Kinh tế

Tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp

06:47, 11/09/2023 (GMT+7)

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước chưa được hồi phục, tuy vậy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những dấu hiệu cải thiện, tạo đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thúc đẩy sản xuất công nghiệp thông qua việc mở rộng đầu tư.  TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, bên trái sang) và các đại biểu tham quan mô hình tòa nhà G của Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: MAI QUẾ
Hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thúc đẩy sản xuất công nghiệp thông qua việc mở rộng đầu tư. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (thứ 2, bên trái sang) và các đại biểu tham quan mô hình tòa nhà G của Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Ảnh: MAI QUẾ

Phục hồi và mở rộng sản xuất

Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) khánh thành tòa nhà G 4 tầng với diện tích xây dựng 5.486m2 và tổng diện tích sàn 22.636m2, tổng giá trị xây dựng khoảng 700 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực mở rộng quy mô sản xuất trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khác thu hẹp sản xuất, nhiều lao động bị cắt giảm việc làm.

Ông Tsuneo Murata, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Murata Manufacturing, cho biết việc xây dựng thêm cơ sở vật chất là điều kiện thuận lợi để công ty đón đầu những cơ hội mới. Tòa nhà dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay và là nơi sản xuất cuộn dây dẫn cho ô-tô và thiết bị điện tử, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Trong khi đó, dự án Nhà máy Sản xuất dược phẩm và Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao (huyện Hòa Vang) của Công ty CP Dược Danapha vừa điều chỉnh tăng diện tích đầu tư khi khu đất xây dựng nhà máy được mở rộng thêm 19.496m2, đồng thời, tiến độ dự án sẽ tăng thêm 12 tháng, tổng mức đầu tư từ hơn 739 tỷ đồng lên hơn 1.198 tỷ đồng (tăng hơn 459 tỷ đồng). Dự án khi đi vào hoạt động sẽ gồm các dây chuyền sản xuất với các dạng bào chế thuốc khác nhau và một trung tâm nghiên cứu phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu.

Ông Lê Thăng Bình, Tổng Giám đốc công ty, cho hay lợi nhuận sau thuế quý 2-2023 tăng 93% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 267,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 55,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 44 tỷ đồng. Còn theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, dù còn gặp nhiều khó khăn so với năm ngoái, tình hình xuất khẩu đang cải thiện so với các tháng đầu năm và dự kiến tăng dần từ nay đến cuối năm. Doanh nghiệp đang tăng cường làm việc với các đối tác để chủ động cân đối nguồn nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân đối tác tại thị trường truyền thống. Công ty cũng chủ động lên kế hoạch sắp xếp nhân lực làm việc phù hợp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố tháng 8 ước tăng 3,4% so với tháng trước.  Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức.  Ảnh: MAI QUẾ
Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố tháng 8 ước tăng 3,4% so với tháng trước. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Đức. Ảnh: MAI QUẾ

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Theo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 của Cục Thống kê thành phố, sau nhiều tháng chững lại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 3,4% so với tháng trước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 3,4% so với tháng trước. Một số nhóm ngành đạt mức tăng trưởng khá như sản xuất xe có động cơ tăng 28,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 24%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 18,1%; sản xuất đồ uống tăng 14,7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,1%...

Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng cao so với tháng trước như bao bì và túi bằng giấy tăng 175%; bộ quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 73%; gạch và gạch khối xây dựng bằng xi-măng, bê-tông hoặc đá nhân tạo tăng 37,2%. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sản xuất công nghiệp dần được cải thiện.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp vẫn giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,6% so với cùng kỳ. Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 27,06% so với cùng kỳ.

Có thể thấy, dù sản xuất trong tháng 8 tăng trưởng nhưng từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn từ các yếu tố trong và ngoài nước tác động, lạm phát tại các nước tăng cao khiến nhiều mặt hàng tồn kho, dẫn tới chỉ số tiêu thụ chung sụt giảm so với cùng kỳ, như sản xuất trang phục tồn kho tăng 133,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 131,7%... Vì vậy, các hoạt động hỗ trợ, tạo đà để doanh nghiệp phục hồi là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin sở đang thực hiện công tác chuẩn bị tổ chức hội chợ Triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Đà Nẵng năm 2023; triển khai công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2023; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án Bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quảng bá sản phẩm; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước; hướng đến sản xuất xanh, phù hợp với xu thế hiện đại… Bên cạnh đó, sở hoàn chỉnh phương án quản lý, vận hành và khai thác Cụm công nghiệp Cẩm Lệ để báo cáo UBND thành phố, góp phần đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất.

MAI QUẾ

.