Kinh tế

Làng nghề nước mắm Nam Ô vào vụ Tết

07:30, 28/11/2024 (GMT+7)

Cứ mỗi dịp gần Tết, người dân làng nước mắm Nam Ô lại tất bật chuẩn bị đủ sản lượng nước mắm phục vụ cho khách hàng trong và ngoài thành phố đến mua làm quà biếu và tiêu dùng. Từ đầu ngõ, nghe thoang thoảng hương vị mắm đặc trưng, quyện trong không gian thân thuộc giữa làng chài cổ.

Cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ không chỉ là địa chỉ quen thuộc của những người ưa chuộng nước mắm Nam Ô mà còn là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.  Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ không chỉ là địa chỉ quen thuộc của những người ưa chuộng nước mắm Nam Ô mà còn là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô là một trong số ít làng nghề còn tồn tại và phát triển ở Đà Nẵng hiện nay có tuổi đời hơn 700 năm, nằm trên địa bàn hai phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Theo Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, hiện nay làng nghề có khoảng 100 hộ dân làm nước mắm, hằng năm cung cấp 200 - 300 nghìn lít nước mắm cho thị trường trong nước. Đặc biệt, vào những ngày cận Tết, mỗi hộ dân tăng sản lượng nước mắm 20-40% so với ngày thường.

Với truyền thống 4 đời làm nghề nước mắm, ông Bùi Thanh Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho biết, để phục vụ Tết, năm nay thương hiệu mắm Hương Làng Cổ của gia đình ông dự kiến tăng sản lượng hơn 20% so với ngày thường, tương đương khoảng 8.000-10.000 lít nước mắm. Hiện nước mắm Hương Làng Cổ có hai loại chính là loại đặc biệt và loại nước mắm nhĩ. “Đối với nước mắm loại đặc biệt, cá cơm than phải được ủ trên 24 tháng, còn nước mắm nhĩ thì ủ trên 12 tháng theo quy trình sản xuất truyền thống và được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là khâu chọn cá và muối. Tất cả đều được ủ trong lu sành. Cá làm mắm là loại cá cơm than được ủ với muối Sa Huỳnh. Trước khi sử dụng chưng cất làm mắm, muối được ủ trước 6 tháng để bớt vị chát, sau đó lựa cá cơm than đúng kích thước, bảo đảm độ tươi ngon và ủ trên 12 tháng mới cho ra sản phẩm”, ông Phú giải thích.

Tuy không còn con cháu theo nghề như trước đây, bà Bùi Thị Hoa, chủ cơ sở nước mắm Bà Hoa (tổ 49 Nam Ô 2, phường Hòa Hiệp Nam) vẫn thuê người làm thêm để cung cấp đủ số lượng mắm phục vụ Tết. Bà Hoa cho biết, Tết năm nay bà làm nhiều hơn 300-400 lít so với ngày thường. Nước mắm được làm từ cá cơm than mua ở biển Sơn Trà và ủ muối Sa Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi. Để có đủ số lượng mắm nhĩ ngon bán Tết, bà bắt đầu ủ cá từ tháng Giêng cho đến tháng 11, 12 thì bắt đầu lọc mắm. Không chỉ có khách ở Đà Nẵng, bà còn gửi cho khách ở tận Hà Nội và Điện Biên.

“Dù kinh tế khó khăn nhưng giá cả vẫn không thay đổi, mỗi lít nước mắm nhĩ chỉ dao động trên dưới 70.000 đồng. Giờ con cháu không còn theo nghề, trong khi tôi tuổi già sức yếu nên phải thuê người làm công vì bưng chum quá nặng. Ở đây, ai cũng làm mắm theo quy trình như nhau nên sản phẩm làm ra chất lượng khá đồng đều. Chỉ khác là cách quảng bá và tìm nguồn khách”, bà Hoa cho biết thêm.

Ngoài thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ, nước mắm Bà Hoa, làng mắm Nam Ô có nhiều cơ sở nước mắm nổi tiếng như: Dì Sáu, Dì Nhứt, Bình Minh, Ô Long, Trần Ngọc Vinh, Bà Cử, Bà Siêng, Bà Lự, Bảy Tri, Hải Hiệp, Hai Liên, Bảy Ngưng, Hồng Hương...

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo phương pháp truyền thống, nước mắm Nam Ô đang từng bước chiếm lĩnh thị trường các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm nước mắm Nam Ô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, những người làm mắm ở Nam Ô càng có ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là động lực để người dân làng nghề tiếp tục phát huy danh tiếng, giá trị lịch sử của sản phẩm “Nước mắm Nam Ô” theo hướng vừa phát huy giá trị di sản, vừa bảo tồn nghề làm mắm truyền thống và phát triển du lịch theo hướng bền vững.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.