Kinh tế

Hoàn thiện mạng lưới giao thông với vai trò trung tâm logistics

07:18, 09/11/2023 (GMT+7)

Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2-11-2023, mạng lưới giao thông đô thị Đà Nẵng sẽ có những thay đổi với các dự án hạ tầng giao thông mới, trong đó có vai trò là trung tâm logistics lớn.

Giao thông của thành phố ngày càng hiện đại. Trong ảnh: Cầu vượt khác mức ngã ba Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH LÂN
Giao thông của thành phố ngày càng hiện đại. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức ngã ba Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: THÀNH LÂN

Với mục tiêu phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý, theo nội dung quy hoạch đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước. Theo đó, phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Quy hoạch sẽ hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng; cùng với đó, xã hội hóa các dịch vụ vận tải, vận tải đường thủy và các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Theo quy hoạch, sẽ có nhiều phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Cụ thể, về đường bộ: xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; quốc lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV, 2 làn xe; đường tránh Nam Hải Vân (đoạn Hòa Liên - Hải Vân và Hòa Liên - Túy Loan; xây dựng các nút giao thông khác mức kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị. Riêng đường hàng không, đến năm 2030 nâng cấp, mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên khoảng 25 triệu hành khách/năm và là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không.

Về mạng lưới giao thông đô thị, Đà Nẵng sẽ xây dựng tuyến đường Vành đai phía tây 1 nằm giữa đường Vành đai phía tây và đường bộ cao tốc cũng như việc nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên qua sân bay kết nối phía đông và phía tây; đồng thời bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan, tuyến đường từ đường Vành đai phía tây đến cao tốc La Sơn - Túy Loan (phía sau Khu Công nghệ cao), kết nối đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Hoàng Văn Thái nối dài, từ Khu công nghiệp Hòa Khánh đến ga đường sắt mới để tạo thành trục chính kết nối Đông - Tây…

Ngoài ra, xây dựng tuyến đường Lê Duẩn kết nối với đường Đống Đa; tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông ra đường Nguyễn Tất Thành; xây dựng công trình qua sông Hàn kết nối từ khu vực đường Đống Đa - Trần Phú sang đường Vân Đồn - Trần Hưng Đạo, tuyến đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài thông tuyến đường Hoàng Văn Thái, Vành đai phía tây 2 và đường tránh nam Hải Vân; tính toán các giải pháp kết nối cảng biển và ga Kim Liên…; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các nút giao thông giao cắt khác mức đối với các nút giao giữa các tuyến đường bộ với đường sắt quốc gia.

Bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN
Bốc xếp hàng ở cảng Tiên Sa. Ảnh: THÀNH LÂN

Bên cạnh giao thông đường bộ, đối với hệ thống giao thông công cộng, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm tăng mật độ bao phủ tuyến, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác; khuyến khích phương tiện thân thiện môi trường như: xe buýt điện, CNG, LPG...

Đồng thời xây dựng 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT, 3 tuyến LRT du lịch hoặc phương thức khác tương đương năng lực và tốc độ vận chuyển...; xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Ngoài ra, xây dựng mới các bến xe phía bắc, bến xe phía tây, cải tạo, nâng cấp bến xe phía nam; chuyển đổi Bến xe trung tâm thành phố thành đầu mối giao thông công cộng. Đáng chú ý, xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng, bãi đỗ xe trung chuyển bảo đảm diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị, khuyến khích khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe kết hợp thương mại dịch vụ...

Về đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030. Đáng chú ý, di dời ga Đà Nẵng, xây dựng nhà ga đường sắt mới tại khu vực phía bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc thuộc khu vực xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang; xây dựng Ga Trung tâm logistics đường sắt tại khu vực xã Hòa Liên…

Đặc biệt về cảng biển, Đà Nẵng đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là cảng hàng hóa và các bến công vụ, sà lan; công suất đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050, tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, tàu container có sức chở đến 8.000 TEU. Riêng khu bến Tiên Sa, từng bước chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch quốc tế phù hợp tiến trình đầu tư, khai thác khu bến Liên Chiểu. Khu bến Thọ Quang tiếp tục giữ nguyên không phát triển là khu bến tổng hợp, bến công vụ và các bến quốc phòng an ninh; cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn.

Song song đó, phát triển các tuyến vận tải hành khách thủy nội địa kết nối cảng Tiên Sa và cảng sông Hàn; các tuyến vận tải hành khách từ cảng Tiên Sa đi vòng quanh bán đảo Sơn Trà, tuyến cảng Tiên Sa - khu du lịch Làng Vân - hòn Sơn Trà con; tuyến cảng Tiên Sa - Cửa Đại - Cù Lao Chàm và các tuyến sông Cu Đê đi Hòa Bắc, Hòa Vang; định hướng phát triển cảng cạn kết hợp Trung tâm logistics Hòa Nhơn tại gần giao cắt giữa đường Hoàng Văn Thái và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khu vực nam Hải Vân…

THÀNH LÂN

.