Người Đà Nẵng

Người đưa bánh dừa 'made in Da Nang' xuất ngoại

17:18, 18/12/2021 (GMT+7)

ĐNO - Kế thừa nghề làm bánh lâu năm của gia đình, vợ chồng chị Mai Thị Ý Nhi - chủ Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương Foods nỗ lực đưa hương vị bánh dừa quê hương lan tỏa không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. 

A
Chị Mai Thị Ý Nhi bên những sản phẩm tâm huyết. Ảnh: XUÂN SƠN

Lưu giữ và lan tỏa hương vị miền Trung

Qua khỏi cổng chào thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đã ngửi được hương đậu, dừa… thơm lừng tỏa ra từ xưởng đóng gói bánh dừa nướng của Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương Foods. Bên trong xưởng, bà chủ Mai Thị Ý Nhi thoăn thoắt như con thoi, vừa đốc thúc nhân viên vừa quản lý đơn hàng.

Chỉ tay vào dây chuyền đóng gói bánh, chị Nhi cho biết bản thân gốc là người “xứ Nẫu” Bình Định. Cơ sở bánh hiện tại được chị kế thừa từ cha mẹ gần 5 năm trước. Khi ấy, cơ sở gốc vốn sản xuất bánh mỳ tươi suốt nhiều năm liền. “Tôi nhận nhiệm vụ duy trì và phát triển những điều ba mẹ đã gây dựng. Bên cạnh bánh mỳ, bánh ngọt thì bánh dừa nướng được cơ sở sản xuất bắt nguồn từ nhu cầu tiêu thụ của thị trường, của khách du lịch khi đến Đà Nẵng và ý tưởng phát triển nó thành một đặc sản đã hình thành”, chị Nhi kể lại.

Những ngày đầu thực hiện ý tưởng, chị Nhi tìm mua sản phẩm nơi khác về ăn thử để cảm nhận hương vị, tham khảo nhu cầu thị trường rồi tự mày mò tìm công thức riêng. “Có dạo trong nhà tôi mua toàn bánh dừa nướng. Cũng là thành phần mộc mạc từ thiên nhiên quê kiểng đó, cũng có dừa tươi, bột nếp, bột gạo, đường… mà mỗi cơ sở lại ra một vị bánh rất khác. Tôi lại nghĩ cái bánh ngon là độ giòn, độ mỏng, xốp, hương thơm và độ ngọt vừa phải, thị trường sẽ đón nhận ”, chị chia sẻ.

Sau những khó khăn ban đầu khi sản phẩm làm ra còn thô cứng, dưới sự hỗ trợ của ông xã - người từng có kinh nghiệm làm việc trong ngành thực phẩm, chị Nhi dần tự tin hơn. Rồi những công thức chỉnh sửa dần dần, máy móc nâng cấp qua từng năm, hai vợ chồng đã thành công với sản phẩm bánh dừa nướng vị truyền thống với lát bánh mỏng tang, đồng đều kích thước, màu sắc, khối lượng và hương vị.

Hiện tại, ước chừng mỗi tháng cơ sở của anh chị đưa ra thị trường khoảng 80.000 gói bánh dừa nướng. Mỗi lát bánh, theo lời chị Nhi là “gói gọn hương vị truyền thống miền Trung”, ở đó là những nguyên liệu dễ tìm, những món quẩn quanh góc chợ, mái quê như hương bột gạo, bột nếp từ Quảng Nam, là trái dừa từ xứ dừa Tam Quang ở Bình Định - vùng đất nổi danh qua câu ca dao “Công đâu công uổng công thừa/Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan” mà chị quá quen từ ngày còn bé.

Ảnh: XUÂN SƠN
Dây chuyền đóng gói bánh dừa nướng tại Cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương Foods. Ảnh: XUÂN SƠN

Sản phẩm OCOP “made in Da Nang” xuất ngoại

Ở xưởng bánh, hai vợ chồng chị Nhi phân công nhiệm vụ rõ ràng. Tự nhận là người buôn bán truyền thống và luôn học hỏi kinh nghiệm, chị cho biết người giúp đỡ mình nhiều nhất là chồng. Kinh nghiệm của anh từ những ngày làm việc theo dây chuyền sản xuất thực phẩm khắt khe của Nhật Bản giúp ích nhiều cho việc sản xuất của cơ sở hiện tại và cho cả việc xuất khẩu bánh dừa sang chính thị trường này.

Từ cái bánh dừa đầu tiên ra lò vào năm 2017 cho tới ngày hoàn thiện, chị Nhi đặt mục tiêu “phủ hàng” ra thị trường Đà Nẵng với mục tiêu chính là thị trường khách du lịch cả trong và ngoài nước. Những lô bánh dừa nướng bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị đặc sản, điểm bán đồ lưu niệm cho du khách, chợ Hàn, chợ Cồn, đèo Hải Vân…

“Mình đem bánh ra thị trường, may mắn là có khách lựa, người ta ăn thấy ngon, mua về cho người thân, bạn bè rồi dần dần bánh được biết tới nhiều hơn, được mở rộng thị trường tới nhiều tỉnh, thành phố khác và sau này là nước ngoài”, chị Nhi cho biết.

Đến hiện tại, sản phẩm bánh dừa của cơ sở Mỹ Phương đã có mặt trên nhiều kệ hàng cả nước và hai thị trường ngoài nước là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cái duyên đầu tiên để bánh dừa xuất ngoại là có người khách mua bánh về Nhật Bản và bánh đến tay đối tác hiện tại của cơ sở.

Nhưng không dễ dàng để thuyết phục một thị trường khó tính như Nhật Bản, bởi sản phẩm cần qua quá trình thương lượng, kiểm định gắt gao suốt nhiều tháng để đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn và yêu cầu khắt khe về nhập khẩu hàng hóa của đất nước mặt trời mọc. “Nhật Bản áp dụng chính sách bảo hộ nền nông nghiệp, trong đó có những thứ như gạo, nếp - là những thành phần chính trong bánh dừa, nên rất khó để nhập hàng vào nước họ. Vầy là phải điều chỉnh một phần công thức, chứng minh nguyên liệu sạch đạt chuẩn 100%… cuối cùng thì trót lọt”, chị Nhi nhớ lại.

Sau nhiều khó khăn, sản phẩm bánh dừa nướng của Mỹ Phương Foods được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), tự hào sánh vai cùng những thương hiệu lớn như cà phê G7, bánh kẹo Kinh Đô… Những nỗ lực của chị Nhi cuối cùng cũng được ghi nhận.

“Hạnh phúc nhất hiện tại chính là sản phẩm bánh dừa của cơ sở đã được thành phố chứng nhận là sản phẩm OCOP”, chị Nhi hào hứng “khoe” thành quả. Được biết, theo Quyết định số 3500/QĐ-UBND của UBND thành phố ra ngày 3-11-2021, sản phẩm bánh dừa nướng đậu phộng của cơ sở Mỹ Phương là 1 trong 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.

“Covid-19 bùng phát suốt 2 năm qua ảnh hưởng nhiều ngành nghề. Chúng tôi phải chuyển mục tiêu từ thị trường cho khách du lịch sang phân phối trong nước, và hy vọng đại dịch sớm được kiểm soát để mình có thêm nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm quê nhà”, chị Nhi chia sẻ. Chị hiểu, hành trình của cái bánh dừa miền Trung mộc mạc gắn nhãn OCOP chưa dừng lại mà phải đi xa hơn.

XUÂN SƠN

.