Kinh tế

Chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

15:38, 29/07/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 29 - 7, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố” tại kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố khóa X, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phan Thị Tuyết Nhung đề nghị thành phố rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực, thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua đã giải quyết một phần khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng thêm nguồn lực để doanh nghiệp phát triển.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đà Nẵng đã tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong ảnh:: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: PV
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đà Nẵng đã tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: PV

Theo bà Phan Thị Tuyết Nhung, đối với các chính sách đặc thù của địa phương, qua báo cáo của UBND thành phố, từ năm 2021 đến nay, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách là khá lớn, ước thực hiện khoảng hơn 300 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nhung kiến nghị HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát các vướng mắc, bất cập, tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết những vướng mắc các vấn đề liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp qua thực tiễn triển khai tại thành phố.

Đối với HĐND thành phố, khẩn trương có kế hoạch cụ thể và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26 - 6 - 2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, cần tập trung chỉ đạo rà soát có ý kiến để sửa đổi, bổ sung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc thù của thành phố đã ban hành. Xem xét bố trí dự toán ngân sách đảm bảo để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Đối với UBND thành phố cần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 136/2024/QH15. Bên cạnh đó, thành phố cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, minh bạch, phù hợp với nhu cầu thực tế của hoạt động đầu tư kinh doanh; đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, thủ tục đầu tư và kinh doanh ... trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của thành phố. Tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, cải cách hành chính trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Kịp thời rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách của thành phố bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi và phát triển doanh nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố.

Ngoài ra, cần chủ động phối hợp UBND các quận, huyện trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách còn bất cập để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG THỜI SỰ

 

.