Kinh tế
Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân
Công tác quản lý an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ, hạt nhân và ứng dụng năng lượng nguyên tử trên địa bàn thành phố được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chú trọng và tăng cường; hướng đến mục tiêu bảo đảm chất lượng môi trường, an toàn cho sức khỏe con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các sự cố bức xạ hạt nhân có thể xảy ra.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tháng 9-2023 tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: VIỆT ÂN |
Năm 2023, Sở KH&CN đã tham mưu ban hành đề án “Quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2023-2027. Đây là đề án cần thiết nhằm theo dõi, cập nhật dữ liệu phông phóng xạ trên địa bàn thành phố thường xuyên, liên tục và có hệ thống. Qua đó, kịp thời xác định những thay đổi, diễn biến bất thường về phông phóng xạ, biến động về hoạt động các chất phóng xạ; bổ sung tần suất và các vị trí quan trắc phóng xạ đối với các khu vực có nguy cơ theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021. Sở đã triển khai nhiệm vụ “Đo đạc, cập nhật phông phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” năm 2023.
Cụ thể, sở tiến hành đo đạc tại 21,442 điểm trên khắp thành phố đối với đo suất liều gamma trong môi trường không khí; hoàn thành quan trắc môi trường không khí, hàm lượng Radon không khí và đặt liều kế thu thập phông phóng sự môi trường tại 26 vị trí, khu vực trọng điểm trên địa bàn thành phố; tiến hành lấy mẫu và phân tích 48 mẫu trong môi trường nước; 21 mẫu trong môi trường đất, bùn, trầm tích; 10 mẫu lương thực, thực phẩm và 5 mẫu chỉ thị sinh học. Kết quả cho thấy, độ phóng xạ nằm ở mức an toàn, không có sự thay đổi bất thường trong môi trường. Toàn bộ thông số đo đạc được cập nhật vào “Bản đồ phông phóng xạ thành phố Đà Nẵng”, làm cơ sở dữ liệu để theo dõi diễn biến phông phóng xạ môi trường trên địa bàn, phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các đơn vị rà soát thời hiệu của giấy phép tiến hành công việc bức xạ và việc thực hiện các biện pháp, tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn bức xạ tại cơ sở. Trong năm qua, sở đã tiếp nhận, thẩm định và cấp mới 71 giấy phép tiến hành công việc bức xạ, 36 chứng chỉ nhân viên bức xạ và 20 giấy xác nhận khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế; tổ chức lớp đào tạo an toàn bức xạ cho nhân viên bức xạ. Đặc biệt, tháng 9-2023, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Ban chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân thành phố đã tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân.
Hoạt động nhằm củng cố khả năng phối hợp của cơ sở y tế và các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo; tăng cường khả năng ứng phó của đội ngũ nhân viên y tế và kiểm tra lại trạng thái sẵn sàng về mặt đội ngũ ứng phó, trang thiết bị phục vụ trong tình huống sự cố phóng xạ xảy ra. Với tình huống giả định là phòng hotlab Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng xảy ra cháy không rõ nguyên nhân, các đơn vị phối hợp đã diễn tập hoạt động, nhiệm vụ bảo đảm an toàn phóng xạ.
TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, để phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân trong năm 2024, sở sẽ tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát an toàn bức xạ hạt nhân, bảo đảm tỷ lệ 100% cơ sở sử dụng thiết bị X-quang được cấp phép không để xảy ra sự cố mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ; chú trọng công tác tổ chức đào tạo an toàn bức xạ cho các cấp quản lý, nhân viên bức xạ trên địa bàn. Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố năm 2024; triển khai đề án Quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố đến năm 2030; phối hợp với cơ sở nghiên cứu của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại Đà Nẵng thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
VIỆT ÂN