Công nghệ

Nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số

14:15, 30/10/2024 (GMT+7)

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền trên địa bàn và người dân, doanh nghiệp, quận Hải Châu đạt những kết quả tích cực trong chuyển đổi số.

Người dân trải nghiệm thực tế ảo tại ngày hội Chuyển đổi số 2024 của quận Hải Châu. Ảnh: C.THẮNG
Người dân trải nghiệm thực tế ảo tại ngày hội Chuyển đổi số 2024 của quận Hải Châu. Ảnh: C.THẮNG

Trong hai ngày 8 và 9-10, UBND quận Hải Châu tổ chức Ngày hội Chuyển đổi số 2024 với chủ đề “Tận dụng cơ hội, sáng tạo để phát triển”. Theo đó, quận lựa chọn những doanh nghiệp nổi bật về chuyển đổi số trên địa bàn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Chi nhánh Đà Nẵng; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) Chi nhánh Đà Nẵng; Công ty CP Note AR; Công ty CP Công nghệ FiveSS... để trưng bày, giới thiệu, các sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ số đến người dân trên địa bàn.

Bên cạnh các hoạt động chính của Ngày hội như lễ khai mạc, diễn đàn “Kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế số”, gian hàng trưng bày... còn có những hoạt động khác như  hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng xã hội số hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ngày hội Chuyển đổi số là một trong những hoạt động mà quận Hải Châu cùng các phường thường xuyên triển khai thời gian qua để tạo không khí phấn khởi, không gian mở để người dân có thể tìm hiểu những mô hình, giải pháp chuyển đổi số thiết thực.

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển đổi số liên tục được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng như trang thông điện tử quận, phường, trang Zalo OA, fanpage… Các thành viên của 531 Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 (đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) thường xuyên hướng dẫn và tuyên truyền người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Xác định vai trò quan trọng của hạ tầng số để thúc đẩy các trụ cột số khác (chính quyền số - kinh tế số - xã hội số), UBND quận thực hiện tiếp nhận, bố trí nhân sự làm việc tại Trung tâm giám sát điều hành OC quận. Hiện nay, 100% máy tính tại các cơ quan hành chính có sử dụng phần mềm phòng chống mã độc tập trung; 100% lãnh đạo cơ quan đăng ký sử dụng chữ ký số SIM PKI. Trang thông tin điện tử quận đã kết nối Hệ thống giám sát đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC) và được gắn nhãn tín nhiệm mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả quận, phường đều được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ nhằm phục vụ tổ chức, công dân khi đến liên hệ làm việc.

Về chính quyền số, gần đây nhất, UBND quận ban hành quyết định về danh mục thủ tục hành chính trực tuyến được rút ngắn thời gian giải quyết so với thời gian quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận Hải Châu. Hiện một số phường triển khai nhiều mô hình mới nhằm thúc đẩy chính quyền số, cụ thể: UBND phường Hòa Thuận Tây triển khai mô hình “Dịch vụ công không giấy - không tiền mặt”, xây dựng ứng dụng HOA THUAN TAY SMART trên nền tảng zalo với nhiều tiện ích chuyển đổi số; UBND phường Hải Châu 1 triển khai mô hình “30 phút vì nhân dân phục vụ”; UBND phường Thạch Thang triển khai mô hình Trợ lý Ảo (AI) trên Trang thông tin điện tử phường, mô hình Thạch Thang số trong thực hiện thủ tục hành chính; UBND phường Hải Châu 2 triển khai mô hình “3 sẵn sàng, 2 tốc ký, 1 chính sách”, xây dựng Sổ tay điện tử cải cách hành chính, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ hành chính công trên môi trường số, tạo lập kho dữ liệu số cá nhân...

Về kinh tế số, hiện số tuyến đường đang triển khai thanh toán không dùng tiền mặt/ tổng số tuyến đường thuộc quận là 335/369, đạt tỉ lệ 90,78%. 100% hộ tiểu thương tại các chợ thuộc quận đã thực hiện thanh toán trực tuyến trong giao dịch, mỗi hộ kinh doanh có ít nhất 1 mã Qrcode thanh toán; tỷ lệ hộ kinh doanh có một tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt là 80,01% (9.015/11.252 hộ).

Về xã hội số, UBND quận chủ động phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông như Viettel Đà Nẵng, VNPT Đà Nẵng để triển khai cung cấp chữ ký số cá nhân cho người dân. Trong năm 2023, Viettel Đà Nẵng đã cung cấp chữ ký số cá nhân cho 1.386 người, VNPT đã cung cấp cho 614 người. Trong năm 2024, VNPT đã cung cấp 1.396 chữ ký số cá nhân. Tính đến nay, tổng số tài khoản định danh đã kích hoạt do công an quận thu nhận là 155.922.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 tiếp cận các nền tảng ứng dụng số, nâng cao kỹ năng số, UBND quận thực hiện lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên vườn dạo, các chợ trên địa bàn quận; tổ chức khai trương Không gian trải nghiệm công nghệ số tại Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Nam Dương. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu được giao từ phía thành phố, UBND quận triển khai thêm mô hình “Tổ dân phố 4.0” với mục tiêu xây dựng các tổ dân phố đủ điều kiện thiết bị thực hiện chuyển đổi số, sẵn sàng là cánh tay nối dài của chính quyền trong công cuộc chuyển đổi số.

Bà Phan Thị Thắng Lợi, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, thời gian tới quận tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung thực hiện số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính phát sinh mới, phấn đấu đạt trên 80% tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; xây dựng và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu mở; thực hiện tái sử dụng kết quả thủ tục hành chính; áp dụng hệ thống báo cáo điện tử, dịch vụ ngoài một cửa; rà soát đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình… Quận tiếp tục nỗ lực lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong các cấp chính quyền để người dân để góp phần xây dựng quận ngày cang văn minh, hiện đại.

MAI QUẾ

.