Kinh tế
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị bền vững
Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp tại Đà Nẵng đang dần bị thu hẹp. Trước bối cảnh đó, xu hướng nông nghiệp đô thị đang trở thành một hướng đi bền vững, không chỉ cung cấp thực phẩm sạch mà còn góp phần tạo nên những không gian xanh giữa lòng thành phố.
![]() |
Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, mô hình trồng rau trên sân thượng của ông Phạm Thanh Long (bên trái) còn trở thành điểm tham quan thú vị. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Trên sân thượng rộng 90m² của gia đình ông Phạm Thanh Long (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) được tận dụng làm một khu vườn xanh mướt với đủ loại cây trồng như: rau cải, mồng tơi, rau muống, bầu, bí đao… Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, mô hình trồng rau trên sân thượng của ông còn trở thành điểm tham quan thú vị của hàng xóm láng giềng.
Theo ông Long, do vị trí trồng rau trên sân thượng nên việc vận chuyển đất, nguyên vật liệu lên cao rất khó khăn. Kết cấu sân thượng cũng phải được gia cố chống thấm cẩn thận để bảo đảm an toàn. Điểm đặc biệt trong mô hình của ông là việc sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ vi sinh và phân bón được xử lý từ rác thải hữu cơ, phế phẩm trồng rau của gia đình. “Các sản phẩm rau của tôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dùng. Từ năm 2024 đến nay, tôi đã thu hoạch được nhiều lứa rau, quả chất lượng. Hàng xóm thường xuyên ghé thăm vườn rau của tôi, ai cũng khen ngợi và học hỏi kinh nghiệm”, ông Long vui vẻ nói.
Trong khi đó, từ một nông dân trồng lúa truyền thống, ông Lê Văn Giới (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã trở thành một trong những người tiên phong trong phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại địa phương. Năm 2000, khi đất bị giải tỏa, ông bắt đầu chuyển sang trồng nấm trên diện tích 300m², vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Từ năm 2020, với diện tích 1.000m² được thuê từ địa phương, ông Giới không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần cung cấp thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng. Nấm bào ngư của ông Giới phù hợp với cả người ăn mặn lẫn ăn chay; giá dao động từ 50.000-70.000 đồng/kg. Ngoài nấm bào ngư, ông còn sản xuất bịch phôi nấm bán cho bà con nông dân có nhu cầu sản xuất nấm, trung bình mỗi bịch phôi có giá khoảng 6.000 đồng. Hằng năm, mô hình sản xuất nấm bào ngư và bán bịch phôi nấm đã giúp ông Giới lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
“Tôi chủ yếu làm nấm dạng cổ nút, vì loại này được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Nguyên liệu chính để làm là bột cưa cao su, cám gạo, cám bắp và men nấm. Thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường, chất lượng nguồn giống và nguyên liệu không ổn định là những khó khăn trong việc phát triển cây nấm. Do đó, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, làm đúng các yêu cầu kỹ thuật thì mới thành công”, ông Giới chia sẻ.
Thời gian qua, thực trạng ngành nông nghiệp thành phố đã và đang phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo tiền đề để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững. Trong sản xuất rau an toàn, thành phố có 35,24ha diện tích đã đưa vào sản xuất, sản lượng đạt 12.000-13.000 tấn/năm. Về sản xuất hoa, có đa dạng các chủng loại hoa được sản xuất trong nhà màng như hoa treo, hoa lan, cây kiểng lá các loại; các loại sản xuất ngoài nhà màng như: cúc, vạn thọ, thược dược, hướng dương…
Trong sản xuất nấm, sản lượng nấm tươi cung cấp khoảng 200 tấn/năm, với các loại nấm bào ngư, nấm rơm, linh chi và đông trùng hạ thảo; các loại nấm này phù hợp với nông nghiệp đô thị, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân. Hoạt động nông nghiệp của thành phố cũng phát triển mở rộng với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, gắn với du lịch hoạt động hiệu quả.
Theo Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và Kỹ thuật nông nghiệp Đà Nẵng (Sở Nông nghiệp và Môi trường), dù mang lại nhiều lợi ích, song việc phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng vẫn gặp không ít khó khăn. Theo đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc đầu tư các mô hình quy mô lớn. Ngoài ra, chi phí đầu tư vào công nghệ cao như nhà màng, thủy canh, khí canh… còn khá lớn, khiến nhiều hộ dân e ngại. Nhiều hộ gia đình chưa được tiếp cận với các kỹ thuật canh tác hiện đại, dẫn đến năng suất chưa cao.
Bà Ngô Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm và Kỹ thuật nông nghiệp thành phố cho hay, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến phát triển nông nghiệp đô thị. Trong đó, định hướng phát triển khu vực nội đô tập trung các mô hình quy mô nhỏ để khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả diện tích đất nhằm tạo ra các mặt hàng rau, củ, quả an toàn gắn liền với bảo vệ môi trường, tạo mảng xanh đô thị cũng như gắn với du lịch và giáo dục ở khu vực trung tâm thành phố.
Nhiều mô hình sản xuất trong lĩnh vực rau, hoa, nấm; mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, gắn với du lịch cũng như mô hình nông nghiệp công nghệ cao… đã hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển nông nghiệp đô thị đang trở thành một xu hướng quan trọng và tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống. Các sản phẩm tạo ra từ nông nghiệp đô thị có chất lượng và nguồn gốc bảo đảm sẽ luôn được người tiêu dùng lựa chọn.
“Thời gian đến, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ, các chủ đầu tư chọn đối tượng, chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm các tác hại gây ra cho môi trường; qua đó mang đến sản phẩm chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân”, bà Vân thông tin.
TRẦN TRÚC