Kinh tế
Xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế
Để thu hút khách cũng như mở rộng các thị trường quốc tế, chính quyền, ngành du lịch Đà Nẵng cùng các doanh nghiệp nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm thị trường, kết nối mở thêm các đường bay mới. Các đường bay trực tiếp chính là cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất để du khách đến Đà Nẵng.
Kết nối, mở rộng thêm các thị trường khách để góp phần đa dạng hóa các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Khách đến Đà Nẵng qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ |
Thông tin từ Sở Du lịch, tính đến hết tháng 9-2023, Đà Nẵng có 34 đường bay gồm 8 đường bay nội địa và 26 đường bay quốc tế, trong đó có 15 đường bay trực tiếp thường kỳ (Incheon, Daegu, Cheongju, Busan (Hàn Quốc); Bangkok (Suvarnabhumi và Donmuang); Chiangmai (Thái Lan); Kualalumpur (Malaysia), Singapore; Siêm Riệp (Campuchia); Đài Bắc và Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc); Hongkong, Macau (Trung Quốc); Narita (Nhật Bản); Vientian (Lào) và 11 đường bay trực tiếp thuê chuyến.
Tần suất các chuyến bay đến Đà Nẵng đạt khoảng 110-118 chuyến/ngày trong đó 45-48 chuyến quốc tế; 65-70 chuyến nội địa. Tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng đạt khoảng 34.485 chuyến, bằng 93,77% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó có 13.688 chuyến bay quốc tế, bằng 82,09% so với cùng kỳ năm 2019 và 20.797 chuyến bay nội địa, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 9 tháng qua: Hàn Quốc đạt 770.211 lượt khách (chiếm tỷ lệ 48,1%), Thái Lan đạt 147.724 lượt khách (9,2%), Đài Loan (Trung Quốc) đạt 123.936 lượt khách (7,7%), Mỹ đạt 74.503 lượt khách (4,7%), Ấn Độ đạt 67.456 lượt khách (4,2%), Malaysia đạt 65.072 lượt khách (4,1%), Nhật Bản đạt 55.677 lượt khách (3,5%), Trung Quốc đạt 52.454 lượt khách (3,3%), Úc đạt 33.055 lượt khách (2,1%), Singapore đạt 26.043 lượt khách (1,6%)...
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, lượng khách du lịch đi lẻ chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 80% tổng lượt khách lưu trú tại Đà Nẵng, khách du lịch đi theo đoàn do các đơn vị lữ hành khai thác chiếm tỷ lệ 15-20% trong tổng số khách lưu trú. Bên cạnh đó, thị hiếu du khách của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng như thị trường khách Hàn Quốc (đang chiếm tỷ lệ 48%) dự kiến có xu hướng dịch chuyển đến những điểm đến mới có nhiều sản phẩm mới; thị trường Trung Quốc (năm 2019 chiếm tỷ lệ 20%) chưa có dấu hiệu phục hồi; thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng…
Du khách đang có xu hướng tìm kiếm những kỳ nghỉ độc đáo, gây ngạc nhiên và thích thú, hướng đến các dịch vụ du lịch, trải nghiệm thân thiện với môi trường, du lịch xanh, du lịch cộng đồng và du lịch chăm sóc sức khỏe tinh thần. Chưa kể, các hãng hàng không gặp khó khăn do quy định về việc cấp slot bay (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay dành cho một máy bay vào một ngày, giờ nhất định).
Ngoài ra, theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), sự phục hồi du lịch toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2023 với sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường Trung Quốc. Tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do các đường bay quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn, các thị trường quốc tế truyền thống có sự dịch chuyển dần; áp lực cạnh tranh điểm đến với các địa phương, tỉnh, thành phố có hoạt động du lịch phát triển rất lớn.
Nhận thấy rõ các khó khăn này nên thời gian qua, chính quyền thành phố, ngành du lịch rất nỗ lực đi xúc tiến, quảng bá, kết nối để mở các đường bay mới như làm việc với Hãng hàng không Emirates về mở đường bay đến UAE; làm việc với Hàng hãng không Indigo, Vistara và Air India về mở lại đường bay đến Ấn Độ; phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng làm việc với đại diện Cảng hàng không Fukuoka về xúc tiến đường bay đến Fukuoka (Nhật Bản); xúc tiến mở đường bay Osaka (Nhật Bản), Cebu (Philippines)…
Nghi lễ phun nước khi máy bay hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng trong lần đón chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airlines. Ảnh: THU HÀ |
Những người làm du lịch chia sẻ, việc dịch chuyển điểm đến của một số thị trường khách là xu hướng tất yếu, do khách có nhu cầu đi tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ, khác biệt. Vì thế, điều cần làm hiện nay của Đà Nẵng là phải thường xuyên xúc tiến, quảng bá mở rộng các thị trường khách mới. Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy cho biết, doanh nghiệp đang chú trọng vào những thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á, một số thị trường trọng điểm như Thái Lan, Malaysia đang có sự tăng trưởng rất tốt trong thời gian qua.
Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường khách du lịch là rất cần thiết bởi những thị trường mới này sẽ bù đắp cho những thị trường truyền thống còn thiếu hụt trước đây. Tuy nhiên, cùng với việc xúc tiến, kết nối đối tác còn cần sự tham gia của các hãng hàng không để sớm có đường bay, thuận lợi cho việc đi lại du khách. Về dài hạn, cần tập trung ngân sách quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng mạng lưới văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá cho du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương trong đó có Đà Nẵng nói riêng…
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, ngoài các chuyến đi xúc tiến, kết nối đường bay đã được triển khai trong thời gian vừa qua, thành phố cần tiếp tục định hướng, hướng tới các đường bay lớn, đặc biệt từ thị trường Ấn Độ, Indonesia, Úc làm sao sớm có được đường bay để đưa khách về.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, mục tiêu những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, ngành du lịch thành phố sẽ xúc tiến, khôi phục các đường bay quốc tế thường kỳ, charter (thuê chuyến) từ Trung Quốc; đường bay Đà Nẵng - Doha (Qatar) để kết nối lại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; mở rộng đường bay đến Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Philippines, Phuket, Đông Bắc Thái Lan, Gangwon (Hàn Quốc), Úc…
THU HÀ