Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

.

ĐNO - Sáng 25-4 tại Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh đồng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 8 của ủy ban và cho ý kiến thẩm tra dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản theo Tờ trình số 155/TTr-CP ngày 12-4-2024 của Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy thông tin, tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia.

Do đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất.

Ngoài ra, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Việc thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 hơn 13 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhất định, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành còn bất cập.

Mặt khác, hiện nay, một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như Luật Đấu giá tài sản, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai... và một số luật đang được trình Quốc hội như dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Do đó, việc rà soát, sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Việc xây dựng, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động địa chất, khoáng sản; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành; góp phần bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã xem xét, quyết định đưa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản vào chương trình xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp đến.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có một số điểm mới, như quy định về điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Dự thảo luật cũng bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn.

Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở thu lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

Cùng với đó, tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản...

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung phát biểu, cho ý kiến về những vấn đề chính sách lớn, quan điểm, mục tiêu xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên (bìa phải) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Chiều cùng ngày, các đại biểu cho ý kiến thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 93/2019/QH14 của Quốc hội liên quan đến chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Nghị quyết số 101/2023/QH15 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Đồng thời, cho ý kiến thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 135/2020/QH14 về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An và dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận.

Ngày 26-4, các đại biểu cho ý kiến thẩm tra hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.
.