạt được những kết quả tốt hơn, thành phố đã đề xuất Chính phủ rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành hoặc ban hành hướng dẫn tạm thời để tạo thuận lợi sử dụng công nghệ số, dữ liệu số giải quyết các vướng mắc hiện nay cũng như tạo ra sản phẩm, giá trị mới; thống nhất phương pháp đo lường kinh tế số phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, thống kê; ban hành các quy định về quản lý, chia sẻ dữ liệu mở và danh mục dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước ưu tiên triển khai.

MAI QUẾ

.