Kinh tế
Cùng doanh nghiệp vượt khó
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố gần đây gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp càng nỗ lực để vượt qua khó khăn, song song là sự đồng hành của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Việc xác định ngành kinh tế mũi nhọn tạo dư địa cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: G.P |
Là một trong hai doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được chọn tham gia thí điểm dự án “Phát triển nhà máy thông minh” do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và Sở Công Thương phối hợp thực hiện từ giữa tháng 9-2023, Công ty TNHH Bao bì Tân Long (quận Liên Chiểu) được các chuyên gia Hàn Quốc của Samsung trực tiếp tư vấn, hỗ trợ để cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới tiêu chuẩn nhà máy thông minh theo thang điểm của Samsung, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc công ty cho biết, việc thành phố ủng hộ, giới thiệu để Samsung lựa chọn tham gia dự án giúp doanh nghiệp có định hướng sản xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong thời điểm gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp xúc tiến tìm kiếm đơn hàng, khai thác đủ mọi phương diện như: giảm giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất tối đa, tổ chức hợp lý để người lao động sản xuất… Theo đó sản phẩm vẫn cung ứng cho khoảng hơn 400 khách hàng, 100% người lao động (380 người) bảo đảm thu nhập.
Trong khi đó, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC, quận Liên Chiểu) đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải radial nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm. Tháng 6 vừa qua, công ty triển khai xây dựng nhà xưởng để thi công dự án trên diện tích 109.632m2 trong 460 ngày. Tổng giá trị hợp đồng ước tính hơn 74 tỷ đồng. Dự kiến, công trình khi đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm 161 việc làm, nguồn doanh thu khoảng 3.648 tỷ đồng/năm và đóng góp vào ngân sách Nhà nước 175 tỷ đồng/năm. Công trình được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khác trong khu vực.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc DRC cho hay, thời gian qua, doanh nghiệp được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Cụ thể, ngành hải quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, áp dụng dữ liệu điện tử, dữ liệu số thay thế để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 670 triệu đồng để đổi mới công nghệ với dự án đầu tư hệ thống cân hóa chất tự động, đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao của công ty…
Đây chỉ là 2 trong 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn thành phố đang nỗ lực từng ngày để vượt qua khó khăn, thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng hành với doanh nghiệp, thành phố luôn theo dõi và hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm tới nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 9-2-2023 của UBND thành phố về triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 20-2-2023 của UBND thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Đà Nẵng năm 2023; Quyết định số 1230/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21-4-2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, tích cực thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 trên địa bàn Đà Nẵng…
TS. Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề xuất ý kiến tại hội nghị gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức ngày 6-10. Ảnh: M.Q |
Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, công nghiệp tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp kết nối, hỗ trợ lẫn nhau được thành phố tổ chức như: hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo lần thứ nhất - năm 2023, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 2023… Bên cạnh ban hành chính sách, thành phố còn tổ chức các diễn đàn, hội nghị để doanh nghiệp đề xuất ý kiến, tháo gỡ vướng mắc khó khăn.
Gần đây nhất là ngày 11-10, UBND thành phố tổ chức hội nghị “gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp” với sự có mặt của hơn 50 đại diện hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trực tiếp trao đổi về những khó khăn hiện nay. Trước đó, ngày 6-10, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng tổ chức hội nghị gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp với hơn 300 doanh nhân tham dự. Điểm chung của các hội nghị là doanh nghiệp đều bày tỏ thẳng thắn về những vướng mắc hiện có cũng như nguyện vọng, đề xuất để lãnh đạo thành phố hỗ trợ tháo gỡ.
Ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhận định, mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách, quy định của thành phố liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thông tin về chính sách, quy hoạch của thành phố; phản hồi ý kiến, đề xuất với chính quyền về các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trên cơ sở tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch của thành phố để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
MAI QUẾ