Y tế - Sức khỏe
Yêu người bệnh theo cách của mình
Mỗi bác sĩ đều lựa chọn một mục tiêu, đam mê để phấn đấu và cống hiến. Mục tiêu mà bác sĩ Nguyễn Phi Phong, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đặt ra cho bản thân chính là những đứa trẻ đã một lần đến với anh và các đồng nghiệp phải thực sự hoàn hảo khi trở về.
Mục tiêu cống hiến của bác sĩ Phong chính là mang đến sự hoàn hảo cho bệnh nhi không may bị khiếm khuyết. |
Hàn gắn khiếm khuyết
Dù đã hết ca trực trong ngày làm việc đầu năm Mậu Tuất, nhưng bác sĩ Phong vẫn nán lại chờ một bệnh nhi đang vội vã đến bệnh viện, như lời giãi bày mà mẹ em đã nói với anh trong điện thoại. Cánh cửa phòng hé mở, người phụ nữ gầy gò, đen nhẻm lấp ló bên ngoài dắt theo hai đứa con.
Chị tên Trần Thị Nhung, quê ở tận Kon Tum. 2 đứa con của chị bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, gây khó khăn trong sinh hoạt, mặc cảm trong cuộc sống. Cậu bé lên 7 dù đã quen với bác sĩ Phong nhưng vẫn không hết sợ sệt khi bắt đầu được khám.
Vừa được đặt dụng cụ thông tiểu, cậu không kiềm được cơn buốt đái nên nước tiểu bắn khắp phòng, ướt hết cả áo và tóc bác sĩ Phong. Người mẹ trẻ lo lắng nạt nộ con, lóng ngóng lấy vội chiếc khăn lau người cho bác sĩ nhưng anh gạt đi, miệng không ngớt trò chuyện, cười đùa với cậu bé.
Tiếng cười nhanh chóng trở lại trên môi những người trong phòng khám. Đứng bên cạnh, chị Nhung vẫn chưa hết lo lắng vì sự cố ngoài ý muốn của con mình. Chị kể, đây là lần thứ 3 chị dẫn con ra nhờ bác sĩ Phong khám, chữa trị; bởi khiếm khuyết bộ phận sinh dục là dạng dị tật bẩm sinh phức tạp, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật mới thành công.
“Mấy hôm nay cháu thấy khó chịu nên khi vừa hết Tết, mẹ con liền bắt xe đò ra Đà Nẵng để nhờ bác Phong khám xem thế nào. Đi từ sáng sớm nhưng xe chạy lòng vòng quá nên giờ mới tới nơi”, chị tâm sự. Vẻ mệt mỏi sau một ngày dài ngồi trên xe của người mẹ khắc khổ nhanh chóng tan biến khi nghe bác sĩ nói về tình trạng bệnh của con mình. Sau lời cảm ơn vội vã, họ lại dắt díu nhau về cho kịp chuyến xe đêm…
Năm 2006, bác sĩ Nguyễn Phi Phong về làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố. Đến năm 2012, khi Bệnh viện Phụ sản-Nhi được thành lập, anh chuyển về công tác tại khoa Ngoại, trực tiếp chữa trị hàng trăm bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo.
“Ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, mình đã đặc biệt quan tâm đến trẻ em và những bệnh lý, dị tật liên quan. Bởi nghĩ cho cùng, mọi trẻ em sinh ra đều mong muốn được hoàn hảo, khỏe mạnh, phát triển bình thường. Có những dị tật, bệnh lý đã vĩnh viễn cướp đi cái quyền tưởng như tất yếu đó, thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý cả cuộc đời của bé”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Khoa Ngoại Bệnh viện Phụ sản-Nhi là nơi hằng năm tiếp nhận hàng ngàn trẻ mắc các bệnh lý và dị tật bẩm sinh. Đội ngũ y, bác sĩ nơi đây với tâm huyết và những đôi tay tài hoa đã không ngừng nỗ lực để hàn gắn những khiếm khuyết, khỏa lấp những đớn đau cho các bé.
Quãng thời gian làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Phong thường xuyên bị ám ảnh bởi những câu hỏi ngây ngô của con trẻ như “sao con không giống các bạn?”; “ngón tay của con đâu?”… hay hình ảnh những cậu bé rụt rè, mặc cảm không dám đi vệ sinh cùng các bạn chỉ vì các bệnh lý liên quan đến tiết niệu.
“Những hình ảnh đó đập vào mắt mỗi ngày như nhắc nhở mình cùng các đồng sự phải không ngừng nỗ lực, đặc biệt là phát triển thêm các kỹ thuật mới để kịp thời chữa trị cho các bệnh nhân đang cần lắm một cuộc sống bình thường”, bác sĩ Phong nói.
Bác sĩ Nguyễn Phi Phong (ngoài cùng bên phải) cùng ê-kip phẫu thuật Hành trình Thiện Nhân. |
Đi tìm sự hoàn hảo
Những ngày đầu năm Mậu Tuất, khoa Ngoại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng vỡ òa trong niềm vui khi lần đầu tiên thực hiện thành công mổ nội soi teo thực quản trẻ sơ sinh. Đây được đánh giá là kỹ thuật y khoa đỉnh cao nhất của khoa Ngoại tính đến thời điểm hiện tại. Người trực tiếp và duy nhất thực hiện được ca phẫu thuật này không ai khác chính là bác sĩ Nguyễn Phi Phong.
Tất nhiên, kết quả này là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thiết bị, đào tạo ê-kíp hồi sức cấp cứu, gây mê. “Có thể nói, bí quyết trong y khoa chính là nghệ thuật của sự quan sát. Quan sát để học hỏi, tiếp cận những tiến bộ trong y học, biến những tinh hoa đó thành của mình để phục vụ người bệnh”, bác sĩ Phong nói.
Theo đó, kỹ thuật mổ nội soi teo thực quản trẻ sơ sinh được bác sĩ Phong “quan sát” nhiều năm liền trong các chương trình đào tạo tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi Trung ương và các lớp đào tạo tại Đức, Mỹ… Kể từ hôm nay, những đứa trẻ sơ sinh bị teo thực quản tại miền Trung sẽ không phải ngược xuôi trong Nam, ngoài Bắc để phẫu thuật nội soi, hay phải chịu đau đớn trong trường hợp gấp quá phải tiến hành mổ mở tại Đà Nẵng.
Còn nhớ 4 năm trước, khi “Hành trình Thiện Nhân” tái tạo bộ phận sinh dục tới Đà Nẵng, bác sĩ Phong là người đầu tiên tại đây được ê-kíp của bác sĩ người Ý Roberto De Castro trực tiếp chuyển giao kỹ thuật khó khăn, phức tạp này.
Đối với bác sĩ Phong, đây thực sự là một may mắn, bởi trong suốt 4 năm qua, đã có hàng trăm trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục được anh khám, phẫu thuật, điều trị từ những kiến thức quý giá đã được lĩnh hội. “Dị tật bẩm sinh ở trẻ ngày càng nhiều, nếu chúng ta không ngừng trau dồi thêm các kỹ thuật mới thì sẽ cảm thấy có lỗi với chính những đứa trẻ và người thân của các cháu”, bác sĩ Phong nói…
Nhiều cơ quan báo chí tại Đà Nẵng, các mạnh thường quân hẳn vẫn còn nhớ những cú điện thoại “cầu cứu” của bác sĩ Phong. Những hoàn cảnh ngặt nghèo sau bàn mổ, những đứa trẻ phải đối mặt với chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng đã kịp thời được “tiếp sức” bởi nhiều tấm lòng thơm thảo thông qua sự kết nối của ông.
Những hoạt động kêu gọi giúp đỡ tiền bạc, nhu yếu phẩm, quần áo cho người bệnh là việc làm mà theo bác sĩ Phong, không một bác sĩ nào đứng ngoài cuộc. Đó là sợi dây liên kết, như để minh chứng rằng, tình yêu thương, sẻ chia của xã hội với những đứa trẻ bất hạnh luôn luôn hiện hữu.
Mỗi đứa trẻ tuy có một số phận khác nhau nhưng luôn cần được yêu thương, đùm bọc, đặc biệt là lớn lên một cách bình thường nhất. “Trăn trở lớn nhất của tôi chính là phải chứng kiến bệnh nhi của mình phải chịu những đau đớn, thiệt thòi. Đưa những trẻ em mắc bệnh lý, hoặc dị tật bẩm sinh sau khi được điều trị hòa nhập cộng đồng là việc hết sức cần thiết, giúp các bé phát triển trí tuệ, nhân cách, thể lực theo cách tự nhiên và hoàn hảo nhất”, bác sĩ Phong tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Phi Phong sinh năm 1977, quê ở tỉnh Phú Yên, tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế. Năm 2006, anh về làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố. Anh từng tham gia nhiều lớp đào tạo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại các nước Mỹ, Đức, Ý về phẫu thuật dị tật bẩm sinh, phẫu thuật tạo hình, phương pháp chữa trị những bệnh lý khó gặp về hô hấp, tiêu hóa… Anh là người tiên phong trong việc thành lập khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Đến nay, khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đã vươn lên trở thành trung tâm chuyên sâu điều trị dị tật bẩm sinh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm nay, bác sĩ Nguyễn Phi Phong vinh dự là 1 trong 20 y, bác sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được trao giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng”. |
Bài và ảnh: PHAN CHUNG