"Gia tài" sau 7 năm làm thiện nguyện

.

ĐNO - Gắn bó với công tác thiện nguyện hơn 7 năm nay, chị Huỳnh Thị Thu Huyền (SN 1980, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) không nhớ hết đã đi bao nhiêu chuyến thiện nguyện, giúp đỡ bao nhiêu người, mang bao nhiêu suất ăn miễn phí đến mọi người. Chị chỉ nhớ, "gia tài" còn lại của chị sau những chuyến đi là nụ cười, ánh mắt vui mừng, hạnh phúc của những người chị đã gặp.

Mỗi tháng 3-4 lần, chị Huyền (phải) tổ chức nấu và phát hàng nghìn suất ăn miễn phí.
Mỗi tháng 3-4 lần, chị Huyền (phải) tổ chức nấu và phát hàng nghìn suất ăn miễn phí.

Năm 2012, chị Huyền bén duyên với thiện nguyện trong một lần đứng ra kêu gọi xe, kinh phí giúp một đoàn khám chữa bệnh miễn phí. Sau lần ấy, chị nhận thấy xung quanh mình có nhiều hoàn cảnh khốn khó cần được giúp đỡ. Sau nhiều đêm trằn trọc, chị nghĩ bản thân mình cần làm gì đó để giúp đỡ mọi người.

“Trước đây, tôi cứ nghĩ sau này mình giàu có, tiền bạc dư dả sẽ đi làm từ thiện. Nhưng rồi lại nghĩ, mình làm giáo viên, thu nhập mỗi tháng vừa đủ chi tiêu thì biết khi nào mới giàu. Nhưng bây giờ tôi đã nghĩ khác. Mình có bao nhiêu thì giúp mọi người bấy nhiêu. Mình không thể giúp những thứ to lớn, nhưng có thể giúp những điều thiết thực, chẳng hạn như những bữa ăn”, chị Huyền bộc bạch.

Chị Huyền (hàng sau, thứ 2, trái sang) và các thành viên trong CLB Ước mơ xanh trong một chuyến thiện nguyện đến vùng cao Tây Bắc.
Chị Huyền (thứ 2, trái sang) và các thành viên trong CLB Ước mơ xanh trong một chuyến thiện nguyện đến vùng cao Tây Bắc.

Nghĩ là làm, chị Huyền đứng ra kêu gọi bạn bè, người dăm ba chục, gom góp lại rồi nấu những bữa ăn, phát miễn phí tại các bệnh viện. Dần dà, được mọi người biết và ủng hộ, chị Huyền thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ước mơ xanh, tập hợp những người cùng chí hướng thiện nguyện.

Từ ngày thành lập CLB Ước mơ xanh, chị Huyền nhận được sự tin tưởng, đồng hành của nhiều mạnh thường quân. Có những người ở nước ngoài gửi tiền về nhờ chị Huyền làm cầu nối. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị Huyền ủng hộ, quyên góp, nhờ chị Huyền chuyển đến những hoàn cảnh khó khăn. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, chị Huyền trở thành chiếc cầu nối giữa mạnh thường quân khắp nơi với những hoàn cảnh khó khăn.

Chị Huyền (trái) nhận hỗ trợ sách vở, quần áo cũ để chuyển đến nơi cần dùng.
Chị Huyền (trái) nhận hỗ trợ sách vở, quần áo cũ để chuyển đến nơi cần dùng.

“Bản thân tôi không có của thì sẽ có công. Mọi hỗ trợ từ mọi người, tôi luôn ghi chép, công khai rõ ràng. Khi nhận được kinh phí hỗ trợ từ mọi người, tôi luôn tự nhủ phải giúp đúng người, đúng hoàn cảnh, dù có đi xa một chút. Có như vậy, mọi người mới tin tưởng và giúp đỡ nhiều hơn”, chị Huyền nói.

Hiện nay, mỗi tháng chị Huyền cùng các thành viên trong CLB Ước mơ xanh đều nấu 3-4 nồi cháo tình thương, phát tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, các trung tâm bảo trợ xã hội, các trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Tháng nào được mọi người ủng hộ nhiều, chị Huyền tăng cường nấu các suất ăn. Khi thì cháo, khi thì bánh canh, bánh cuốn, phở, bún… Trong mỗi suất ăn, chị Huyền luôn bảo đảm ngon lành, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Mỗi năm vài lần, từ kinh phí của bản thân và sự hỗ trợ của mạnh thường quân, chị Huyền tổ chức các chuyến thăm, trao quà cho các vùng khó khăn của các tỉnh Quảng Nam, Kom Tum, Quảng Trị, các tỉnh miền núi phía bắc; trao hỗ trợ sinh kế cho người nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Sau mỗi chuyến đi, món quà chị Huyền nhận lại là nụ cười, ánh mắt; là niềm vui, hạnh phúc của những con người khốn khó. Bấy nhiêu thôi đã đủ khiến chị mãn nguyện và là động lực để chị thực hiện những chuyến thiện nguyện tiếp theo.

Đầu năm 2019, từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Huyền mượn mảnh đất trống, xây dựng quán cà phê bán gây quỹ thiện nguyện. Cứ mỗi ly nước, chị Huyền trích 1.000 đồng vào quỹ thiện nguyện của CLB. Có những tháng ít khách, chị Huyền vẫn bỏ tiền túi góp vào quỹ chung.

“Mọi người khi đến với quán có thể góp một phần kinh phí để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Không cần những điều quá to tát, chỉ cần uống một ly nước là đã có thể chung tay giúp đỡ cộng đồng rồi”, chị Huyền chia sẻ.

Quán cà phê Ước mơ xanh, nơi mà mỗi người khách khi đến quán có thể đóng góp một phần kinh phí để giúp đỡ cộng đồng.
Quán cà phê Ước mơ xanh, nơi mà mỗi người khách khi đến quán có thể đóng góp một phần kinh phí để giúp đỡ cộng đồng.

Hằng ngày, ngoài những giờ dạy ở trường, chị Huyền dành nhiều thời gian đi khắp nơi nhận hỗ trợ thiện nguyện, tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn, những vùng quê còn nhiều thiếu thốn để tìm đến. Có những ngày CLB nấu và phát suất ăn miễn phí ở bệnh viện, chị Huyền tranh thủ sau giờ dạy là chạy ngay đến bệnh viện để kịp gửi những suất ăn đến với mọi người.

Nhiều người nói với chị, thời gian rảnh sao không lo cho cuộc sống cá nhân, sao cứ vất vả chạy ngược chạy xuôi. Lại có những người, thấy chị đi khắp nơi làm thiện nguyện thì xì xào. Chị bỏ ngoài tai những lời bàn tán của người khác, ngày ngày cần mẫn như con ong chăm chỉ, vừa lo công việc, vừa tìm hiểu những hoàn cảnh khốn khó để giúp đỡ.

“Ai nói gì mặc kệ, tôi không để tâm. Giờ tôi chỉ mong sao mình luôn mạnh khỏe để có thể đi nhiều nơi, giúp đỡ nhiều người hơn. Nói ra sợ mọi người cười, chứ tôi chỉ mong sao nhanh đến cuối tuần để đi làm thiện nguyện”, chị Huyền cười nói.

Ấy vậy mà khi có ai đó nhắc đến công sức, tấm lòng của chị, chị lại xua tay: “Tôi có giúp đỡ được nhiều người cũng là nhờ mọi người chung tay giúp sức. Nếu không có mọi người hỗ trợ, đóng góp thì không có tôi, không có những hoạt động thiện nguyện như thế này”.

Câu chuyện vừa dứt thì có người đến gửi chị bộ sách giáo khoa và túi quần áo cũ. Chị tất tả chạy đến đỡ lấy và cảm ơn rối rít. “Những thứ này với chúng ta tuy là đồ cũ nhưng với học sinh và người dân miền núi thì quý lắm. Tôi luôn trân trọng và đón nhận hết tất cả những thứ mà mọi người hỗ trợ và gửi đến nơi cần dùng”, chị Huyền nói.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.