Kinh tế

Làm gì để quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả tới các thị trường quốc tế?

07:59, 26/02/2024 (GMT+7)

Từ đầu năm 2024 đến nay, lượng khách đến Đà Nẵng qua đường hàng không, đường biển khá đông. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy khách quốc tế đang có sự hồi phục và khởi sắc. Tuy nhiên, để thu hút khách cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm.

Du khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ xích lô tại Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ
Du khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ xích lô tại Đà Nẵng. Ảnh: NHẬT HẠ

Ngay từ sớm, ngành du lịch thành phố đã xây dựng kế hoạch truyền thông, xúc tiến du lịch Đà Nẵng năm 2024. Ngoài việc định hướng, phân khúc thị trường khách du lịch và nội dung xúc tiến, ngành tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường để đưa ra dự báo về tình hình thị trường khách nhằm xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển thị trường khách, các xu hướng mới trong du lịch, làm cơ sở xúc tiến mở đường bay mới. Trong đó, chú trọng phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao, đẩy mạnh xúc tiến du lịch MICE, du lịch golf; tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về thị trường hồi giáo; nghiên cứu hành vi, thị hiếu của người dùng thông qua các kênh OTA (đại lý du lịch trực tuyến) như KK Day, Klook, Agoda, Booking, Traveloka và trang google, facebook; phối hợp với Công ty tư vấn Outbox khảo sát Chỉ số hấp dẫn điểm đến Đà Nẵng định kỳ quý/năm...

Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, thời gian qua các doanh nghiệp, hội, hiệp hội ngành du lịch luôn đồng hành cùng các chương trình xúc tiến, quảng bá của thành phố. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch Đà Nẵng bền vững, xúc tiến có hiệu quả thì bên cạnh việc đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩn các doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng tốt cho nhân lực.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương nhìn nhận để thu hút khách quốc tế, điều quan trọng cần làm là đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trước quốc tế. Đặc biệt, cần kích hoạt mạnh mẽ hơn kênh đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài để hỗ trợ quảng bá du lịch thông qua các hoạt động chuyên đề, sự kiện chuyên nghiệp về du lịch.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, việc thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến, hội chợ tại nước ngoài là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, kết nối với các đối tác từ đất nước sở tại. Bên cạnh đó, việc tổ chức mời, đón các đoàn lữ hành quốc tế đến khảo sát các dịch vụ tại địa phương cũng rất cần thiết. Những người trực tiếp làm dịch vụ, được trải nghiệm dịch vụ sẽ về để xây dựng sản phẩm phù hợp với người dân của đất nước họ.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, trong tháng 2-2024, ngành du lịch Đà Nẵng tham gia xúc tiến, quảng bá tại Hội chợ Du lịch & Lữ hành Nam Á (SATTE - South Asia’s Travel & Tourism Exchange) lần thứ 31 do Bộ Du lịch Ấn Độ, Ủy ban Du lịch Quốc gia và Quốc tế, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch và thương mại Ấn Độ phối hợp tổ chức. Đây sẽ là cơ hội để du lịch thành phố tăng cường nhận diện hình ảnh điểm đến, kết nối với các đối tác quốc tế, đồng thời trao đổi, tìm kiếm hợp tác phát triển du lịch...

Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Hoài An bày tỏ, với mong muốn triển khai hiệu quả các hoạt động truyền thông, xúc tiến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng trong năm 2024, ngành du lịch thành phố hỗ trợ các khu điểm du lịch, các doanh nghiệp du lịch làm mới sản phẩm hiện có, đầu tư nâng cấp các sản phẩm mới; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch Đà Nẵng có lợi thế hơn các địa phương khác như du lịch golf, du lịch MICE, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch ẩm thực; đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch cưới, du lịch giáo dục; tăng cường các sự kiện có tính kết nối về du lịch và có sự tham gia trải nghiệm của du khách để thu hút phục vụ khách như là sản phẩm du lịch mới...; tiếp tục cơ cấu lại và mở rộng xúc tiến các thị trường khách tiềm năng; tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới để có hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp với từng thị trường và sản phẩm điểm đến; huy động các nguồn lực để thực hiện tư vấn, tài trợ, hỗ trợ quảng bá và truyền thông du lịch Đà Nẵng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Philippines và mở rộng tìm hiểu, hợp tác với các đại diện tại châu Âu, Úc, Mỹ, Nga và thị trường hồi giáo phù hợp với tình hình thực tế.

Ngành du lịch thực hiện quảng bá, khai thác thu hút khách thông qua các trang mạng xã hội phù hợp tại từng thị trường quốc tế, trên các trang điện tử và kênh truyền hình quốc tế; ưu tiên thu hút các KOLs (người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng trong nước và quốc tế để quảng bá du lịch Đà Nẵng.

NHẬT HẠ

.