Người Đà Nẵng
Vượt lên khiếm khuyết để thành công
ĐNO – Trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng anh Nguyễn Văn Hậu, giảng viên của Trường Dạy nghề hướng nghiệp Á - Âu; đồng thời là bếp trưởng của chuỗi nhà hàng Nghĩa Thống Gia tại thành phố Đà Nẵng đã vươn lên vượt qua nghịch cảnh và thành công.
Anh Nguyễn Văn Hậu đang hướng dẫn học viên thực hành chế biến món ăn. |
Mồ côi cha từ lúc lọt lòng, lên 5 tuổi, tai nạn đã khiến Hậu mất đi 2 ngón tay. Vì vậy mà việc học cũng như sinh hoạt của Hậu cũng gặp không ít khó khăn. Lớn lên, Hậu thường rong chơi ở các đường làng trong xóm vào những buổi chiều muộn, rồi được nghe đài truyền thanh của xóm phát thanh về những khóa học bếp chuyên nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thôi thúc Hậu tìm đến với nghề này.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn nên không thể vào Thành phố Hồ Chí Minh được. Anh quyết định đi làm kiếm tiền để đóng học phí học nghề bếp ngay tại thành phố Đà Nẵng.
Để học nghề và có thêm kinh nghiệm thực tế, anh Hậu xin vào làm phụ bếp tại nhà hàng, rồi lên dần vị trí thớt chính, đầu bếp và sau này là bếp trưởng. Từ các nhà hàng thuần Việt, sau đó, anh chuyển qua các nhà hàng chuyên món Địa Trung Hải.
Với nỗ lực của bản thân, năm 2015, lúc này đã tích góp được tiền đóng học phí, anh Hậu quyết định đi học đầu bếp chuyên nghiệp.
Cuối năm 2015, anh Hậu vào làm việc tại khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng. Mặc dầu làm việc ở vị trí thấp nhất, nhưng đây chính là “cái nôi” để anh có thể học hỏi tác phong làm bếp chuyên nghiệp, trang trí món ăn, hay nói đúng hơn là nơi giúp anh tìm thấy “bí quyết” để có thể tạo nên nghệ thuật ẩm thực.
Anh đã tìm đến vô số cuộc thi đầu bếp từ quy mô nhỏ đến lớn để xác định mình còn thiếu ở đâu, chưa tốt ở đâu và lấp đầy những lỗ hỏng đó. Và anh cũng đã trải qua nhiều lần thất bại. Không nản chí, anh Hậu lại tiếp tục vừa làm, vừa tự nghiên cứu những video clip chế biến món ăn từ các đầu bếp nổi tiếng Việt Nam cũng như thế giới. Và anh đã thành công.
Anh Hậu chia sẻ, nghề làm bếp tại các quán ăn, nhà hàng đòi hỏi nhân viên không chỉ nhanh nhẹn, thạo việc mà còn cần cẩn thận để tránh gặp tình huống bất trắc xảy ra. Thậm chí ngay cả các đầu bếp kinh nghiệm vài chục năm vẫn có thể bị đứt tay hoặc bị thương do sự cố ngoài ý muốn. Những lúc như vậy đòi hỏi cần phải nhanh trí xử lý để vừa đảm bảo an toàn cho chính mình, vừa đảm bảo chế biến món ăn kịp thời phục vụ khách.
Trong quá trình học nấu ăn, anh Hậu nhận ra rất nhiều điều thú vị cũng như khó khăn để có được những món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của thực khách. Anh không ngừng nghiên cứu và sáng tạo ra các món ăn mới để mời bạn bè thưởng thức, từ đây nấu ăn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.
Để hiện thực hóa ước mơ trở thành đầu bếp và được công nhận, anh Hậu đã phải vượt qua không ít khó khăn và nỗ lực hết sức mình. Dù không có được xuất phát điểm tốt, cũng như hạn chế về đôi tay không hoàn hảo nhưng anh vẫn không từ bỏ, đầu hàng số phận. Ngược lại, anh còn truyền cảm hứng cho những ai đam mê ấm thực với thông điệp nếu bạn cố gắng hết khả năng, bạn sẽ làm được.
“Người đầu bếp nấu ăn bằng cả trái tim sẽ tìm tòi, thử nghiệm và kết hợp nhiều loại nguyên liệu và gia vị lại với nhau để tạo ra món ăn ngon và dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi áp dụng phong cách kết hợp vào các món ăn truyền thống của Việt Nam, người đầu bếp cần am hiểu kỹ về món ăn đó. Theo tôi, phong cách ẩm thực kết hợp hiện đại ngày nay rất hay, giúp cho người đầu bếp bộc lộ khả năng sáng tạo, cho ra đời thêm nhiều món ăn mới và đặc sắc cho ẩm thực Việt Nam”, anh Hậu tâm sự.
Cụ thể là nguyên liệu gốc và gia vị đặc trưng của món ăn, từ đó sáng tạo món mới sao cho không làm mất đi cái hồn của món ăn gốc. Chủ yếu là chú trọng vào cách trang trí, phương pháp nấu để món ăn truyền thống trở nên đẳng cấp hơn, qua đó có thể quảng bá món ngon Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh công việc bếp trưởng của chuỗi nhà hàng Nghĩa Thống Gia, anh Hậu còn là giảng viên của Trường Dạy nghề hướng nghiệp Á - Âu. Với niềm đam mê ẩm thực, anh đã truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ, nhiều sinh viên theo học ngành nhà hàng, khách sạn có thể học tốt hơn và có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.
Đối với mỗi đầu bếp, điểm đến cuối cùng của họ không phải là một chức danh nào đó mà là sự công nhận của khách hàng. Sinh viên nên tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như các cuộc thi nấu ăn hoặc làm bánh để cọ xát với thực tế, nâng cao tính sáng tạo, đồng thời có cơ hội học hỏi từ nhận xét của các giám khảo giàu kinh nghiệm, anh Hậu chi sẻ thêm.
Cũng theo anh hậu, công nghệ cũng giúp sinh viên tiếp cận với ẩm thực bởi vì ngoài học và thực hành tại trường lớp các bạn còn có thể dễ dàng tìm hiểu các món ăn, văn hóa ẩm thực thông qua internet và các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, YouTtube…
Với những nổ lực của mình, đầu bếp Nguyễn Văn Hậu đã đạt được một số giải thưởng danh giá như: Giải Ba cuộc thi tay nghề cấp thành phố Đà Nẵng 2016; Á quân Taste of Vietnam 2019; Á quân Young Chef Seafood Vietnam 2018; Quán quân Master of Pasta miền Trung 2018; Giải 3 Master of Pasta Vietnam 2018.
HƯƠNG AN