Kinh tế

Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Nam Ô

08:32, 26/07/2024 (GMT+7)

Nước mắm Nam Ô là một trong 3 sản phẩm nước mắm trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là tài sản trí tuệ khẳng định uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Do đó, thành phố cùng các sở, ban, ngành, địa phương cần có những giải pháp quản lý hiệu quả, nâng tầm giá trị cho sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Gia đình anh Bùi Thanh Phú đang kiểm tra quá trình sản xuất nước nắm. Ảnh: VĂN HOÀNG
Gia đình anh Bùi Thanh Phú đang kiểm tra quá trình sản xuất nước nắm. Ảnh: VĂN HOÀNG

Nâng cao giá trị thương hiệu

Tiếp nối nghề sản xuất nước mắm truyền thống của gia đình, anh Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho biết, nghề sản xuất nước mắm gắn liền với lịch sử của làng Nam Ô, qua bao thăng trầm của thời gian, làng nghề truyền thống vẫn được duy trì và truyền lại cho nhiều thế hệ. Với giá trị lịch sử và văn hóa, việc được bảo hộ tài sản trí tuệ chỉ dẫn địa lý là điều quan trọng giúp người tiêu dùng nhận diện và nâng tầm giá trị sản phẩm của làng nghề. Đây là hành làng pháp lý để bảo vệ cho người dân làm nước mắm, xác định được vùng địa lý sản xuất nước mắm, quy trình chuẩn để sản xuất ra nước mắm đúng chuẩn Nam Ô. Qua việc được bảo hộ tài sản trí tuệ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô”, các hộ được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý này sẽ tuân thủ sự quản lý nghiêm ngặt về sản phẩm, đồng bộ về chất lượng để bảo vệ danh tiếng, uy tín của nước mắm Nam Ô.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, làng nghề đang duy trì 71 hội viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. Nhiều hộ sản xuất đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đưa sản phẩm giới thiệu tại các sự kiện xúc tiến thương mại. Đến nay, có 3 đơn vị trong làng nghề có sản phẩm nước mắm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao. “Việc được công nhận chỉ dẫn địa lý là động lực để các hội viên làng nghề quyết tâm duy trì, gìn giữ và nâng tầm thương hiệu nước mắm của làng Nam Ô”, ông Vinh cho hay.

Th.S Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cho biết, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ không chỉ là niềm tự hào về đặc sản địa phương, sự công nhận về uy tín, danh tiếng, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, giúp nâng tầm giá trị thương hiệu cộng đồng mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng; là bệ phóng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu. Để tận dụng và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ sau khi được công nhận, thành phố, địa phương và các đơn vị liên quan cần triển khai các giải pháp quản lý và phát triển. Đặc biệt, những hộ sản xuất được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cần ý thức và hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng và bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm nước mắm Nam Ô.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Đà Nẵng và là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước. Để phát triển hiệu quả chỉ dẫn địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai một số giải pháp như thiết lập mô hình quản lý, sử dụng và phát triển sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được vận hành trên thực tế; đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm nước mắm Nam Ô của thành phố. Bên cạnh đó, sở sẽ hướng dẫn vận hành mô hình quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thử nghiệm kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm...

Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động để xây dựng thương hiệu, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cơ sở phát huy tối đa lợi thế khi đã được cấp quyền sử dụng tài sản trí tuệ. Hiện nay, quận đã thành lập đội tàu 6 chiếc có công suất từ 20-145 CV để đánh bắt cá cơm phục vụ nguồn nguyên liệu cho người dân làng nghề sản xuất nước mắm. Thời gian đến, quận tiếp tục đầu tư xây dựng sơ đồ hướng dẫn hệ thống giao thông trong làng nghề, các vị trí di tích lịch sử, văn hóa, chỉ dẫn đến các cơ sở sản xuất của làng nghề.

Th.S Nguyễn Thị Thúy cũng đề xuất, các chủ thể, hộ sản xuất cần có những giải pháp đưa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ, nhà phân phối trên toàn quốc để tiếp cận và quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng; triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, phù hợp với thị hiếu của người dân thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng… “Vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” rất quan trọng bởi đây là tài sản trí tuệ của cộng đồng. Do đó, giá trị của sản phẩm sẽ được tạo dựng từ sự chung tay, nỗ lực và ý thức của cộng đồng”, bà Thúy chia sẻ thêm.

VĂN HOÀNG

.