Kinh tế

Đồng hành với doanh nghiệp để phát triển

08:18, 13/01/2024 (GMT+7)

Chiều 12-1, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đồng chủ trì hội nghị “Gặp mặt một số doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2024” do UBND thành phố tổ chức. Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu nhiều ý kiến, đề xuất để cùng thành phố tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Doanh nghiệp mong sớm được hỗ trợ

Ông Phan Cảnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phan Lê cho biết, công ty đang hoạt động trong lĩnh vực cơ khí. Nguyện vọng công ty cần một nhà xưởng khoảng 2.000m2 trong khu công nghiệp để không ảnh hưởng tới nhà dân nhưng chờ mãi các cụm công nghiệp chưa hoàn thành. Mới đây, công ty đã làm các thủ tục để được sản xuất trong khu vực nhà xưởng 2.500m2 tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp đã cấp chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư KCN Liên Chiểu là Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng yêu cầu công ty đóng tiền thuê lại đất thô với giá 5.000 đồng/m2, đóng 1 lần cho cả thời gian thuê còn lại gần 25 năm với số tiền khoảng 320 triệu đồng, trong khi thành phố hiện tại chưa ban hành giá thuê lại đất thô, và chưa yêu cầu thu. Ông Tân cho rằng điều này không hợp lý và bày tỏ thành phố cần sớm triển khai các cụm công nghiệp, để những doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Mia cho biết, công ty là chủ đầu tư của dự án căn hộ tại 61 Ngô Thì Nhậm, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Công ty nhận chứng nhận đầu tư từ tháng 5-2023 và đang thực hiện các thủ tục để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, công ty còn đang phải chờ quy hoạch phân khu để bảo đảm thủ tục pháp lý mới triển khai dự án được, bên cạnh đó, công ty mong muốn hỗ trợ về thẩm tra cấp phép xây dựng để dự án sớm đi vào hoạt động

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, nhà đầu tư cũng cho biết nhận được nhiều hỗ trợ từ thành phố. Ông Lee Jai Choen, Chủ tịch Công ty TNHH KP Aero Space Vietnam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang) thông tin, công ty là nhà sản xuất linh kiện máy bay cho các hãng hàng không như Boeing 787, 737Max, Airbus, Korean Air đến từ Hàn Quốc. Tổng vốn đầu tư cho dự án tại Khu Công nghệ cao là 20 triệu USD và đã được cấp phép đầu tư chỉ trong 1 tháng. Dự kiến, công ty sẽ sớm nhận giấy chứng nhận đầu tư trong đầu năm 2024. Về nhân lực, công ty đã tuyển dụng được các sinh viên vừa tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và các kỹ sư khác. Công ty đánh giá nhân lực đào tạo tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty. Thời gian tới, công ty kỳ vọng sớm liên kết với các công ty linh kiện hàng không, linh kiện lắp ráp khác trong Khu Công nghệ cao để hình thành cụm sản xuất linh kiện hàng không.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Bao bì Tân Long (quận Liên Chiểu). Ảnh: M.Q

Thành phố tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố đánh giá cao những kết quả và đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố trong năm qua. Các phát biểu, kiến nghị của doanh nghiệp trước, trong và sau hội nghị, đề nghị giám đốc các sở, ban, ngành chủ động hỗ trợ, tháo gỡ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, các đơn vị báo cáo đề xuất cụ thể, không đề xuất chung chung, không né tránh trách nhiệm; cân đối, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân trong các quyết định, chỉ đạo.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng sẽ trở thành những người định hình nên diện mạo đô thị và nền kinh tế Đà Nẵng trong những năm tới. Lãnh đạo thành phố cam kết tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; luôn sát cánh và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết ghi nhận, năm qua, UBND thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như các ý kiến của doanh nghiệp, vì vậy, HĐND thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, theo thẩm quyền xử lý. Đồng thời đề nghị UBND thành phố rà soát lại các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, có 13 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp tiếp cận chưa nhiều. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch phân khu chức năng để tháo gỡ điểm nghẽn quy hoạch; điều chỉnh những điểm chưa hợp lý. Đối với vấn đề giá đất, nhất là giá đất ven biển, HĐND và UBND thành phố cũng đã nghiên cứu để tìm giải pháp. HĐND thành phố sẽ tiếp tục giám sát, cùng UBND thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó, nhanh chóng có chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần tăng cường đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư vào thành phố, nhất là cụm công nghiệp, khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao.

Từ ngày 1-1 đến 30-12-2023, thành phố cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 57 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 58.172 tỷ đồng; thu hút 202,6 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó, cấp mới 110 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 171,4 triệu USD. Lũy kế đến nay, thành phố có 1.017 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 4,25 tỷ USD. Trong đó: 374 dự án trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 195.000 tỷ đồng; 399 dự án trong nước trong khu công nghiệp với vốn đầu tư 32.916 tỷ đồng.

MAI QUẾ

.