Kinh tế

Đà Nẵng chủ động đón làn sóng đầu tư trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn

08:19, 27/01/2024 (GMT+7)

Ngày 26-1, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Đà Nẵng” (Meet Da Nang 2024), UBND thành phố công bố quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) và tọa đàm “Đà Nẵng và chính sách phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ 5, bên trái sang), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, bên phải sang), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ 4, bên trái sang), Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, bên phải sang) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn. Ảnh: HOÀNG HIỆP - THU HÀ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (thứ 5, bên trái sang), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (thứ 4, bên phải sang), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng (thứ 4, bên trái sang), Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (thứ 3, bên phải sang) chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn. Ảnh: HOÀNG HIỆP - THU HÀ

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam.

Đà Nẵng là địa phương đi đầu, tiên phong phát triển vi mạch, bán dẫn

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, chiều 26-1, DSAC ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Synopsys về hợp tác trong đào tạo thiết kế vi mạch và ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Intel trong hợp tác đào tạo trí tuệ nhân tạo cho nguồn nhân lực tương lai. “Việc triển khai ký kết hợp tác với 2 tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ cũng như thế giới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của DSAC có thể được xem là một kết quả bước đầu, tạo tiền đề để DSAC thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng lộ trình đầu tư Khu công viên phần mềm số 2, phấn đấu đưa vào sử dụng trong quý 2-2024; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cho DSAC đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, khẩn trương tham mưu thành phố dự thảo cơ chế, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo như đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”; nghị quyết của HĐND thành phố về các cơ chế, chính sách cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm về vi mạch, trí tuệ nhân tạo gắn với các hình thức thu hút làm việc ngắn hạn, dài hạn, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…; nội dung chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng trong nghị quyết Quốc hội về cơ chế đặc thù thành phố Đà Nẵng.

Sở cũng chủ động, phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Intel triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024. Từ năm 2025 trở đi, DSAC cần xây dựng lộ trình hợp tác với các đối tác lớn để triển khai bồi dưỡng các lớp chuyên sâu công nghệ lõi qua đó từng bước hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nguồn công nghệ (start-ups, spin-off) trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nước tiên phong trong công nghiệp bán dẫn; đồng thời cho rằng việc thành lập DSAC là hướng đi đúng đắn trong việc phát triển ngành này. Bộ sẽ xây dựng, phát triển mạng lưới trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025; 1 trung tâm nghiên cứu và chế tạo, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2027.

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất về định hướng, thiết kế và lộ trình 3 giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo đó, trong ngắn hạn, thành phố tập trung vào hoạt động thiết kế, kiểm thử; trung hạn là thực hiện các công đoạn sản xuất; trong dài hạn là làm chủ một số công nghệ lõi, sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip) và bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử, các công nghệ tính toán mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) đề nghị Đà Nẵng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn. Đồng thời, thành phố sớm xây dựng và trình Quốc hội nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có chính sách đào tạo và phát triển nhân lực vi mạch, bán dẫn; chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi; chính sách thu hút chuyên gia cao cấp nước ngoài về làm việc tại Đà Nẵng, đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ tạm trú cho các chuyên gia, nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn.

Về dài hạn cần hướng tới trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ nghiên cứu, đánh giá, kiểm thử, mô phỏng, sản xuất mẫu, sản xuất quy mô nhỏ và các dịch vụ hỗ trợ khác cho các công ty khởi nghiệp, công ty thiết kế, công ty sản xuất và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo vi mạch, bán dẫn,… hàng đầu trên cả nước; thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp, trường đại học thông qua các hình thức hợp đồng đào tạo 3 bên…

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc bộ phận kinh doanh của Tập đoàn Synopsys tại khu vực Việt Nam, Pakistan và Bangladesh đánh giá Đà Nẵng mới khởi động từ tháng 10-2023, nhưng đã làm một số việc rất cụ thể, trong đó có việc thành lập DSAC. Bên cạnh chức năng đào tạo, DSAC sẽ có thêm chức năng thu hút đầu tư và kết nối quốc tế. Ngoài ra, Đà Nẵng đã có Khu công viên phần mềm số 2, nơi hứa hẹn sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp vào làm việc. “Với quyết tâm lớn của lãnh đạo thành phố, Đà Nẵng đã chọn được đối tác chiến lược về phát triển ngành vi mạch, bán dẫn và đã làm được một số việc thực sự để xây dựng, phát triển ngành này”, ông Trịnh Thanh Lâm nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục tranh thủ xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, các trường đại học để tổng hợp và đề xuất đưa vào dự thảo nghị quyết đặc thù nhằm trình Quốc hội xem xét, cũng như trình HĐND thành phố xem xét để ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố. Qua đó lãnh đạo thành phố bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương, các cấp, nhất là trong các hoạt động về hợp tác đào tạo, xúc tiến đầu tư... để Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong công nghệ bán dẫn.

Hợp tác đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Ngày 26-1, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; cùng đại diện các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố tham dự.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho hay, hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó chip bán dẫn cơ bản đã được hoàn thiện. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bày tỏ vui mừng với việc thành phố Đà Nẵng đã thu hút được các đối tác cùng hợp tác, triển khai hoạt động đào tạo nhân lực ngành vi mạch, bán dẫn trên địa bàn thành phố. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đồng hành thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh bày tỏ, Đà Nẵng đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn. Trước mắt, thành phố tập trung ở khâu thiết kế vi mạch và phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Việc ký kết các nội dung thỏa thuận của 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này, góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố trong tương lai cũng như thúc đẩy hiệu quả hoạt động xúc tiến hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của thành phố cũng như trên cả nước.
Quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch Đà Nẵng
Sáng 26-1, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang 2024” từ ngày 25 đến 27-1, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp đi tham quan cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) và Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tại đây, các đại biểu tìm hiểu lịch sử hình thành, đặc trưng của hai địa điểm; nghe thuyết minh về nghề điêu khắc đá, các công đoạn làm đá; các hang động, điểm nhấn của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch của hai địa điểm nói trên. Trong hai địa điểm tham quan, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2018. Danh thắng có 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn và hệ thống văn tự khắc trên núi đá (ma nhai) - di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước trên con đường di sản miền Trung: Huế - Đà Nẵng - Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Năm 2023, Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 1,7 triệu lượt khách (hơn 1,1 triệu khách quốc tế) với tổng thu ngân sách gần 74,4 tỷ đồng. X.DŨNG

HOÀNG HIỆP - THU HÀ

.