.

Kinh tế

Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn

07:29, 08/03/2025 (GMT+7)

Căn cứ Quyết định số 1287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND thành phố vừa có quyết định phê duyệt hợp phần tích hợp đề xuất liên kết phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ, miền Trung - Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông Tây 2. Qua đó, thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á…

Cảng Tiên Sa đang hoạt động đa chức năng, vừa cảng hàng hóa vừa là cảng tàu du lịch. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Cảng Tiên Sa đang hoạt động đa chức năng, vừa cảng hàng hóa vừa là cảng tàu du lịch. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Về mục tiêu, quan điểm phát triển

Với mục tiêu trên, thành phố được xác định vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; một trong những trung tâm khoa học - công nghệ phát triển của cả nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Đà Nẵng đã đặt ra một số định hướng liên kết phát triển trong tương lai.

Về quan điểm phát triển sẽ đổi mới tư duy về liên kết phát triển vùng, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành... Thúc đẩy liên kết phát triển vùng để mở ra không gian phát triển mới, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển.

Đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển kinh tế và tăng trưởng với các tỉnh của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và miền Trung - Tây Nguyên, hành lang kinh tế Đông - Tây 2 phù hợp với quan điểm quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, nhất là về tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố. Đẩy mạnh liên kết nội vùng, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây 2, từng bước xây dựng và củng cố vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng, phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung, có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực.

Ngoài ra, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế phải dựa trên quy luật thị trường với nhiều bên tham gia gồm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chia sẻ, lĩnh vực liên kết đi từ đơn giản đến phức tạp. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân phải là hạt nhân thúc đẩy liên kết vùng và ngoại vùng. Nhà nước đóng vai trò là người thúc đẩy, hỗ trợ liên kết đồng thời với một số trường hợp cụ thể là một bên trong thực hiện trách nhiệm cam kết.

Thi công xây dựng cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN
Thi công xây dựng cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN

Về tổ chức liên kết, hợp tác

Định hướng về liên kết không gian, đối với vùng động lực: hình thành, phát triển vùng động lực miền Trung, bao gồm khu vực ven biển thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; trong đó thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng.

Về hành lang kinh tế, từng bước hình thành và phát triển hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng gắn với hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, kết nối các địa phương phía nam Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào với cảng biển của miền Trung Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước, phát triển các địa phương Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Hoàn thiện hạ tầng đồng bộ phát triển hành lang Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Cửa khẩu Nam Giang - Đắk Ta Ốc - Lào - Thái Lan thông qua quốc lộ 14B, 14E, 14D, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hành lang kinh tế Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng; kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với khu vực Trung Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Trung Trung Bộ.

Về cụm liên kết ngành: cụm du lịch ven biển và du lịch đảo kết hợp du lịch di sản, di tích văn hóa, lịch sử. Liên kết, phát triển vùng du lịch ven biển nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á - Thái Bình Dương. Cụm cảng biển container trung chuyển trong nước, quốc tế và cảng biển du lịch; vận tải biển quốc tế, trong nước và các dịch vụ gắn với cảng biển với trung tâm là khu cảng biển Liên Chiểu - Tiên Sa - Chân Mây.

Trong đó, hình thành các khu đô thị cảng biển quốc tế, khu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kỹ thuật ngành kinh tế biển, nghiên cứu thiết lập khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu trung tâm tài chính quốc tế ở khu vực thành phố Đà Nẵng - thành phố Huế - Khu kinh tế Chân Mây...

Từ đó, phát triển trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển, khoa học công nghệ, đào tạo, thương mại, tài chính quốc tế. Quyết định cũng nêu rõ về cụm công nghiệp đóng, sửa tàu biển chuyên dụng, công nghiệp cơ khí chính xác, chế tạo máy, thiết bị tự động hóa với trung tâm ở thành phố Đà Nẵng; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp hóa dược, hóa phẩm, sản xuất thuốc tập trung ở Đà Nẵng - Huế; công nghiệp thép, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô-tô, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí, công nghiệp hóa dầu, hóa chất ở nam Quảng Nam - bắc Quảng Ngãi…

Đặc biệt, với Vùng đô thị lớn: xây dựng hệ thống đô thị gồm thành phố Đà Nẵng và các đô thị lân cận trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học, công nghệ của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế. Phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành cực tăng trưởng, động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, khu vực bắc Tây Nguyên.

Ngoài ra, quyết định cũng nêu rõ các định hướng liên kết, hợp tác phát triển các lĩnh vực kinh tế như du lịch, thương mại; vận tải, logistics; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp; nông nghiệp; khoa học công nghệ; nhất là liên kết, hợp tác trong xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; đường sắt; đường hàng không; cảng biển; đường thủy nội địa; kết cầu hạ tầng viễn thông…

PHƯƠNG UYÊN

.