Kinh tế
Đà Nẵng - Điển hình dịch vụ công trực tuyến toàn trình - Bài 2: Lấy người dân làm trung tâm
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình hiệu quả, sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quyết định. Chính quyền thành phố thời gian qua ban hành, triển khai các chính sách để khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đoàn viên thanh niên phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Tăng hiệu quả từ nền tảng số
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Hồ Thị Thanh, Tổ trưởng tổ 23, phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) vẫn đều đặn thực hiện nhiều hồ sơ, thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, một trong số đó là báo cáo trực tuyến dân số, kế hoạch hóa gia đình từng tháng. Mới đây nhất, bà thực hiện gia hạn hợp đồng chung cư qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và nhận được thông báo trong vòng 3 tháng sẽ trả kết quả gia hạn hợp đồng, nhưng chỉ sau 2 tháng là hồ sơ được gửi về tận nhà mà không mất bất cứ chi phí nào khác. Việc thực hiện các thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến giúp bà chủ động thời gian, tiết kiệm tiền bạc… Ngoài ra, các hồ sơ thực hiện xong thường được lưu trữ lại trong kho để những lần tiếp theo có thể sử dụng lại, điều đó rất thuận tiện cho bà mỗi khi thực hiện các thủ tục.
Có được sự thuận tiện cho người dân như trên là vì thành phố đã triển khai Kho kết quả thủ tục hành chính số từ tháng 3-2023. Theo đó, thành phố sử dụng cơ sở dữ liệu và kết quả thủ tục hành chính số để hủy, bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, cắt giảm thành phần hồ sơ. Kho có 2 phân hệ chính gồm: phân hệ tự động nhận kết quả thủ tục hành chính phát sinh mới và đã ký số từ phần mềm một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành; phân hệ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính số hóa kết quả thủ tục hành chính trước đây. Hiện kết quả thủ tục hành chính từ đầu năm 2023 của thành phố đã được số hóa và đưa vào kho; 60% kết quả thủ tục hành chính còn hiệu lực đã số hóa đưa vào kho để sử dụng lại, tạo ra giá trị mới.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đầu năm 2024, Đà Nẵng là điển hình về phát triển dữ liệu số. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên xây dựng và triển khai kho dữ liệu điện tử cá nhân, tổ chức trên nền tảng Công dân số My Portal tại địa chỉ congdanso.danang.gov.vn, cho phép mỗi người dân có thể chủ động đưa các giấy tờ như căn cước công dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe… đã được số hóa lên kho dữ liệu điện tử. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân không phải khai báo lại hoặc không nộp thêm thành phần hồ sơ đã có trong kho dữ liệu. Hiện Đà Nẵng có hơn 320.000 người dân có tài khoản công dân số, qua đó nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, phát triển xã hội số.
Theo xu hướng sử dụng mạng xã hội Zalo của người dân, tháng 5-2023, Sở Thông tin và Truyền thông kết nối hệ thống với Zalo để triển khai thêm chức năng thông báo các trạng thái hồ sơ dịch vụ công trực tuyến qua Zalo để người dân có thông tin kịp thời, chủ động xử lý. Đối với các thủ tục hành chính (cấp phép) cần kiểm tra, giám sát được gắn mã QR, người dân chỉ cần dùng điện thoại để xuất trình thuận tiện (không cần công chứng, giữ và trình bản giấy); cán bộ kiểm tra chỉ cần dùng ứng dụng Danang Smart City trên điện thoại để quét xác thực, kiểm tra.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Thành phố đã triển khai nhiều mô hình hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến như mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06; mô hình Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục tại xã- phường; mô hình Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử... Hiện thành phố có 2.531 Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với gần 15.900 thành viên, trong đó, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên và nhân viên doanh nghiệp công nghệ số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn từng người dân.
Anh Lê Tuấn Vũ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 Mỹ Thạnh 2 (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, các thành viên trong tổ hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký tài khoản công dân số, các danh mục cơ bản trong nền tảng dịch vụ công trực tuyến... Hầu hết người dân sau khi hướng dẫn có thể thực hiện thủ tục hành chính thông qua nền tảng dịch vụ công trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Hiền (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, chị từng mất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục như xác nhận lý lịch tư pháp; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; nộp phạt hành chính; đăng ký tạm trú, thường trú…Đến nay, qua hướng dẫn của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, chị thực hiện hoàn toàn các thủ tục trên qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các thủ tục từ khi bắt đầu đăng ký, tiếp nhận hồ sơ cho đến hoàn thành đều được thông báo qua tin nhắn điện thoại hoặc Zalo, giúp chị có thể nắm bắt lộ trình các bước, chủ động hơn trong công việc. Chị Hiền đánh giá, dịch vụ công trực tuyến là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức.
Có thể nói, các mô hình lấy người dân là trung tâm cải cách thủ tục hành chính đã sớm được chính quyền các cấp triển khai. Từ năm 2019, quận Hải Châu triển khai thí điểm mô hình Khu dân cư điện tử tại phường Thạch Thang và Nam Dương. Mô hình được tổ chức như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường. Điểm khác biệt là việc tổ chức này tại khu dân cư - nơi mà người dân trực tiếp sinh sống, đi lại. Điều này tạo thuận lợi giúp người dân tương tác dễ dàng, tránh trường hợp tập trung đông người, chờ đợi, xếp hàng tại khu vực một cửa.
Chỉ trong thời gian ngắn sau thí điểm, quận Hải Châu đã triển khai mô hình tới 13/13 phường. Ngoài quận Hải Châu, quận Cẩm Lệ triển khai mô hình Khu dân cư điện tử tại khu dân cư số 5 (phường Khuê Trung) được đánh giá cao và chọn làm mô hình điểm để nhân rộng sang các khu dân cư khác.
Trước đó, từ năm 2017, mô hình Thôn điện tử được UBND huyện Hòa Vang triển khai. Theo đó, UBND các xã đầu tư máy tính, máy sao chụp, máy in, lắp đặt hệ thống Intenet tại hội trường của thôn để triển khai mô hình. Tại các điểm này đều có bảng niêm yết thủ tục hành chính các lĩnh vực của cấp huyện và cấp xã; bảng hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 do UBND huyện và xã cung cấp, đồng thời cung cấp các số điện thoại của các tình nguyện viên hướng dẫn cải cách hành chính. Bên cạnh đó, Tổ cải cách hành chính xã cử các thành viên trực tiếp đến các điểm này để tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả.
Cũng trong năm 2017, UBND thành phố và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn thành phố. Qua 7 năm triển khai, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp để khuyến khích người dân thực hiện như miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí bưu chính. Hiện Bưu điện Đà Nẵng mở rộng đại lý dịch vụ công trực tuyến về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính tại 21 UBND phường, xã, tăng 13 phường, xã so với thời gian đầu triển khai để tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm chi phí đi lại và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
MAI QUẾ - CHIẾN THẮNG