Công nghệ

NASA tìm kiếm sự sống trên mặt trăng của sao Mộc

07:48, 14/10/2024 (GMT+7)

Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) sắp phóng tàu vũ trụ Europa Clipper tới Europa - mặt trăng của sao Mộc - một trong những nơi đầy hứa hẹn nhất trong hệ Mặt Trời để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Nhiệm vụ này nhằm tìm hiểu liệu mặt trăng bọc băng này, được cho là chứa một đại dương rộng lớn dưới lòng đất, có thể là nơi trú ngụ cho sự sống hay không.

Mô hình tàu vũ trụ Europa Clipper tại phòng thí nghiệm của NASA ở California, Mỹ ngày 11/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Mô hình tàu vũ trụ Europa Clipper tại phòng thí nghiệm của NASA ở California, Mỹ ngày 11-4-2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tàu vũ trụ Europa Clipper sẽ được phóng bằng tên lửa SpaceX Falcon Heavy từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral vào lúc 12h06' (giờ địa phương - tức 16h06' giờ GMT) ngày 14-10. Sau hành trình kéo dài khoảng 5 năm rưỡi và quãng đường 2,9 tỷ km, tàu sẽ vào quỹ đạo sao Mộc vào năm 2030. Tàu vũ trụ sẽ thực hiện 49 chuyến bay qua Europa trong vòng ba năm. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là đo độ dày của lớp băng bên ngoài Europa, xác định thành phần của mặt trăng và nghiên cứu địa chất của nó.

Europa Clipper là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA từng chế tạo cho một nhiệm vụ hành tinh, dài khoảng 30,5 mét, rộng 17,6 mét và nặng khoảng 6.000 kg. Kích thước lớn của nó là do các tấm pin mặt trời cỡ lớn cần thiết để cung cấp năng lượng cho các thiết bị khoa học, điện tử và các hệ thống phụ khác.

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến đại dương nước mặn lỏng được cho là nằm dưới lớp vỏ băng của Europa. Tiến sĩ Bonnie Buratti, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA và là Phó Trưởng dự án khoa học của nhiệm vụ, cho biết: "Có bằng chứng rất mạnh mẽ rằng các thành phần cần thiết cho sự sống tồn tại trên Europa. Nhưng chúng ta phải đến đó để tìm hiểu".

Mặc dù bề mặt Europa khắc nghiệt và lạnh giá, các nhà khoa học tin rằng nó có thể nuôi dưỡng sự sống. Europa nhận được chỉ khoảng 4% bức xạ mặt trời mà Trái Đất nhận được, nhưng quỹ đạo của nó quanh sao Mộc tạo ra nhiệt do lực hấp dẫn mạnh mẽ của hành tinh khổng lồ này.

Tiến sĩ Buratti nhấn mạnh rằng các nhiệm vụ thăm dò như thế này luôn khám phá ra điều gì đó "mà chúng ta không thể tưởng tượng được". Bà nói: "Sẽ có điều gì đó ở đó - điều chưa biết - sẽ tuyệt vời đến mức chúng ta không thể hình dung được ngay bây giờ".

Theo TTXVN

.