Kinh tế
Phát triển du lịch phía tây thành phố
Những năm gần đây, việc đầu tư và khai thác tiềm năng du lịch phía tây thành phố được đẩy mạnh nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy hết lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa của những vùng đất phía tây, thành phố, ngành du lịch và các đơn vị cần đầu tư sản phẩm du lịch chất lượng, cơ chế phù hợp phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng…
Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài thu hút số lượng lớn du khách trong năm 2024. Ảnh: NGỌC HÀ |
Hình thành nhiều điểm đến chất lượng
Theo thống kê, năm 2024, lượng khách đến Khu du lịch Bà Nà dự kiến tăng 14% so với năm 2023, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 13%. Để đạt được kết quả này, Sun World Ba Na Hills không chỉ liên tục đổi mới diện mạo, mà còn tích cực ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới để gia tăng trải nghiệm cho du khách. Khu du lịch đưa vào vận hành hàng loạt show diễn và sản phẩm du lịch mới như Fairy Blossom - khu vườn thần tiên; Cabaret Plus...
Các show diễn với sự tham gia của những nghệ sĩ ảo thuật, xiếc, múa, uốn dẻo thuộc top đầu thế giới diễn ra vào dịp cao điểm hè 2024 đã góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách đến Đà Nẵng trong mùa pháo hoa. Trong khi đó, Khu du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài thu hút hơn 800.000 lượng khách trong nước và quốc tế trong năm 2024; khai thác tối đa tiềm năng thị trường khách du lịch từ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore... hay thị trường khách du lịch Tây Âu đến vui chơi, nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, tận dụng lợi thế nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với cảnh quan thiên nhiên, huyện Hòa Vang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện hình thành một số mô hình dịch vụ, du lịch mới như dịch vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí. Nhiều mô hình đi vào hoạt động ổn định, tổng doanh thu từ khi các mô hình khai trương hoạt động đến tháng 8-2024 đạt hơn 10,83 tỷ đồng; trong đó, các điểm Banarita Glamping Farm, An Phú Farm, Vườn Nho thung lũng Nam Yên, Bến Nam Yên, Hestia farm... bắt đầu thu hút lượng khách tham quan, trải nghiệm.
Đối với phía tây bắc thành phố, UBND quận Liên Chiểu tích cực kêu gọi, phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của không gian biển. Trên địa bàn quận dần hình thành nhiều điểm đến thu hút du khách, trong đó, Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tiêu chuẩn 5 sao Mikazuki Hotel & Spa Resort trở thành một điểm đến yêu thích để nghỉ dưỡng, vui chơi, tổ chức sự kiện, hội nghị... Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Nam Ô, đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô… đã và đang hoàn thiện sẽ tạo động lực cho phát triển du lịch của quận nói riêng và phía tây thành phố nói chung.
Sun World Ba Na Hills là điểm đến nổi bật của phía tây thành phố. Ảnh: NGỌC HÀ |
Tiếp tục khai thác tiềm năng
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường, là một trong những địa phương giàu tài nguyên du lịch với hệ thống sông, suối, núi, biển và cảnh quan thiên nhiên gắn liền các giá trị di tích văn hóa, lịch sử, quận Liên Chiểu có nhiều điều kiện để phát triển du lịch ở phía tây bắc thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, quận chưa có nhiều sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch đặc sắc; các sản phẩm khác thuộc đề án Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô, tuyến du lịch đường thủy nội địa sông Cu Đê chưa hình thành để kết hợp khai thác tour, tuyến du lịch liên kết vùng.
Năm 2024, UBND thành phố phê duyệt đồ án Quy hoạch Phân khu Sinh thái phía tây - khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2963/QĐ-UBND ngày 29-12-2023 xác định phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn quận Liên Chiểu trong giai đoạn 2024-2030. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trên địa bàn thời gian tới.
Đối với di tích Hải Vân Quan, sau khi thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất phương án quản lý, UBND quận sẽ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cùng quản lý, khai thác Hải Vân Quan. UBND quận mong nuốn lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm, kêu gọi đầu tư vào Liên Chiểu; khai thác tiềm năng, lợi thế của không gian biển của địa phương để tiếp tục hình thành các khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, đưa Liên Chiểu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, chất lượng cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cũng chia sẻ, việc phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thí điểm liên quan đến lưu trú qua đêm, sử dụng đất... UBND huyện Hòa Vang kiến nghị thành phố điều chỉnh cho phép tổ chức hoạt động lưu trú tại các mô hình du lịch nông nghiệp đang triển khai để các điểm du lịch cung cấp đa dịch vụ theo nhu cầu của khách và giúp nhà đầu tư có nguồn thu tốt hơn. Ngoài ra, xem xét điều chỉnh cho phép nhà đầu tư thay đổi hiện trạng đất với quy mô nhỏ, cục bộ để hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch.
NGỌC HÀ