Kinh tế

Làm rõ những điểm sáng, khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

18:36, 18/07/2024 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 18-7, Đoàn công tác số 2 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật đối với việc quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (giữa) phát biểu và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (trái) tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (giữa) phát biểu và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (trái) tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham gia và chỉ đạo đoàn công tác; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác số 2.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của thành phố làm việc với đoàn.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (giữa) phát biểu và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (thứ 2, từ phải sang) tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh (giữa) phát biểu và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam (thứ 2, từ phải sang) tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Bất động sản tạo động lực tăng trưởng nhiều ngành nghề

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của thành phố, giá trị tăng thêm (VA) trong hoạt động kinh doanh bất động sản giai đoạn 2015-2023 trên địa bàn thành phố chiếm 5,56% tổng GRDP cùng giai đoạn, mỗi năm đóng góp gần 0,1 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP; đồng thời, tạo động lực tăng trưởng cho nhiều ngành nghề liên quan...

Việc phát triển nhà ở xã hội đã được Đà Nẵng chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp; quan tâm, bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê với quỹ nhà ở xã hội cho thuê cao nhất cả nước. “Đây là một điểm sáng về thực hiện nhà ở xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản của thành phố cũng như nhiều địa phương trong cả nước còn có nhiều bất cập.

Trong thời gian 9 năm (2015-2023), thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 61 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, nhưng số lượng dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, đưa vào khai thác một phần, hoặc khai thác toàn bộ chỉ chiếm hơn 1/3 tổng số dự án của cả giai đoạn; giá bất động sản tăng trong giai đoạn 2015-2020, nhưng có xu hướng giảm trong giai đoạn đoạn 2020-2023...

Bên cạnh đó, có chênh lệch đáng kể giữa các khu vực, một số loại hình được định giá quá cao so với giá trị thực; cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thừa sản phẩm giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở có giá phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân; cân đối cung - cầu còn chưa hợp lý dẫn đến tiêu thụ sản phẩm nhà liền kề gặp khó khăn.

Các loại hình bất động sản mới (condotel, officetel, shophouse, resort villa...) phát triển mạnh trong điều kiện cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, chặt chẽ và tình hình kinh tế khó khăn khăn nên một số dự án chậm tiến độ hoặc dừng triển khai, có dự án vi phạm hợp đồng với khách hàng dẫn đến khiếu kiện; trình tự, thủ tục đầu tư các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án gặp khó khăn do vướng mắc về pháp lý, nhiều dự án hiện nay chưa có cơ sở, căn cứ để tháo gỡ...

Việc phát triển nhà ở xã hội của Đà Nẵng cũng gặp khó khăn cả về thể chế, chính sách và quá trình tổ chức thực hiện; còn nhiều điểm nghẽn về phát triển nhà ở xã hội...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, qua báo cáo và giải trình của thành phố tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cho đoàn giám sát thấy rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cũng như một số bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật và những bất cập trong tổ chức thực hiện...

Đây là căn cứ quan trọng để đoàn giám sát xây dựng, hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chất lượng của cuộc giám sát và nghị quyết giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát ghi nhận và nghiên cứu kỹ các kiến nghị của thành phố liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đoàn giám sát phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm rõ và tách riêng những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ sau khi các luật mới được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi có hiệu lực thi hành; những khó khăn, vướng mặc cần tiếp tục thảo gỡ để có đề xuất, kiến nghị phù hợp... và thể hiện trong báo cáo giám sát, nghị quyết giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý thành phố Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành được giao trong các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... và tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm để thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc này. Đây là 2 lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở xã hội cho người thu nhậpthấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (Quốc hội) Nguyễn Thúy Anh (giữa), Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác số 2 phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (Quốc hội) Nguyễn Thúy Anh (giữa), Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Trưởng đoàn công tác số 2 phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội (Quốc hội) Nguyễn Thúy Anh thống nhất với những đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải về thành tựu phát triển - kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua cũng như việc thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của thành phố, cùng những vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Đồng thời cho biết, đoàn công tác số 2 sẽ phối hợp nghiên cứu, để xử lý những khó khăn, vấn đề đặt ra liên quan đến các cái nội dung giám sát, trong đó có những khó khăn, vướng mắc của thành phố Đà Nẵng.

Đoàn công tác đề nghị thành phố tiếp tục làm rõ các vấn đề mà đoàn quan tâm và bổ sung, làm rõ các kiến nghị với đoàn giám sát cũng như các cơ quan của Trung ương, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, thành phố cần làm rõ hơn các điểm sáng của Đà Nẵng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội để nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay của địa phương.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn công tác số 2 và cho biết sẽ bổ sung các số liệu, những vấn đề còn chưa rõ và những đánh giá tác động của thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đến kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội...

Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ phấn khởi được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có những định hướng cho thành phố phát triển và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Hiện nay, thành phố đang tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận của Trung ương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai, bản án, kết luận thanh tra... để sớm triển khai thực hiện những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố.

Thành phố cũng đang triển khai đồng bộ các quy hoạch và rà soát tính pháp lý, quy trình, thủ tục xây dựng các dự án để thực hiện cho chuẩn mực, đồng bộ và từng bước tháo gỡ, xử lý các vấn đề tranh chấp tại các dự án nhà ở thương mại, condotel...

Cùng với đó, tiếp tục tập trung các nguồn lực ngân sách Nhà nước để xây dựng nhà ở xã hội cho người dân theo tinh thần bảo đảm an sinh xã hội là chính, di dời các hộ dân ra khỏi các khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng và xây dựng lại để bố trí cho những hộ gia đình không có điều kiện, còn hộ gia đình có điều kiện kinh tế hơn thì thành phố ưu tiên bán nhà xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam cho rằng, những năm gần đây, công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Tổng giá trị tăng thêm (VA) hoạt động kinh doanh bất động sản giai đoạn 2015-2023 theo giá hiện hành đạt 51.518 tỷ đồng; có khoảng 157.400 giao dịch bất động sản; tổng giá trị giao dịch (theo giá trị kê khai thuế) khoảng 415.594 tỷ đồng.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương quan tâm, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển nhà ở xã hội.

Tính đến hết năm 2023, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10.687 căn hộ chung cư (được đầu tư từ vốn ngân sách địa phương) và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên tập trung (đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách địa phương), lũy kế vốn Nhà nước đã đầu tư khoảng 3.570 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2015-2023, thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2.370 căn hộ nhà ở xã hội, đang triển khai 1 dự án với 608 căn hộ.

Tính đến hết năm 2023, thành phố đã kêu gọi đầu tư 9 dự án nhà ở xã hội, hoàn thành đưa vào sử dụng 4.970 căn hộ chung cư. Riêng giai đoạn 2015-2023, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3.571 căn, đang triển khai xây dựng 2.541 căn, đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án với 3.519 căn...

Thành phố giới thiệu quỹ đất để Tổng Liên đoàn Lao động triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở (732 căn); đồng thời, bổ sung kế hoạch kêu gọi đầu tư 5 dự án mới (khoảng 4.500 căn) trong giai đoạn 2024-2025.

Về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, thành phố rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030 trong quá trình lập các quy hoạch phân khu.

Theo đó, quỹ đất nhà ở xã hội đã, đang triển khai khoảng 64,4 ha; quỹ đất nhà ở xã hội quy hoạch mới đến năm 2030 khoảng 113,6ha, bảo đảm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 (nhu cầu khoảng 83ha) và giai đoạn tiếp theo.

HOÀNG HIỆP

.