Người Đà Nẵng
Người cán bộ nhiệt huyết với công tác cai nghiện
ĐNO - Định hướng, tiếp thêm động lực giúp người nghiện làm lại cuộc đời là mục tiêu mà ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng (Cơ sở) hướng tới.
Ông Phạm Tấn Dũng thay mặt Cơ sở xã hội Bầu Bàng trao tặng kinh phí sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở xã Hòa Bắc. |
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Hòa Bắc anh hùng, mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ và truyền thống cách mạng của gia đình, ở tuổi 20, ông Phạm Tấn Dũng tham gia lực lượng vũ trang rồi làm Trưởng Công an xã. Thời kỳ công tác tại địa phương, ông Dũng giữ nhiều chức vụ như Phó chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân rồi đến Bí thư Đảng ủy xã. Trong những năm công tác tại xã, ông Phạm Tấn Dũng để lại nhiều dấu ấn và thành quả tốt đẹp cho quê hương cùng bà con nhân dân.
Năm 2014 cơ duyên đưa ông Dũng đến với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội với chức danh Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06/CP (nay là Cơ sở xã hội Bầu Bàng). Năm 2016, ông Phạm Tấn Dũng được lãnh đạo các cấp tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức giám đốc. Mỗi công việc có đặc thù, khó khăn riêng nhưng càng khó ông lại càng quyết tâm hơn, miệt mài cống hiến sức mình.
Nắm bắt được tâm lý của người cai nghiện ma túy, ông kiên trì kết hợp giữa “pháp trị” và “đức trị”, ông lấy quy định của pháp luật làm nền tảng, lấy sự quan tâm, chia sẻ, tình yêu thương của người ông, người cha, người anh để giáo dục, cảm hóa học viên, nhất là khi họ tìm cách “trở chứng”.
Mặc dù số lượng học viên đông nhưng ông thuộc nằm lòng từng tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, số lần vào cai nghiện của họ để có cách làm việc thuyết phục nhất. Ông Dũng tâm sự: “Với công tác quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy thì khó nói trước điều gì. Nguyên nhân mà các em, các cháu sử dụng ma túy thì cũng vô kể. Hoàn cảnh gia đình của nhiều em cũng rất đáng thương. Cùng với quy định của pháp luật, trong công tác giáo dục học viên, luôn quán triệt cán bộ lấy đạo đức làm gốc, sự kiên trì, bền bỉ, nêu gương, chân thành, sẻ chia để thu phục nhân tâm”.
Cơ sở xã hội Bầu Bàng (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) hiện đang quản lý, giáo dục, cai nghiện 417 học viên, trong đó cai nghiện bắt buộc 372, cai nghiện tự nguyện 45, học viên nhỏ tuổi nhất là 15, lớn tuổi nhất là 49.
Trên cương vị giám đốc, ông Phạm Tấn Dũng luôn đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn tâm lý để uốn nắn, đưa những tâm hồn một thời “lạc lối”, đánh mất niềm tin vào chính mình cũng như gia đình và xã hội dần “hồi sinh” trở lại; ông chủ trương lấy môi trường của quân đội để quản lý, nhà trường để giáo dục, bệnh viện để chữa bệnh trên nền tảng của sự kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Ngoài ra, mỗi ban quản giáo, ban quản lý được trang bị như thư viện với hàng trăm đầu sách để họ đọc và số sách được thường xuyên luân chuyển, bổ sung, đầu tư mua sắm mới.
Ông mang đến làn gió mới trong việc tạo ra môi trường sinh hoạt vui vẻ, đầy ắp tiếng cười cho học viên cai nghiện sau mỗi bài ca, tiếng hát của chính họ vào mỗi tối cuối tuần hay vào những ngày lễ, tết, những khi giao lưu với các đơn vị bên ngoài, bởi ông Dũng quan niệm, chính giá trị nhân văn, cái đẹp của nghệ thuật chân chính sẽ giúp cho học viên chiêm nghiệm lại bản thân, tìm ra chân lý, cái đẹp trong cuộc đời của riêng mình.
Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trước khi người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, ông Dũng chỉ đạo phải đẩy mạnh công tác dạy nghề để các em có thêm điều kiện thuận lợi trên con đường tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập để ổn định cuộc sống nhằm hạn chế tình trạng tái sử dụng ma túy, góp phần bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội.
Để công tác quản lý, giáo dục được hiệu quả hơn, ông cùng với tập thể lãnh đạo của cơ sở cũng như cán bộ chủ chốt thường xuyên đi học tập ở các cơ sở cai nghiện khác để đúc rút ra kinh nghiệm cho mình; thường xuyên tiếp xúc, gặp mặt thân nhân gia đình học viên để thông báo kết quả học tập, rèn luyện của con em cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các gia đình và bàn cách phối hợp.
Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống thẩm lậu ma túy, ông chủ trương xây dựng vành đai an toàn bằng cách ký kết quy chế phối hợp với công an xã, thường xuyên tuần tra vùng đệm, truyền thông trong nhân dân địa phương nhằm ngăn chặn, đẩy xa nguy cơ thẩm lậu ma túy.
Cơ sở cai nghiện ma túy là môi trường mang tính chất giáo dục con người, đặc biệt là những con người lầm lỡ, không chỉ đòi hỏi ở người cán bộ lãnh đạo sự năng nổ mà kiến thức phải thật sâu rộng để tinh tế am hiểu nhu cầu, nguyện vọng, mơ ước của học viên, xoa dịu tính phản kháng luôn tiềm tàng trong mỗi cá thể. Đó là tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, “Điều trị bằng khối óc, chăm sóc bằng trái tim”, là người thầy tận tụy với nghề song song với đó là truyền tải niềm tin, động lực phấn đấu vươn lên.
Xác định muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì đội ngũ viên chức, người lao động phải đáp ứng đủ trình độ đi đôi với đạo đức nghề nghiệp, Giám đốc Phạm Tấn Dũng luôn động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để viên chức của mình học tập. Trong những năm qua, viên chức, người lao động của Cơ sở đã tích cực học tập, nâng cao trình độ từ Trung cấp lên Đại học rồi sau Đại học với các chuyên ngành tâm lý, công tác xã hội, sư phạm, luật… Đến nay, gần 90% viên chức, người lao động của Cơ sở có trình độ Đại học và sau Đại học.
Cùng với những công việc trong Cơ sở, Giám đốc Phạm Tấn Dũng luôn tích cực thực hiện công tác dân vận, góp phần xóa nghèo, nâng cao cuộc sống cho bà con trong xã, giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, bởi ông luôn lấy dân làm gốc và quan niệm nếu có dân đùm bọc, giúp sức, ủng hộ thì việc gì cũng thành công.
Với những nỗ lực, cống hiến của mình, nhiều năm qua ông Phạm Tấn Dũng được lãnh đạo các cấp tặng nhiều bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
LINH ĐAN