Tấm lòng của đôi vợ chồng già dành cho học sinh nghèo

.

Gần 1 năm nay, Nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư (KDC) Chơn Tâm 1B4 (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) không chỉ là nơi hội họp của người dân trong KDC mà còn là nơi diễn ra một lớp học đặc biệt.

Đó là lớp học thiện nguyện do ông Nguyễn Hữu Ngọc (SN 1961), Phó Bí thư Chi bộ Chơn Tâm 1B4 và vợ ông - bà Phạm Thị Hoài Mỹ (SN 1961) cùng bà Lê Thị Thanh Hương, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học KDC Chơn Tâm 1B4 đứng lớp, dạy miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Phạm Thị Hoài Mỹ (đứng) chỉ dạy tận tình cho các em học sinh của lớp học thiện nguyện. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Bà Phạm Thị Hoài Mỹ (đứng) chỉ dạy tận tình cho các em học sinh của lớp học thiện nguyện. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Hè năm 2019, ông Nguyễn Hữu Ngọc nảy ra ý định mở một lớp học thiện nguyện dạy miễn phí cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong KDC. Sau khi đề xuất ý tưởng lên cấp ủy chi bộ, chính quyền KDC, mọi người rất ủng hộ. Hội trường Nhà sinh hoạt cộng đồng của KDC được chọn là nơi dạy và học của thầy, trò lớp học thiện nguyện.

Đều đặn sáng thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, cứ khoảng 7 giờ sáng, ông Ngọc đến mở cửa nhà sinh hoạt để đón các cháu đến học. Ông Ngọc phụ trách dạy môn tiếng Anh cho các em. Trong buổi học, ông Ngọc đặt các câu hỏi về kiến thức tiếng Anh để học trò trả lời. Dù không làm việc trong ngành giáo dục nhưng những kiến thức tiếng Anh ông Ngọc nắm rất vững. Nhiều em qua lớp học của ông mà mạnh dạn nói, viết tiếng Anh. “Hiện nay, tiếng Anh là một ngoại ngữ đặc biệt quan trọng và cần thiết. Do đó, tôi muốn truyền đạt những gì mình biết để giúp các em phần nào đó trong tương lai”, ông Ngọc nói.

Còn bà Phạm Thị Hoài Mỹ (vợ ông Ngọc) vốn là giáo viên dạy Toán. Những kiến thức khi còn đi dạy được bà Mỹ truyền đạt lại cặn kẽ, kỹ lưỡng. Chương trình học cũng bám sát sách giáo khoa và tiến độ học trên lớp. Nhờ đó, các em vừa được ôn luyện, củng cố kiến thức, vừa làm bài tập để nâng cao kỹ năng.
Hiện nay, lớp học thiện nguyện có 7 học sinh, gồm: 1 em lớp 8 và 6 em lớp 6, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn. Để dạy cùng lúc 2 lớp khác nhau, ông Ngọc và bà Mỹ chia các em ngồi thành hai phía. Sau khi ra bài tập cho học sinh lớp 8, bà Mỹ quay sang giảng bài cho các em lớp 6. Cứ thế, bà Mỹ hết quay bên này lại sang bên kia. Chứng kiến một buổi dạy của vợ chồng ông Ngọc, bà Mỹ mới thấy hết cái tâm, cái tình mà hai vợ chồng già dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ dạy trên lớp, những em nào học yếu hoặc đi học thiếu buổi, bà Mỹ lại đưa các em về nhà kèm thêm cho vững. Em Phạm Quang Triết (học sinh lớp 6, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Liên Chiểu) là một trường hợp như thế. Vì sáng thứ Ba bận học ở trường không đến lớp thiện nguyện nên cứ sáng thứ Tư, Triết lại ôm tập sách đến nhà bà Mỹ học “bù” để theo kịp các bạn. Hay em A Nít (đồng bào Ê Đê, quê Kom Tum) là một học sinh đặc biệt mà ông Ngọc, bà Mỹ nhớ mãi. Hè năm 2019, A Nít từ Kom Tum xuống Đà Nẵng chơi, ở nhà người quen tại KDC Chơn Tâm 1B4.

Nghe có lớp học miễn phí, Nít lân la đến xin học. Khi ấy A Nít là học sinh lớp 7 nhưng kiến thức khá kém.. Vậy mà chỉ sau 3 tháng hè, nhờ sự tận tâm chỉ dạy của ông Ngọc và bà Mỹ, A Nít bứt phá, vượt lên hơn hẳn các bạn trong lớp. “Qua lớp học thiện nguyện này, chúng tôi muốn góp một phần công sức giúp các cháu nắm vững hơn kiến thức; đồng thời những giáo viên về hưu như tôi tiếp tục được dạy, được cống hiến cho xã hội để thấy mình còn có ích”, bà Mỹ tâm sự.

Bên cạnh vợ chồng ông Ngọc, bà Mỹ, lớp học thiện nguyện còn có sự tham gia giảng dạy của bà Lê Thị Thanh Hương, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học Chơn Tâm 1B4. Cứ sáng thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, bà Hương đến lớp dạy tiếng Anh cho các em. Những hôm bận việc, bà Hương tổ chức dạy tại nhà vào buổi tối. Ngoài dạy tiếng Anh, bà Hương còn giúp các em ôn tập kiến thức tổng hợp của các môn Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 6; làm bài tập để củng cố kiến thức. Không chỉ dạy các em kiến thức, các thầy, cô giáo của lớp học thiện nguyện còn dạy các em biết lễ phép, đi thưa về chào, dạy những điều hay lẽ phải. Trước mỗi buổi học, các em được dạy đến sớm để vệ sinh lớp học, kê lại bàn ghế, tập thói quen tự giác, tự lập và biết lao động.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoàng, Tổ trưởng tổ 21, hầu hết các hộ dân trong KDC đều là dân lao động, công nhân nên kinh tế không mấy khá giả. Lớp học thiện nguyện này là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực do cấp ủy chi bộ, chính quyền KDC tổ chức để giúp các em học sinh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện ôn tập bài vở sau những giờ học trên lớp; đồng thời giúp gia đình các em tiết kiệm một phần chi phí cho việc học kèm, học thêm hằng tháng.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.