15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)

15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX)

Nhiều chính sách sáng tạo, nhân văn phát triển Đà Nẵng - Bài 3: Đại học Đà Nẵng – nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao

14:28, 24/08/2018 (GMT+7)

Triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục – đào tạo, đặc biệt là bậc đại học.

Những năm qua, Đại học Đà Nẵng đã trở thành “cái nôi” đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố và khu vực.

Đại học Đà Nẵng kiên trì phát triển theo định hướng nghiên cứu. Trong ảnh: Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Sư phạm.
Đại học Đà Nẵng kiên trì phát triển theo định hướng nghiên cứu. Trong ảnh: Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Sư phạm.

Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) có hơn 1.400 cán bộ giảng dạy. Giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên chiếm hơn 27%; trong đó có những nhà khoa học trẻ được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng tại các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…

Mỗi năm, ĐHĐN có thêm khoảng 50 tiến sĩ mới; hơn 400 bài báo quốc tế, hơn 100 đề tài nghiên cứu khoa học được giảng viên thực hiện. Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) được đẩy mạnh tại các trường thành viên, góp phần đưa ĐHĐN phát triển theo định hướng nghiên cứu.

Đơn cử, tại Trường Đại học Sư phạm, nhiều năm nay, hoạt động NCKH được nhà trường rất quan tâm. Chỉ riêng năm học vừa qua, nhà trường đã thực hiện 21 đề tài cấp bộ và 20 đề tài cấp cơ sở (do ĐHĐN quản lý), cùng hàng chục đề tài khác theo đơn đặt hàng.

Nhà trường cũng đã tổ chức nghiệm thu 9 đề tài cấp trường, 5 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp thành phố. Mới đây, khoa Sinh - Môi trường của nhà trường còn thành lập phòng nghiên cứu và ứng dụng vi tảo để nghiên cứu công nghệ sinh học vi tảo.

TS Trịnh Đăng Mậu, một trong hai người tham gia nghiên cứu đề tài này cho biết, Đà Nẵng có điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển nuôi trồng vi tảo. “Mặc dù hướng nghiên cứu ứng dụng vi tảo mới triển khai ở ĐHĐN, nhưng với định hướng nghiên cứu, phát triển rõ ràng, cùng sự hỗ trợ của các phòng nghiên cứu vi tảo khác trong nước, bước đầu chúng tôi đã đạt những thành quả nhất định”, TS Mậu khẳng định.

Trường Đại học Bách khoa còn thành lập Viện Khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ để triển khai nhiệm vụ NCKH, chuyển giao công nghệ, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm nghiên cứu của nhà trường.

PGS, TS. Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của nhà trường cho biết, 4 năm qua, cán bộ, giáo viên của trường đã công bố và đồng đăng ký 4 phát minh sáng chế trong và ngoài nước. Số lượng các công bố khoa học trong nước và quốc tế đều tăng qua từng năm, đặc biệt là số công bố khoa học quốc tế có uy tín.

Theo thông tin từ ĐHĐN, chỉ tính riêng năm 2017, đơn vị có tổng số 394 đề tài khoa học các cấp; trong đó 9 đề tài cấp quốc gia, 99 cấp bộ và tương đương, 109 đề tài cấp cơ sở do ĐHĐN quản lý, 145 đề tài cấp cơ sở do các trường thành viên quản lý và 14 đề tài do các tỉnh/thành phố cấp kinh phí.

PGS, TS Nguyễn Lê Hùng, Phó ban Khoa học công nghệ và môi trường (ĐHĐN) cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong vùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chúng tôi đẩy mạnh hợp tác với các sở, ban, ngành và các tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu gắn với thực tiễn địa phương và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực”.

Hiện nay, quy mô đào tạo của ĐHĐN là hơn 55.000 nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên, tăng gấp 4 lần so với ngày đầu thành lập. Kết quả khảo sát cho thấy, trên 75% sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp; trong đó có nhiều ngành đạt tỷ lệ khá cao, trên 90%.

Mục tiêu đến năm 2020, ĐHĐN phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, là trung tâm đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng hàng đầu của Việt Nam...

ĐHĐN đang tổ chức đào tạo 21 chuyên ngành nghiên cứu sinh, 35 chuyên ngành thạc sĩ, 121 chuyên ngành đại học, 35 chuyên ngành cao đẳng và 13 ngành trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm, ĐHĐN đào tạo gần 12.000 sinh viên đại học, cao đẳng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

Năm 2016, ĐHĐN chính thức trở thành đại học vùng đầu tiên của cả nước; đồng thời cả 4 trường đại học thành viên là Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Ngoại ngữ hoàn thành đánh giá ngoài và nhận được chứng nhận đạt chất lượng kiểm định giáo dục.

Bên cạnh đó, ĐHĐN còn có 3 chương trình đào tạo tiên tiến được kiểm định theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á. ĐHĐN cũng đã phát triển vượt bậc trong tự chủ đại học với việc thực hiện tự chủ đại học ở Trường Đại học Kinh tế.

Nhờ đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, chương trình giảng dạy luôn được cập nhật, đổi mới theo chuẩn quốc tế, ĐHĐN đã thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi như AUN (Asean University Network), CTI (Commission des Titres d’Ingénieur)...

Các chương trình đào tạo tinh hoa, chất lượng cao, tiên tiến và liên kết quốc tế đạt chất lượng cao được nhiều đại học có uy tín trên thế giới thừa nhận. Cho đến nay, tất cả các trường thành viên của ĐHĐN đã được kiểm định chất lượng.

Trường Đại học Bách khoa ngoài việc đạt chuẩn kiểm định trong nước còn đạt chuẩn kiểm định của HCERES theo tiêu chuẩn châu Âu, có 3 chương trình được kiểm định bởi CTI, 6 chương trình đào tạo được kiểm định bởi AUN.

Để xứng tầm là đại học trọng điểm quốc gia, mang tầm quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho cả nước nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, hướng đến đẳng cấp top 50 trường đại học nghiên cứu của khu vực Đông Nam Á vào năm 2035, còn nhiều việc phải làm đối với ĐHĐN.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN cho biết, thời gian đến, đơn vị sẽ tập trung những nhiệm vụ như: kiên trì phát triển theo định hướng nghiên cứu, triển khai công tác kiểm định chất lượng, thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời triển khai mô hình quản trị đại học tiên tiến theo hướng tự chủ đại học.

“Định hướng cốt lõi xây dựng chương trình đào tạo trong những năm tới là theo hướng tiếp cận nhu cầu thị trường lao động, đào tạo nhân lực nhắm mục tiêu rõ ràng, ngành rộng, giúp sinh viên thích nghi với môi trường lao động đang thay đổi nhanh chóng”, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ khẳng định.

Trao đổi về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, cùng với chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp cũng đầu tư đổi mới công nghệ và quản lý để có thể cạnh tranh trên thị trường thời kỳ hội nhập, nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao với kỹ năng mềm tốt vì thế sẽ gia tăng trong những năm đến.

Mặt khác, nguồn nhân lực trình độ cao không những chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ sự dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN và các khu vực đối tác khác.

“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong những năm sắp tới; trong đó, cần tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực có yêu cầu trí tuệ cao, kết nối sản xuất toàn cầu thông qua internet, IoT.

Thời gian qua, ĐHĐN với kinh nghiệm sẵn có, đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu mạnh sẽ góp phần cùng thành phố thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong những năm tới”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.