Rà soát các dự án chậm triển khai

.

Thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp luôn được chính quyền thành phố Đà Nẵng đặc biệt chú trọng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn không ít dự án sau khi được cấp chủ trương đầu tư lại rơi vào tình trạng “án binh bất động”.

 

Phối cảnh dự án Khu phức hợp y tế - giáo dục - chung cư cao cấp được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4 -2020. Ảnh: P.A
Phối cảnh dự án Khu phức hợp y tế - giáo dục - chung cư cao cấp được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4 -2020. Ảnh: P.A

Những dự án chậm triển khai

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong giai đoạn 2016-2022, trên địa bàn thành phố có 73 dự án được cấp phép triển khai đầu tư. Đến nay, vẫn còn 19 dự án chậm, chưa triển khai. Qua ra soát cho thấy, trong tổng số 19 dự án chậm, chưa triển khai được phân bổ ở hầu hết các quận, huyện; trong đó có quận có đến 5-6 dự án có quy mô lớn chưa triển khai. Đơn cử, tại quận Ngũ Hành Sơn có dự án xây dựng Khu phức hợp y tế - giáo dục - chung cư cao cấp, do Công ty TNHH MTV Thịnh Khang An làm chủ đầu tư, được UBND thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 4-2020. Dự án có quy mô 21.311m2, tổng vốn đầu tư 1.118 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án triển khai từ năm 2020 đến năm 2028, tuy nhiên cho đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

Tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) có dự án khu đô thị Capital Square 2, do Công ty TNHH Mega Assets làm chủ đầu tư, được UBND thành phố cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10-2020. Dự án có quy mô gần 32.000m2, tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng. Đến nay, dự án vẫn chưa triển khai và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đưa vào danh sách kiểm tra tiến độ sử dụng đất năm 2023 đối với dự án này.

Ngoài ra còn có dự án nhà máy phát điện năng lượng mặt trời tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), do Công ty CP Đầu tư và phát triển Năng lượng mặt trời Bách khoa làm chủ đầu tư. Dự án được UBND thành phố Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 10-2017, với diện tích hơn 6,7ha, tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án này vẫn “án binh bất động”, mà nguyên nhân chính là do dự án chưa được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực của thành phố…

Bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa dự án triển khai, ngày 15-12-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-HĐND về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố”. Qua công tác giám sát các dự án trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 70/NQ-HĐND của HĐND thành phố, đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan sớm đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Tại phiên họp giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, do HĐND thành phố tổ chức vào đầu tháng 10-2023, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các dự án triển khai chậm được xác định một phần do thành phố chưa phê duyệt quy hoạch phân khu nên chưa xác định sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu của thành phố, vướng mặt bằng, thiếu vốn, ảnh hưởng bởi Covid-19.

Về hướng xử lý đối với các dự án chưa triển khai, bà Tâm cho biết Sở KH&ĐT đã có kiến nghị, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tìm giải pháp tháo gỡ để các dự án tiếp tục được triển khai. Mặt khác, sở sẽ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh tiến độ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư trong năm 2024. “Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu điều chỉnh quy hoạch phân khu để giải quyết các vướng mắc cho các nhà đầu tư sớm thực hiện dự án”, bà Tâm nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, nguyên nhân nhà đầu tư thiếu vốn và ảnh hưởng Covid-19 là không ổn. Bởi trước khi cấp quyết định chủ trương đầu tư, thành phố đã thẩm định nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Còn dịch bệnh bùng phát nhiều nhất là trong năm 2021, trong khi hầu hết các dự án được giao từ năm 2020 trở về trước, nhưng vẫn không triển khai.

Còn theo ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở TN&MT: “Cần xem xét, thống nhất chủ trương, ý kiến về kế hoạch, quy trình xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn để tổ chức triển khai, thực hiện theo quy định. Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo”.

Theo Sở TN&MT, đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, sở đã tiến hành rà soát tổng thể 803 khu đất với diện tích hơn 4.000ha. Đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý tình trạng này nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai. “Việc chậm đưa đất vào sử dụng đúng mục đích ở hàng trăm dự án luôn là vấn đề dư luận quan tâm. Bởi tình trạng đó gây lãng phí nguồn lực phát triển, làm chậm tiến trình đô thị hóa, ảnh hưởng tới sinh kế của một bộ phận người dân sau khi thu hồi đất”, ông Sơn cho hay. 

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các sở, ban, ngành, các thành viên trong đoàn giám sát của HĐND thành phố đề nghị các sở, ngành liên quan mạnh dạn tham mưu, nếu nhà đầu tư nào không triển khai dự án thì đề xuất thu hồi theo quy định. Còn nếu dự án chậm triển khai mà lỗi thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đoàn giám sát HĐND thành phố cho rằng, việc đẩy mạnh thu hồi các dự án chậm triển khai là cần thiết, không thể kéo dài tình trạng các nhà đầu tư không đủ năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cần được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, công bằng; đồng thời, quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư có thiện chí nhằm đẩy nhanh tiến độ cho các dự án.

PHƯƠNG ANH

;
;
.
.
.
.
.