Người Đà Nẵng
Người phụ nữ học Bác từ những việc giản dị
ĐNO - Làm việc hết mình vì lợi ích cộng đồng theo gương Bác Hồ là phương châm sống của chị Lê Thị Thương, Chi hội phó Chi hội phụ nữ Bình Phước 1, tổ 49, phường Thuận Phước, quận Hải Châu.
Chị Lê Thị Thương (trái) tặng quà cho trẻ em khó khăn tại tỉnh Quảng Bình năm 2021.(Ảnh chụp khi chưa có Covid-19). Ảnh: HỒNG QUANG |
Với vai trò cán bộ hội, chị không chỉ trực tiếp phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn đưa hoạt động của các cấp hội đến hội viên và người dân. Nhiều năm qua, chị luôn gương mẫu, đi đầu trong việc triển khai các nội dung này. Đồng thời vận động hội viên, phụ nữ tham gia tích cực các hoạt động do Hội LHPN cấp trên phát động.
Hội viên phụ nữ thuộc chi hội của chị cũng luôn tích cực tham gia bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ như: loại rác, trồng cây tạo mảng xanh cho gia đình và khu phố…Tại khu dân cư nơi sinh sống, chị Thương cũng góp nhiều công sức và đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, chung sức cùng tuyến đầu chống Covid-19.
Từ năm 2018, chị là thành viên tích cực tham gia phong trào phân loại rác thải tại nguồn. Sau khi được chị vận động, chị em trong tổ tự nguyện đem đến góp vào đống phế liệu lúc vài cái vỏ lon, khi thì mấy cái chai nhựa cũ, nhờ vậy hằng ngày, đống phế liệu của chi hội càng nhiều. Đến nay, nhờ số tiền này, các chị đã đóng góp hơn 140 triệu đồng hỗ trợ người khuyết tật, hộ dân khó khăn tại khu dân cư.
Có lần, chị được một tổ chức từ thiện mời tham gia chuyến đi giúp các gia đình khó khăn vùng cao. Nhìn những đứa trẻ với những tấm áo phong phanh khi trời trở gió, đầu trần, chân đất nhem nhuốc, chị sững người, cay nơi khóe mắt và nghĩ mình cần cố gắng nhiều hơn để hỗ trợ các em.
Vậy là hơn 10 năm nay, chị đã đi không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu chuyến để vận động mạnh thường quân ủng hộ trẻ em khó khăn ở Đà Nẵng cũng như các tỉnh lân cận. Những địa danh như làng Vân Kiều (tỉnh Quảng Bình); Đông Giang, Tây Giang, Trà My (tỉnh Quảng Nam); Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) … gắn liền với bao gian khó, đầy ắp kỷ niệm vui buồn.
Mỗi khi nhìn thấy niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt những đứa trẻ đầu trần, chân đất, chị cảm thấy mọi mệt nhọc dường như tan biến. Có lần, đi và gặp một em nhỏ khuyết tật sống trong gia đình khó khăn, chị đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ em suốt 5 năm nay. Bây giờ, em đã học xong đại học và có việc làm. Với chị, niềm vui của người khác cũng chính là niềm vui bản thân, tiếp thêm động lực để chị tiếp tục trên con đường đã chọn.
Dù làm cái việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, may mắn chị nhận được sự động viên, chia sẻ, ủng hộ từ chồng. Có thể nói, việc học và làm theo Bác đã được chị Thương cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động nhỏ nhưng thiết thực.
HỒNG QUANG