Kinh tế

Thúc đẩy khởi nghiệp lĩnh vực kinh tế xanh, tuần hoàn

07:44, 16/10/2024 (GMT+7)

Tại cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” lần thứ 4, năm 2024 (InTE_UD 2024), dự án của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã giành giải Nhất với ý tưởng được đánh giá sáng tạo, độc đáo hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, đặc biệt là kinh doanh tạo tác động xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Giải Nhất cuộc thi thuộc về nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa (Trần Hoàng Nhã Uyên, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, Phạm Thị Mỹ Tâm) và Trường Đại học Kinh tế (Trần Hoàng Nhã Quỳnh). Ảnh: NVCC
Giải Nhất cuộc thi thuộc về nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa (Trần Hoàng Nhã Uyên, Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, Phạm Thị Mỹ Tâm) và Trường Đại học Kinh tế (Trần Hoàng Nhã Quỳnh). Ảnh: NVCC

“Màng bọc thực phẩm phân hủy sinh học VSCO WRAP từ BC Kombucha chứa các hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn từ lá bàng kết hợp với Anthocyanin từ vỏ khoai lang tím” là dự án của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế.

Đây là dự án với giải pháp bảo quản an toàn thay thế cho chất bảo quản hóa học và màng bọc nhựa, thân thiện với môi trường có thể ăn được, tự phân hủy nhanh chóng, duy trì chất lượng thực phẩm và nhận biết sự hư hỏng của thực phẩm. Trong đó, điểm nổi bật của ý tưởng với xu hướng kinh tế xanh này chính là sản phẩm làm hoàn toàn từ phụ phẩm sinh học 100% không chứa polyme hóa thạch (PE, PVC...). Sản phẩm là sự kết hợp giữa tinh chất kháng khuẩn từ dịch chiết lá bàng và khoai lang giúp tạo ra màng bọc an toàn có thể bảo vệ sản phẩm tránh hư hỏng một cách vượt trội.

Theo nhóm nghiên cứu, việc dùng các chất bảo quản hóa học để xịt hay nhúng trong bảo quản thực phẩm đang là phương pháp thường được sử dụng nhằm kéo dài thời gian bảo quản và duy trì chất lượng thực phẩm. Tuy nhiên, việc lạm dụng hay xử lý không triệt để chất bảo quản sẽ gây tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học là một trong những hướng đi rất mới nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, vỏ khoai lang tím là một phế phẩm trong quá trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ khoai lang, nó chứa hàm lượng anthocyanin cao, tuy nhiên chưa được nhiều người biết đến và tận dụng.

Sinh viên Trần Hoàng Nhã Uyên, trưởng nhóm dự án chia sẻ, ngoài những tiềm năng và lợi thế của dự án, hiện nay, màng bọc sẽ khó cạnh tranh giá thành với bao bì nhựa cũng như chưa có khả năng chứa đựng đa dạng các loại nguyên liệu, chỉ sử dụng tối ưu với nguyên liệu rắn. Hơn nữa, các kỹ thuật sản xuất khá phức tạp đòi hỏi cần phải có thiết bị công nghệ cao.

Trong thời gian đến, nhóm hướng đến việc nghiên cứu thành công màng bọc thực phẩm đạt yêu cầu về độ bền cơ học, tính chất cảm quan, khả năng phân hủy sinh học, đặc tính kháng khuẩn, tính năng theo dõi chất lượng thực phẩm theo thời gian. Đồng thời kiểm định chất lượng của màng và khả năng ứng dụng màng để bao gói, phủ lên thực phẩm nhằm gia tăng thời hạn bảo quản và có thể theo dõi sự hư hỏng của một số loại thực phẩm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Đạt, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Đà Nẵng, đầu tháng 10-2024, vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên lần thứ 4, năm 2024 do Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức. Tại đây, thông qua các dự án tham gia cuộc thi đã cho thấy những nguồn ý tưởng có chất lượng, tính mới, tính ứng dụng và khả thi để kiến tạo doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cuộc thi năm nay chú trọng hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, từ đây đã xuất hiện nhiều ý tưởng sáng tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở những lĩnh vực mới, là xu hướng hiện nay. Dự án của nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đoạt giải Nhất cuộc thi đã cho thấy hiệu quả từ việc tận dụng các hoạt tính sinh học từ phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm thực phẩm để tối ưu hóa chi phí sản xuất cũng như tạo ra được nhiều sản phẩm mới hữu ích thân thiện với môi trường.

Qua đây, “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” không chỉ là một “sân chơi”, mà còn là cơ hội dành cho những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, xã hội góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

HỮU ANH

.