.

Kinh tế

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tín dụng khu vực 9

17:17, 12/03/2025 (GMT+7)

ĐNO - Đây là yêu cầu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức sáng 12-3 tại thành phố Đà Nẵng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MAI QUẾ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MAI QUẾ

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 đạt trên 8%, phản ánh quyết tâm đẩy mạnh hoạt động kinh tế trong năm 2025.

Riêng đối với công tác tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% (tức là tăng 2,5 triệu tỷ đồng) để các tổ chức tín dụng chủ động, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng.

Tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; quán triệt tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Khu vực 9 (gồm các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới.

Thành phố Đà Nẵng cũng đang trong quá trình thành lập Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính quốc tế. Vì vậy, khu vực này có rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian tới.

Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% mà Chính phủ đặt ra, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là sự quan tâm của các địa phương là vô cùng quan trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI QUẾ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MAI QUẾ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, các tỉnh, thành phố thuộc Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với cả khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng trong thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, tham gia nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội của khu vực.

Tình hình kinh tế của 5 tỉnh, thành phố trong khu vực năm 2024 có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tống sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7-8%, GRDP bình quân đầu người khoảng 93 triệu đồng/năm. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân trong khu vực và sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng.

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để góp phần thực hiện mục tiêu theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi trong dân bằng chính sách lãi suất hợp lý, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành để bảo bảo đáp ứng đủ và kịp thời vốn cho nhu cầu đầu tư.

Đối với thành phố Đà Nẵng, tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, thành phố đang khẩn trương, tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính.

Đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù nổi trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính - ngân hàng đến đầu tư tại trung tâm tài chính.

Thành phố mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 tiếp tục đồng hành, quan tâm, hỗ trợ thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt là tạo điều kiện xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý và vận hành, giám sát trung tâm tài chính theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị ngành ngân hàng trên địa bàn khu vực 9 tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trên địa bàn khu vực 9 trong tiếp cận tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

MAI QUẾ

 

.