Người Đà Nẵng

Người thầy dùng âm nhạc xoa dịu trẻ khuyết tật

12:18, 21/11/2021 (GMT+7)

ĐNO - “Các thầy cô khác có thể đào tạo nhiều học sinh trở thành bác sĩ, kỹ sư… Riêng chúng tôi chỉ mong mỗi lứa học trò của mình được vài em trưởng thành, hoặc đơn giản tự biết chăm sóc tốt bản thân đã là thành công”, thầy giáo Lê Quang Hải, giáo viên âm nhạc Trường Chuyên biệt Tương Lai (quận Hải Châu) tâm sự.

Thầy Lê Quang Hải trong giờ học âm nhạc. Ảnh chụp khi chưa có Covid-19 (nhân vật cung cấp)..
Thầy Lê Quang Hải trong giờ dạy học âm nhạc. Ảnh chụp khi chưa có Covid-19. 

Từng định bỏ nghề vì áp lực

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc Huế năm 2010, Lê Quang Hải (SN 1989, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) trải qua 3 năm làm việc trong môi trường hành chính, dẫn chương trình các sự kiện, nhưng ước mơ trở thành giáo viên âm nhạc vẫn nung nấu trong anh. "Sau 3 năm trải qua những việc khác nhau từ miền Trung đến miền Nam rồi quay về Huế, tôi bất ngờ nhìn thấy mẫu tuyển dụng giáo viên âm nhạc của Trường Chuyên biệt Tương Lai. Không đắn đo suy nghĩ, tôi lấy vội mấy bộ quần áo vượt đèo bằng xe máy vào Đà Nẵng thi tuyển”, thầy Hải kể.

Năm 2013 - năm đầu tiên trở thành giáo viên của lớp khuyết tật trí tuệ, thầy Hải có chút bối rối vì chưa bao giờ hình dung phải đối diện với những học sinh “đặc biệt” này. Nếu như các giáo viên khác có chuyên môn, kỹ năng về chăm sóc học sinh khuyết tật, thì anh chỉ đơn thuần là một thầy giáo âm nhạc. Anh khá sốc vì ngoài tính khí khác thường, nhiều em còn có những biểu hiện tiêu cực: ném dụng cụ học tập, xé áo, đập đầu vào tường, cắn bạn... Đôi khi, các em không tự chủ được vệ sinh ngay trong lớp học, giáo viên phải dừng dạy để dọn dẹp. Có phụ huynh đồng cảm, chia sẻ, nhưng cũng có người xót con, thường nặng lời với thầy cô nếu con mình gặp sự cố trong lớp học. Một thanh niên trẻ, chưa có gia đình nên lúc đó anh không chịu nổi và có ý định bỏ nghề.

“Tôi gọi về cho gia đình và mẹ đã khuyên đây là con đường tôi lựa chọn thì cố gắng thời gian nữa xem sao. Từ đó, nhìn nhận lại những gì đã qua, tôi bắt đầu học hỏi những thầy cô đi trước trong trường, học cách lắng nghe học sinh, tham gia các lớp tập huấn dành cho giáo viên các trường chuyên biệt. Tôi bắt đầu học điều đơn giản nhất là tiễn học sinh mỗi buổi tan trường để nhớ mặt, biết tên từng phụ huynh học sinh mình phụ trách”, thầy Hải chia sẻ.

Cùng các em trên chặng đường gian khó…

Hơn 9 năm gắn bó với Trường Chuyên biệt Tương Lai, thầy giáo Hải nhận được không ít tình cảm từ nhiều phụ huynh, học sinh và đó là động lực để anh đồng hành cùng những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi. Anh kể, có lần trong những ngày Đà Nẵng vào đông, trời mưa nhẹ và lạnh, nhưng cậu học trò (15 tuổi) đạp xe đến tặng chiếc áo sơ-mi do mẹ em mua và gói ghém cẩn thận dù gia đình chẳng khá giả gì; hay một phụ huynh đến tặng mấy nhánh hoa và một gói mì chính trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)… Những hình ảnh ấy đã chạm vào trái tim của thầy giáo và anh tự nhủ nỗ lực hơn nữa để chia sẻ với các em.

Với môn âm nhạc, bên cạnh chương trình khung của Viện Khoa học Giáo dục, chương trình của nhà trường được xây dựng theo nhu cầu của trẻ, phù hợp với đối tượng học sinh các loại tật. Thầy Hải linh động có những điều chỉnh nhỏ để thu hút học sinh. Thầy tự tay đi mua các thùng nhựa, ống hút nhựa về làm nhạc cụ cho học sinh; trên các phím đàn gắn các màu sắc tượng trưng, mỗi nốt nhạc là một màu sắc…

Thông qua âm nhạc, thầy Hải mong muốn xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn những đứa trẻ kém may mắn; giúp các em giải tỏa căng thẳng, bực dọc trong lòng, cảm thấy thoải mái đầu óc; vận động cơ để phục hồi chức năng, tăng khả năng tự chăm sóc bản thân…

Thầy Hải chia sẻ, ở Trường Chuyên biệt Tương Lai, giáo viên trẻ đều được truyền lửa từ những thế hệ giáo viên đi trước với phương châm, giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn là bảo mẫu, là y tá, vừa là cha mẹ và thậm chí là bạn bè của các em. "Tôi còn nhớ như in lời thầy hiệu phó của nhà trường (đã mất) từng nói: giáo viên giảng dạy những học sinh bình thường, có người ra đời trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu… nhưng với chúng ta, dạy dỗ học sinh để làm sao các em có thể trưởng thành hoặc đơn giản tự biết chăm sóc tốt bản thân đã là niềm vui. Tôi sẽ cố gắng góp sức cùng thầy cô nhà trường đồng hành với các em trên chặng đường gian khó phía trước”, thầy Hải trải lòng.

Thầy Lê Quang Hải hiện đang là giáo viên cơ sở 2 Trường Chuyên biệt Tương Lai (88A Huy Cận, quận Cẩm Lệ). Thầy có nhiều thành tích trong công tác: Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2020-2021; đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020; đạt giải thưởng "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2020. Thầy Hải là một trong 24 tấm gương nhà giáo tiêu biểu được thành phố tuyên dương nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).

NGỌC HÀ

.