Công nghệ

Tổ công nghệ số cộng đồng: Hạt nhân trong phổ cập kỹ năng số đến từng người dân

09:34, 10/05/2024 (GMT+7)

Năm 2024, thành phố Đà Nẵng đề ra chủ đề chuyển đổi số là “Khơi thông dữ liệu số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và bảo đảm an sinh xã hội”. Qua đây thúc đẩy vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng trong quá trình phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến từng người dân.

Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 sẽ giúp quá trình phổ cập chuyển đổi số đến từng người dân được hiệu quả hơn. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 sẽ giúp quá trình phổ cập chuyển đổi số đến từng người dân được hiệu quả hơn. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Nhiều tín hiệu tích cực 

Báo cáo tại Kế hoạch số 93/KH-UBND của UBND thành phố ngày 15-4 về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn năm 2024 cho biết, hiện nay, toàn bộ các quận, huyện, phường, xã đang thực hiện triển khai tập huấn, nâng cao chuyển đổi số trong cộng đồng. Trong đó, hơn 18.000 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân thuộc hội, đoàn thể, tổ dân phố đang là thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 15-3-2024, Tổ đề án chuyển đổi số quốc gia, Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 đã góp phần thúc đẩy tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có các tài khoản giao dịch ngân hàng đạt xấp xỉ 100% (trung bình toàn quốc 75%); tỷ lệ gia đình có địa chỉ số đạt 50%; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt gần 100%; tỷ lệ người dân có tài khoản số, kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống đạt 45% (trung bình toàn quốc 25%); 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình với tổng số 1.797 DVCTT, chiếm tỷ lệ 93,54% tổng số thủ tục hành chính (trung bình toàn quốc là 43,67%); tỷ lệ DVCTT có phát sinh hồ sơ đạt 96% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 80%, vượt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 95%); tỷ lệ hồ sơ DVCTT đạt 80% (vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 là 60%; đạt chỉ tiêu thành phố năm 2023 là 80%).

Thành phố đã tích hợp được 1.569 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm tỷ lệ 82% (cao hơn 2 lần so với mục tiêu của Ủy ban Quốc gia là 40%, vượt mục tiêu năm 2025 tại Đề án cải cách hành chính quốc gia). Về truyền thông, Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 đến từng người dân sử dụng các nền tảng tiện ích số của thành phố như: bản đồ số, hành trình số… góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc ứng phó với thiên tai, bão lũ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vào mỗi cuối tuần, Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức hoạt động ngày hội DVCTT để hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến ở khu dân cư.

Tăng trọng trách cho Tổ công nghệ số cộng đồng

Trong 2 năm thực hiện chuyển đổi số, UBND quận Hải Châu đã xây dựng, tạo tiền đề để hoạt động hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06. Tại một số phường như: Thanh Bình, Thuận Phước, Hòa Cường Nam…, lực lượng từ Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 đã xây dựng nhiều video tuyên truyền về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân tạo tài khoản công dân số trên nền tảng MyPortal, nộp hồ sơ trực tuyến mức 3, 4, đặt lịch hẹn giờ và thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia... Đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra về chuyển đổi số.

Hiện tại, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) đang có 49 Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 tại 16 khu dân cư với khoảng 300 thành viên. Vào mỗi thứ Bảy hằng tuần, phường tổ chức hội nghị phát động chiến dịch đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, lực lượng tham gia nòng cốt là các Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06, Tổ hỗ trợ công dân lưu động, Đoàn Thanh niên, Công an phường để tuyên truyền, hướng dẫn tạo tài khoản định danh điện tử, tài khoản công dân điện tử và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường.

Nhờ đó, phường đã thu nhận và kích hoạt tài khoản được giao 9.950 hồ sơ, đã tạo thành công 13.387 hồ sơ tài khoản định danh cho công dân đạt 134,47%. Song, phường vẫn đang gặp những khó khăn, thách thức phía trước khi Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 chưa được hỗ trợ về kinh phí, phương tiện hoạt động. Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông Dương Thanh Phong thông tin, phường đã đề nghị thành phố quan tâm đến kinh phí hỗ trợ cho Tổ công nghệ số cộng đồng để địa phương phân bổ hoạt động phù hợp và triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số. Trong năm 2024, phường đang hướng đến việc 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ triển khai Đề án 06 có thể tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kỷ năng, kiến thức về chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch thông tin, từ năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã và trường học, Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 để tập huấn ít nhất 1 lần về chuyển đổi số, an toàn thông tin. Mặt khác, sở đã yêu cầu Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) và các Trung tâm điều hành quận, huyện (OC) sẽ là cơ quan đầu mối thu thập dữ liệu từ các nguồn nhằm phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp và tình hình hoạt động của thành phố để tiện cho việc quản lý, trao đổi, chia sẻ thông tin với Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ triển khai Đề án 06, từng doanh nghiệp, người dân, phục vụ triển khai chính quyền đô thị thông minh, hiện đại.

CHIẾN THẮNG

.