Khơi nguồn đọc sách

.

ĐNO - Với khẩu hiệu “Khơi nguồn đọc sách - Kết nối yêu thương - Lan tỏa tri thức” cùng sứ mệnh xây dựng các trạm đọc sách miễn phí trên khắp cả nước, dự án Điểm đọc Việt Nam đã có mặt ở 30 tỉnh thành, với số lượng thành viên, cộng tác viên tham gia lên tới hơn 1.000 người. Và Đà Nẵng là một trong số đó với 2 trạm đọc sách miễn phí đang hoạt động.

Thành viên của dự án Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng đang sắp xếp lại sách tại trạm đọc ở quán Lữ.
Thành viên của dự án Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng đang sắp xếp lại sách tại trạm đọc ở quán Lữ.

Sinh ra và lớn tại một vùng quê, ít có cơ hội và điều kiện tiếp xúc với sách nên ngay từ những ngày còn nhỏ, Cao Thị Sao Mai, sinh viên năm 4, Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, Hà Nội ước mơ lớn lên sẽ làm việc liên quan đến sách. Và việc cho ra đời dự án Điểm đọc Việt Nam vào ngày 5-7-2018 là một trong những cách để Mai hiện thực hóa ước mơ thuở bé ấy.

Bất kỳ một dự án nào cũng có khó khăn của nó, điểm đọc cũng không ngoại lệ. Mai chia sẻ: “Để tìm những người đồng hành thật sự tâm huyết và có khả năng là vô cùng khó. Vì dự án này gần như mọi người làm hoàn toàn miễn phí nên nếu những người tham gia không hiểu rõ về Điểm đọc Việt Nam thì sẽ rất dễ chán và bỏ cuộc. Đến giờ, mình vẫn cảm thấy may mắn vì luôn có những đồng đội tuyệt vời bên cạnh, gắn bó hơn 1 năm nay”.

Là một trong số những tỉnh/thành xây dựng được điểm đọc ngay từ những ngày đầu khi dự án vừa triển khai, tiếp nối thành công sau trạm đọc đầu tiên được khai trương vào ngày 9-9-2018, đến nay, Ban điều hành Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng cùng các thành viên, cộng tác viên đã xây dựng được 2 trạm đọc, một trạm tại quán cà-phê và trà Lữ (21/27 Ông Ích khiêm, quận Hải Châu), một trạm tại quán cà-phê 22 phẩy 5 (K33/H2/20 Nam Cao, quận Liên Chiểu).

Ngoài ra, Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng còn tặng 1 kệ sách cùng sách cho thôn A Sò, xã Chơ Chun, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vào tháng 4 vừa qua và 1 kệ sách cùng sách cho điểm trường thôn 47 – 48, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang vào dịp Trung thu trong chương trình Điểm đọc Vùng cao (một trong những chương trình trong chuỗi mô hình của Điểm đọc Việt Nam). Hiện Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng đang có 15 thành viên, cộng tác viên tham gia hoạt động, đa phần là học sinh, sinh viên.

Chị Lê Thị Kiều Trang (SN 1990, đang làm việc trong lĩnh việc nhà hàng - khách sạn), Trưởng Ban điều hành Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng cho biết: “Tại Đà Nẵng, các thành viên được kêu gọi và tập hợp từ cuối tháng 6-2018. Sau đó, ngày 9-9 thì khai trương điểm đọc đầu tiên tại không gian tầng 3 của một căn nhà trên đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê.

Do dự án không có nguồn ngân sách nên tất cả đều nhờ vào sự đóng góp và chia sẻ. Chị chủ nhà cho mặt bằng để đặt kệ sách, nguồn sách thì được các thành viên, cộng tác viên vận động, kêu gọi mọi người đóng góp thông qua fanpage của Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng, người thân, bạn bè. Mọi người có thể đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà hoặc có thể mượn online. Chúng tôi cho mượn sách miễn phí và hoàn toàn bằng niềm tin chứ không có một giấy xác nhận nào cả”.

Một vài bạn trẻ đọc sách tại trạm đọc sách miễn phí của Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng ở quán Lữ.
Một vài bạn trẻ đọc sách tại trạm đọc sách miễn phí của Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng ở quán Lữ.

Là một trong những người luôn đồng hành cùng dự án, mỗi khi đọc xong cuốn sách nào là anh Trần Minh Toàn (SN 1992, ngụ quận Hải Châu) lại gom lại, đem đến quyên góp cho Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng.

Anh Toàn cho hay: “Tôi biết đến điểm đọc từ tháng 12-2018 thông qua facebook. Đến nay, tôi đã tặng cho điểm đọc tầm 40 đầu sách, phần lớn là sách về văn học, kinh tế, kỹ năng mềm. Tôi nhận thấy, đây là một dự án rất nhân văn vì nó khuyến khích các bạn trẻ hình thành, phát huy văn hóa đọc, chia sẻ những đầu sách hữu ích”.

Không chỉ tặng sách, thỉnh thoảng, anh Toàn còn chủ động hỗ trợ kinh phí để Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng có thể tổ chức những hoạt động phụ trợ khác. Đến nay, Điểm đọc Việt Nam - Đà Nẵng đã nhận được hàng ngàn đầu sách từ nhiều cá nhân, tổ chức; đa phần là tiểu thuyết, truyện ngắn, sách kỹ năng...

Hoạt động được một khoảng thời gian thì chị chủ nhà chuyển chỗ ở, không thể tiếp tục đặt kệ sách, chị Trang cùng các thành viên phải tìm mặt bằng khác. Lần này, nhóm hướng đến những không gian có tính chất mở hơn, mọi người có thể thoải mái ra vào để đọc, mượn sách.

Là “khách ruột” của trạm đọc Việt Nam - Đà Nẵng tại quán Lữ, Nguyễn Cao Thu Uyên (sinh năm 1998, sinh viên năm 4, Trường Đại học Duy Tân) chia sẻ: “Mình vốn là một người thích đọc sách, quan tâm đến văn hóa đọc nên khi biết đến dự án này mình thật sự rất phấn khởi. Mình thường ghé đến đọc sách ở trạm đọc tại quán Lữ từ 3 đến 4 lần/tuần”.

Nói về những kế hoạch trong thời gian đến, Cao Thị Sao Mai cho hay: “Mục tiêu của Điểm đọc Việt Nam là luôn hướng đến văn hóa đọc. Trong thời gian tới, Điểm đọc Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng các thư viện miễn phí, nhân rộng ra 63 tỉnh/thành; bên cạnh đó sẽ thành lập cộng đồng tự học để tiếp cận gần hơn với những người chưa đọc sách.

Cộng đồng tự học sẽ hướng đến việc học ngoại ngữ, tin học cũng như kỹ năng mềm, bao gồm cả online và offline; đồng thời, tổ chức các lớp học, khóa học, các buổi sinh hoạt chuyên đề về sách tại các trường học. Bật mí cho mọi người là sắp tới, Điểm đọc Việt Nam sẽ xuất bản ấn phẩm, đó là một quyển cẩm nang dành cho các "mọt sách", rất thú vị!”.

Bài và ảnh: MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.