Kinh tế
Kiểm soát chất lượng nông sản từ nhà cung cấp
Hiện nay có đến 80% nông sản cung cấp nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố Đà Nẵng được nhập từ các địa phương thông qua đơn vị cung ứng. Các chương trình ký kết hợp tác chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là lựa chọn phù hợp để các đơn vị, cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản từ chính những quy định, chính sách mang tính vĩ mô.
Người dân đang lựa chọn nông sản tại siêu thị Go! Big C. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Bảo đảm truy xuất được nguồn gốc
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, trung bình hằng năm 90% sản lượng rau, trái cây từ các tỉnh nhập vào thành phố tiêu thụ thông qua Chợ đầu mối Hòa Cường. Trong đó, địa phương nhập khoảng 56.000 tấn rau củ chủ yếu từ các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh. Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Ninh Thuận… cung ứng khoảng 76.000 tấn trái cây.
Để bảo đảm chất lượng thực phẩm đầu vào, thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã phối hợp Ban Quản lý chợ tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm cho khoảng 500 hộ kinh doanh tại chợ; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lấy mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đối với mẫu có kết quả giám sát vượt ngưỡng giới hạn cho phép thì gửi thông báo đến các cơ sở kinh doanh, Ban Quản lý chợ để biết và dừng nhập hàng không bảo đảm an toàn trong khoảng 30 ngày, đồng thời thông báo đến cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố để phối hợp truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm tra, giám sát thu hồi sản phẩm không an toàn.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, việc truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu thực phẩm đối với các loại rau, củ quả và nông sản khác được thực hiện trên cơ sở áp dụng Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND năm 2016 về việc kê khai, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rau, trái cây, thủy sản ngoại tỉnh nhập vào chợ. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã lấy 973 mẫu rau, trái cây nhập từ các tỉnh, qua đó ghi nhận 960 mẫu đạt (98,66%), 13 mẫu không đạt.
“Các mẫu không đạt thường có hoạt chất Cypermethrin, Permethrin, Imidachloprid, Carbendazim, Difenoconazole, Acetamiprid vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Các loại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thường có trong các loại rau quả như cần tây, cà chua, cà rốt, cam, nhãn thái, táo, chôm chôm, nho... Theo quy định, khi các loại sản phẩm không đạt yêu cầu, chúng tôi sẽ truy xuất ngược với các địa phương, nhà cung cấp, đồng thời tạm dừng hoạt động ký kết, hợp tác cung ứng”, ông Hải cho biết.
Để tạo cơ sở pháp lý trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối, Ban Quản lý An toàn thực phẩm có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, định kỳ và đột xuất việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm tại chợ; lấy mẫu giám sát ô nhiễm trong thực phẩm.
Ngoài ra, Ban Quản lý Chợ đầu mối Hòa Cường có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật được ban hành tại Thông tư số 11/2018/TT-BNNPTNT ngày 1-10-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, đặc biệt tuân thủ yêu cầu về quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ; tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh trong việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ.
Cơ sở kinh doanh trong chợ phải có sổ ghi chép các thông tin và lưu giữ giấy tờ liên quan đến việc mua bán, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm theo nguyên tắc truy xuất 1 bước trước - 1 bước sau.
Người dân chọn mua sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Túy Loan tại Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2023 - Tôn vinh sản phẩm OCOP. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Siết chặt kiểm soát chất lượng nông sản
Tuy nhiên trên thực tế, công tác kiểm soát chất lượng nông sản đầu vào hiện nay vẫn còn hạn chế và cần được siết chặt hơn nữa. Trong đó, nguyên nhân khách quan từ các chính sách quản lý vẫn chưa theo kịp nhu cầu, tình hình thực tế. “Theo quy định tại Thông tư số 29/2022/TT-BNNPTNT ngày 2-12-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dựng.
Tuy nhiên hiện nay các phòng kiểm nghiệm chỉ được chỉ định kiểm nghiệm khoảng 102 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian kiểm nghiệm thường kéo dài trong khoảng từ 5-7 ngày, trong khi đó rau, trái cây là thực phẩm nhanh hư hỏng nên việc lấy mẫu rau, củ, quả giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn khó khăn, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản tại Ban Quản lý chợ đầu mối Hòa Cường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: bày bán thực phẩm trực tiếp trên nền chợ, việc phòng chống côn trùng, động vật gây hại chưa được hiệu quả; chưa có lực lượng thường trực kiểm soát, kiểm tra việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ và giám sát an toàn thực phẩm tại chợ”, ông Hải cho biết thêm.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát chất lượng nông sản đầu vào, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đề xuất đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng chợ Đầu mối Hòa Phước đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo Thông tư số 01/2018/TT-BNNPTNT ngày 11-10-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, nhất là chuyên môn về quản lý, giám sát và kiểm tra về an toàn thực phẩm lĩnh vực dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người kinh doanh chợ đầu mối thực hiện tốt trách nhiệm trong việc kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa kinh doanh, phối hợp lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao chất lượng thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và bảo đảm sức khỏe người dân.
PHAN CHUNG