Công nghệ

Chuyên gia lý giải vì sao sóng 5G chập chờn khi vừa mới thương mại tại Việt Nam

10:39, 21/10/2024 (GMT+7)

Người dùng phản ánh tình trạng kết nối dịch vụ 5G mặc dù rất nhanh nhưng vẫn khá chập chờn. Tuy nhiên theo các chuyên gia viễn thông, việc này là điều bình thường và cần thời gian để sóng 5G ổn định.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 15-10-2024 vừa qua mạng 5G chính thức được Viettel triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.

Mạng 5G Viettel có tốc độ có thể đạt từ 700Mbps-1Gb, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời 5G trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).

Sau gần 1 tuần sử dụng, nhiều người dùng phản ánh rằng tình trạng kết nối dịch vụ 5G hiện chưa ổn định. Thậm chí, tốc độ 5G gần như không khác biệt so với 4G tại một số khu vực.

Sóng 5G chưa ổn định tại nhiều khu vực Hà Nội

Ngày 20-10, phóng viên VietnamPlus sử dụng phần mềm i-SPEED (Ứng dụng kiểm tra tốc độ mạng chính chủ của Việt Nam) cùng trên smartphone để thử nghiệm đo tốc độ 5G của Viettel tại nhiều khu vực khác nhau ở Hà Nội. Kết quả ghi nhận cho thấy trải nghiệm sử dụng 5G ở các khu vực khác nhau có sự chênh lệch đáng kể.

Thử nghiệm tại khu vực gần tòa nhà Viettel trên đường Giang Văn Minh (quận Ba Đình, Hà Nội) tốc độ tải xuống 5G đạt tới 391,17Mbps, tốc độ tải lên đạt 128,56Mbps và độ trễ ở mức 25ms.

Thử nghiệm trong nhà tại khu vực sâu trong ngõ trên đường Giảng Võ, tốc độ tải xuống 5G chỉ đạt 178,14Mbps, tốc độ tải lên chỉ đạt 8Mbps và độ trễ ở mức 32ms. Tại đây, tốc độ 5G thậm chí còn chậm hơn 4G.

Thử nghiệm tại một số khu vực tại trung tâm Hà Nội như khu vực Hồ Hoàn Kiếm, tốc độ mạng 5G cũng gặp phải tình trạng chập chờn, không ổn định.

Tại khu vực Tượng đài cảm tử cạnh đền Bà Kiệu, đầu phố Hàng Dầu, sóng 5G gặp phải tình trạng "nhảy múa" bất thường khi lúc thì xuất hiện 5G, lúc thì chỉ xuất hiện 4G. Người dùng đôi khi có thể gặp phải tình trạng sóng 5G biến mất trong khoảng 1-2 phút và xuất hiện trở lại. Tại đây, tốc độ tải xuống 5G đạt 181,04Mbps, tốc độ tải lên đạt 120,46Mbps với độ trễ đạt 28ms.

Ghi nhận tốc độ tại khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tốc độ tải xuống của 5G chỉ đạt 50,75Mbps, tốc độ tải lên 12,44Mbps và độ trễ đạt 38ms.

Tốc độ mạng 5G ghi nhận tại khu vực toà soạn báo Hà Nội Mới với tốc độ tải xuống đạt 236,3Mbps và tốc độ tải lên chỉ đạt 21,71Mbps cùng độ trễ lên tới 42ms. Tại mỗi khu vực, phóng viên đã thử nghiệm 3 lần tuy nhiên kết quả ghi nhận không có nhiều thay đổi.

Những kết quả này cho thấy dù sóng 5G đã được triển khai, hiệu suất vẫn chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về viễn thông, việc sóng 5G chưa ổn định là điều bình thường khi công nghệ mới vừa được thương mại hóa.

Thương mại hoá 5G đúng thời điểm, nhưng cần thời gian để ổn định

Theo ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, tại thời điểm này việc đưa 5G vào triển khai thương mại hóa không còn là sớm, tuy nhiên cũng chưa muộn. Theo ông Đoàn Quang Hoan, việc thương mại hóa 5G thời điểm này là hợp lý và đây là xu hướng tất yếu của việc phát triển mạng di động.

Lý giải việc sóng 5G thời gian đầu còn chưa ổn định, ông Đoàn Quang Hoan cho biết hiện nay 5G được ưu tiên triển khai ở những nơi mật độ người sử dụng lớn, đông dân cư. Những nơi thưa dân việc đầu tư sẽ rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế, đặc biệt giảm độ "xanh" bởi mạng 5G sử dụng năng lượng lớn. Việc phát triển trạm BTS 5G dày đặc sẽ tiêu thụ điện rất lớn, chính vì vậy các nhà mạng phải cân đối giữa nhu cầu và khả năng phục vụ khách hàng, đi cùng với đó là mức độ tiêu tốn năng lượng cho hệ thống.

Cũng theo ông Hoan, việc triển khai công nghệ mới thời gian đầu trải nghiệm sẽ chưa được mượt mà do cấu hình phù hợp với lượng người tiêu dùng tại các thời điểm khác nhau nên cần có thời gian để nhà mạng điều chỉnh.

"5G phạm vi phủ sóng hẹp hơn 3G 4G nên đòi hỏi trong một khu vực mật độ trạm BTS phải lớn hơn 3G 4G. Nếu như chưa đạt mật độ phù hợp thì sự mất ổn định là điều đương nhiên," ông Hoan nhận định.

Đồng tình với ông Hoan, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban từ Học viện Bưu chính Viễn thông giải thích trạm BTS 5G có vùng phủ sóng hẹp hơn nhiều so với 3G và 4G, đòi hỏi số lượng trạm phát sóng phải lớn hơn để đảm bảo chất lượng kết nối. Trong giai đoạn đầu, số lượng trạm BTS của Viettel còn hạn chế, mới đạt hơn 6.500 trạm trên toàn quốc. Điều này dẫn đến việc sóng 5G chỉ hoạt động tốt ở những khu vực có mật độ trạm cao.

Một yếu tố khác, theo ông Ban, là việc quá tải người dùng vào các khung giờ cao điểm, khi băng thông bị chia sẻ cho nhiều người, dẫn đến tốc độ giảm đáng kể.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban cũng đánh giá cao sự cố gắng của Viettel trong việc đi đầu triển khai thương mại hoá 5G. "Hiện tại có rất ít nước có thể triển khai thương mại hoá được 5G, trong đó có Việt Nam và Viettel," ông Ban cho hay.

Theo nghiên cứu từ các nhà cung cấp thiết bị 5G như Ericsson, Nokia và hãng tư vấn Qualcomm, 5G là công nghệ mới được triển khai rộng rãi trên thế giới từ năm 2020-2021. So với 4G, 5G mang lại tốc độ truyền dữ liệu cao hơn nhiều lần, cung cấp dịch vụ với độ trễ cực thấp, chỉ khoảng 1ms, và khả năng hỗ trợ số lượng kết nối gấp 10 lần.

Tuy nhiên, để sử dụng được mạng 5G, người dùng cần các thiết bị đầu cuối hiện đại như iPhone 12 trở lên, Samsung Galaxy S21 series, hoặc Xiaomi Mi 10 series. Vì vậy, các nhà mạng trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, thường ưu tiên triển khai 5G tại những khu vực phát triển, nơi có nhiều thiết bị đầu cuối hiện đại và nhu cầu cao về dịch vụ data.

Trong những năm đầu tiên, số lượng trạm 5G chỉ bằng 20-50% so với 4G, và đến hiện nay, vùng phủ sóng 5G tại nhiều quốc gia vẫn chỉ đạt từ 60-80% so với 4G.

Tại Việt Nam, Viettel cũng là nhà mạng tiên phong trong việc triển khai 5G. Khác với 4G, do đầu cuối rất phổ biến, nên năm 2017, thời điểm Viettel khai trương mạng 4G đã có 36 nghìn trạm, phủ sóng diện rộng trên 90% dân số trên toàn quốc.

Với mạng 5G, tại thời điểm khai trương, do đầu cuối hỗ trợ còn hạn chế, Viettel tập trung triển khai 5G tại khu vực thủ phủ tỉnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, các khu vực có nhiều thuê bao, đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G, khu vực nhiều tiềm năng kinh doanh, chưa triển khai diện rộng như 4G trước đây.

Ngoài ra, 5G sử dụng băng tần cao hơn (2.6GHz) so với 4G (1.8GHz), điều này khiến suy hao tín hiệu trên băng tần 2.6GHz lớn hơn, làm vùng phủ sóng 5G bé hơn 4G từ 15-20%.

Dù hiện tại sóng 5G chưa hoàn hảo, nhưng đó là một bước tiến quan trọng trong công nghệ viễn thông tại Việt Nam. Các chuyên gia tin rằng khi hạ tầng được mở rộng và tối ưu hóa, trải nghiệm 5G sẽ ngày càng ổn định hơn. Việc triển khai 5G không chỉ phục vụ người dùng cá nhân mà còn mở ra tiềm năng phát triển các dịch vụ thời gian thực, hứa hẹn tạo ra nhiều ứng dụng đột phá trong tương lai.

Đại diện Viettel Telecom cho biết trong các năm tới đây, nhà mạng sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, triển khai mạng 5G, đảm bảo mạng 5G nhanh chóng có vùng phủ tiệm cận, tương đương so với 4G.

Theo vietnamplus.vn

.