Phóng sự - ký sự
Gieo niềm tin ở miền chân sóng
Mười năm qua, người dân làng biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) quá quen với hình ảnh y sĩ mang quân hàm xanh - Đại úy Ninh Công Khánh (cán bộ quân y, Đồn Biên phòng Hải Vân). Niềm vui anh Khánh mang lại cho người dân nơi đây chính là việc chấm dứt những cơn đau đang hành hạ trong cơ thể họ bằng cả tình yêu thương và không toan tính.
Y sĩ Ninh Công Khánh vận động, kêu gọi hỗ trợ, thậm chí bỏ tiền túi để mua thuốc cho người dân chữa bệnh. |
Nhiều người vẫn gọi đùa anh là “bác sĩ khùng” bởi những việc anh làm chẳng giống ai. Về phần mình, Đại úy Ninh Công Khánh chỉ nói ngắn gọn: “Lương tâm tôi mách bảo phải làm như thế”.
Giao trọn niềm tin
Đầu giờ chiều, ông Trần Đức Hai (62 tuổi, trú tổ 12, phường Hòa Hiệp Bắc) khó nhọc bước tập tễnh đến Nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư (KDC) văn hóa biển Kim Liên tìm y sĩ Ninh Công Khánh. Hơn 40 năm dọc ngang khắp các vùng biển để tìm tôm cá, sức khỏe của ông giờ đây đang có dấu hiệu đi xuống.
“Mấy tháng nay nghỉ lên bờ vì mùa này biển khó, hôm qua tham gia kéo mẻ lưới ngay cửa biển, không ngờ cái lưng và chân, tay đau dữ dội, phải chạy ra nhờ anh Khánh xem thế nào chứ cứ đà này làm sao mà lên thuyền đi làm ăn tiếp đây”, ông Hai lo lắng.
Sau gần nửa giờ nằm yên trên chiếc giường xếp và được anh Khánh chăm sóc, điều trị bằng phương pháp đông y, gương mặt ông Hai tươi tỉnh, sảng khoái hẳn. Rồi ông đứng phắt dậy, vươn vai, miệng liến thoắng với những cụ ông, cụ bà xung quanh. “Hết đau rồi, đã quá anh Khánh ơi!”, ông mừng rỡ.
Từ năm 2008, Nhà sinh hoạt cộng đồng “3 trong 1” (sinh hoạt văn hóa, phòng chống bão lũ và phòng khám quân dân y) tại KDC văn hóa biển Kim Liên được đưa vào sử dụng, y sĩ Ninh Công Khánh là cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Hải Vân làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương tại đây.
Phần lớn người dân làm nghề đi biển, số còn lại là lao động phổ thông nên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Những cơn đau về xương khớp, cột sống trở thành nỗi ám ảnh, hành hạ họ mỗi ngày, đặc biệt là người lớn tuổi. Phòng khám quân dân y trở thành điểm đến cần thiết, kịp thời giải tỏa những cơn đau mà người dân nơi đây phải đối mặt.
Cứ đều đặn các buổi chiều từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, bệnh nhân tập trung trước nhà sinh hoạt cộng đồng để được chăm sóc sức khỏe. “Càng về già bệnh tật càng nhiều, nếu không được điều trị, chăm sóc kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là khi mình ở xa trung tâm, kinh tế khó khăn, thiếu thốn, nên cứ trong người cảm thấy khó chịu, đau nhức là đi tìm chú Khánh ngay”, bà Trần Thị Nông (59 tuổi, trú tổ 12, phường Hòa Hiệp Bắc) nói.
5 năm nay, bà Nông là bệnh nhân “nằm vùng” ở phòng khám quân dân y. Căn bệnh gai cột sống cổ, lưng, viêm khớp do những tháng năm dầm mình trong nước biển và lao động nặng nhọc khiến bà khổ sở lúc về già. Phương pháp điều trị tác động cột sống, vật lý trị liệu mà anh Khánh áp dụng bấy lâu nay giúp bà dễ dàng hơn trong di chuyển, sinh hoạt.
Mấy hôm nay, bà Trần Thị Chung (53 tuổi, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) – em gái của bà Nông cũng ngược lên đây để được chăm sóc. Bà Chung bị các bệnh xương khớp, dù đã điều trị một thời gian tại các bệnh viện nhưng không thuyên giảm. “Chú Khánh nhiệt tình, vui vẻ, lại điều trị miễn phí thì dù có xa đến mấy tôi cũng ráng chạy lên”, bà Chung phấn khởi nói.
Mười năm nay, y sĩ Ninh Công Khánh vẫn miệt mài chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân Kim Liên. |
“Bà con không sống thiếu chú Khánh được”
Ông Nguyễn Văn Tá, 70 tuổi, Tổ trưởng tổ 20, phường Hòa Hiệp Bắc nửa đùa nửa thật khi kể chuyện về y sĩ Khánh: “Bà con nơi đây không thể sống thiếu chú ấy được. Nếu chú ấy có chuyển đi đâu thì chúng tôi cũng kêu về lại cho bằng được.
Chứ chú ấy đi rồi thì ai chăm sóc sức khỏe cho mọi người ở đây?”. Tháng 12-2015, theo sự phân công của BCH Bộ đội Biên phòng thành phố, y sĩ Ninh Công Khánh được điều động về nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá Biên phòng thành phố (phường Mân Thái, quận Sơn Trà).
Những bệnh nhân một đời lam lũ nơi làng biển Kim Liên dường như đã không thể quen với sự thay đổi này. “Mấy tháng sau, bà con viết đơn tập thể, trình bày nguyện vọng với Đồn Biên phòng Hải Vân xin chú Khánh về lại, tiếp tục khám, điều trị cho bà con”, ông Tá nhớ lại.
Để không phụ lòng tin của người dân nơi đây, đồng thời vẫn chấp hành tốt nhiệm vụ được giao, y sĩ Ninh Công Khánh đã mướn ngôi nhà bà Nguyễn Thị Gia (trú tổ 8) để tiếp tục khám bệnh, điều trị miễn phí cho người dân. Mỗi ngày sau giờ làm tại bệnh xá, y sĩ Khánh lại chạy xe hơn 20km về với bà con Kim Liên. “Cứ về tới là đã thấy bà con ngồi chờ trước hiên nhà. Thực tế đó là động lực khiến mình dù có bận rộn đến mấy cũng không thể xa nơi này được”, y sĩ Khánh chia sẻ.
Căn nhà nhỏ bé nằm lọt trong con hẻm tổ 8 luôn tấp nập vào cuối ngày. Bệnh nhân đông, mọi người trải chiếu ra cả dọc hành lang nhà để được chăm sóc. Có những hôm cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống, người bệnh không ai bảo ai, người cuốn chiếu, kẻ mang máy điện châm chạy tán loạn trú mưa.
Cũng có những đêm dưới ánh trăng soi vằng vặc, những câu chuyện đời, chuyện biển của ngư dân lại thêm một lần được nhắc nhớ. Những ký ức vụn vặt, không tên của bao phận người cứ thế được thổ lộ mộc mạc, chân thật nhất. Buổi khám, chữa bệnh vì thế có khi kéo dài tới tận khuya.
Như thấu hiểu được nguyện vọng, tình cảm của người dân địa phương, đến tháng 7-2016, y sĩ Khánh lại được bố trí về công tác lại Đồn Biên phòng Hải Vân. Tình cảm người y sĩ mang quân hàm xanh với bà con miền biển càng trở nên thắm thiết. Mỗi bệnh nhân tìm đến đều được anh khám, điều trị, tư vấn kỹ lưỡng và phát thuốc miễn phí.
Do cơ sở không đủ điều kiện cấp thuốc bảo hiểm y tế nên anh Khánh cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân phải ngược xuôi tìm mọi cách để có nguồn thuốc miễn phí cung cấp cho người bệnh. Ngoài cơ số thuốc đơn vị được nhận, các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên quyên góp ngày lương, kêu gọi vận động từ bên ngoài. “Mỗi viên thuốc đều có giá trị với người bệnh, nhất là bà con nơi đây, đời sống vốn nhiều khó khăn”, anh Khánh trải lòng.
Bên cạnh tủ thuốc cấp phát miễn phí là chiếc tủ thuốc anh Khánh tự đóng để bán thuốc khi người dân có nhu cầu. Dù bất cứ bệnh gì, mỗi đơn thuốc anh chỉ lấy giá…15.000 đồng cho 2 ngày uống. “Tủ thuốc đồng giá” này là cứu tinh cho hàng trăm bệnh nhân nghèo tại đây.
Có những căn bệnh như viêm khớp, rối loạn tiền đình phải dùng thuốc điều trị với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng nhưng khi gặp y sĩ Khánh, gánh nặng kinh tế của bà con dường như đã được trút bỏ. Cứ mỗi tháng một lần, anh lại xuôi xuống phố mua các loại thuốc cần thiết về bổ sung với tổng trị giá khoảng 15 triệu đồng.
“Thiếu tiền thì về xin vợ. Điều may mắn để mình chuyên tâm phục vụ và duy trì tủ thuốc này là vợ luôn luôn chia sẻ và ủng hộ hết mình”, anh Khánh cười.
Khi bệnh nhân cuối cùng rời khỏi giường bệnh, anh Khánh lại vội vội vàng vàng thu dọn đồ nghề để “chạy sô” cho kịp lời hứa với các cụ cao niên. Ở phía bên kia đường, ngay tại nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 8, có gần chục bệnh nhân lớn tuổi đang chờ đợi.
“Điểm khám bệnh này mới mở để thay thế cho chỗ mình mượn nhà bà Gia trước đó, nhằm phục vụ những bệnh nhân lớn tuổi không thể ra ngoài này khám, điều trị được. Các cụ không tìm mình thì mình đi tìm các cụ vậy”, anh dí dỏm.
Men theo con đường bê-tông chạy dọc chân sóng, nơi có rặng phi lao đang rì rào trước gió, anh tấp vội vào nhà chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (trú tổ 28) đang khó nhọc nhích từng bước chân. Năm 2006, chị Hiền bị tai nạn giao thông, nằm một chỗ đến năm 2012 mới được điều trị tiếp, khi anh Khánh tình cờ biết được hoàn cảnh trong một lần đi ngang nhà. Sau nhiều năm điều trị, chị Hiền đã có thể tự lo cho bản thân, chống gậy đi lại được. “Sang tuần nhớ ra để anh điều trị tiếp cho nhé, lâu lắm rồi đấy”, anh nói vọng vào…
Bài và ảnh: PHAN CHUNG