Chính trị - Xã hội
Người mang hy vọng vào bệnh viện
Có thể nói, dự án “Một bức tranh-nhiều hy vọng” (MBT-NHV) đã khá quen thuộc với người Đà Nẵng. Đây là một trong số những dự án thiện nguyện dài hơi và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng người khởi xướng dự án ấy, thạc sĩ Hồ Dương Đông (SN 1983, giảng viên Khoa Quản lý dự án, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) thì không nhiều người biết đến.
Anh Hồ Dương Đông (giữa) hết mình trong buổi giao lưu văn nghệ với thân nhân, bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. |
Những ngày giữa tháng 3, nhóm tình nguyện viên (TNV), sinh viên (SV) thuộc dự án MBT-NHV tổ chức triển lãm tranh nho nhỏ mang tên “Góc Đà Nẵng” tại phía bờ tây cầu Rồng. Những bức tranh có mặt trong triển lãm hầu hết thể hiện khát khao được sống, được thực hiện ước mơ hay cùng hòa mình với thiên nhiên; kèm theo tranh là những lời nhắn gửi về quyết tâm chống chọi bệnh cho tới cùng.
Thường xuyên có mặt ở triển lãm để quán xuyến công việc chung, có những hôm 2, 3 giờ sáng mới về đến nhà, anh Hồ Dương Đông, Trưởng ban Quản lý dự án, tâm sự: “Từ ngày khởi xướng dự án đến nay (năm 2014), dự án đã tổ chức rất nhiều đợt triển lãm để gây quỹ nhưng lần nào tôi cũng có cảm xúc rất đặc biệt. Ngắm những bức tranh nghiệp dư do các SV, bệnh nhân ung thư vẽ hay những bức do các họa sĩ chuyên nghiệp gửi tặng, tôi lại nhớ người cha đã mất của mình da diết. Hình ảnh ông những ngày cuối đời trên giường bệnh ám ảnh tôi đến tận lúc này. Mới thấy những việc mình làm còn rất nhỏ bé…”.
Cha của anh Đông mắc ung thư gan ở tuổi 62 khi anh đang học thạc sĩ ở Thụy Điển. Anh vẫn nhớ như in buổi sáng trong xanh một ngày giữa năm 2014, anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở Thụy Điển thì nhận được điện báo từ quê nhà: Ba đau, con về gấp! Anh về bên cha được 10 ngày thì ông mất. Ngày anh đi, ông vẫn khỏe mạnh, cường tráng, nặng 60 ký.
Lúc anh về, nhìn cha chỉ còn da bọc xương, không khác một đứa bé thoi thóp trên giường bệnh, anh hoảng loạn đến mức trầm cảm. Đó là khoảng thời gian u ám nhất trong cuộc đời anh. Nếu không có sự kiện Trường Đại học Bách khoa tuyển giảng viên, có lẽ anh còn chìm đắm trong đau buồn. Cả gia đình anh nhiều đời không có người làm nghề dạy học, khi biết thông tin Trường Đại học Bách khoa tuyển giảng viên, anh chỉ nộp đơn vào để có một công việc làm, như một sự trốn chạy, khỏa lấp nỗi buồn thời điểm ấy. Vậy mà dần dần, anh tìm thấy niềm vui bên lứa SV mình giảng dạy.
Sau những buổi dạy, anh bắt đầu mơ hồ nghĩ: “Mình là người đã trải qua đau đớn khi người thân ra đi vì ung thư nhưng nhờ sức trẻ của các bạn SV mà nguôi ngoai. Vậy, tại sao mình không đứng ra tập hợp nguồn năng lượng trẻ này lại để giúp đỡ người nhà và bệnh nhân ung thư?”
Anh Đông tại triển lãm “Góc Đà Nẵng” tổ chức những ngày giữa tháng 3-2018. Ảnh: Q.T |
Từ suy nghĩ ấy, anh Đông làm một cuộc khảo sát nhỏ, vào từng phòng bệnh của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hỏi người nhà và bệnh nhân có thích treo tranh, ảnh trong phòng không và thích thể loại tranh nào… “Lúc ấy, hơn 90% bệnh nhân trả lời thích ngắm tranh, ảnh. Họ đặc biệt thích những bức tranh có yếu tố thiên nhiên, nước, mây trời.
Có lẽ, do bệnh nhân ung thư phải vô thuốc thường xuyên, cơ thể suy kiệt, mệt mỏi nên khi nhìn những bức tranh mát mắt sẽ khiến họ thư thái hơn. Bệnh nhân cũng thích tranh có sự xuất hiện nụ cười tươi vui của các em bé hoặc cảnh con người đang lao động. Thể loại tranh này khiến người bệnh cảm thấy vẫn được kết nối với thế giới bên ngoài chứ không bị biệt lập trên giường bệnh”, anh Đông nói.
Vậy là tháng 3-2014, dự án MBT-NHV ra đời. Giai đoạn đầu, dự án tập hợp được 206 bức ảnh, 70 bức tranh đến từ 119 tác giả, là những SV, họa sĩ, nhiếp ảnh trên địa bàn Đà Nẵng. Ban đầu, số lượng tranh, ảnh chỉ đủ treo tại một số khoa, tầng của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đến giai đoạn hai, số lượng tranh tăng lên đáng kể khi phủ đầy các tầng của Bệnh viện Ung bướu. Đối tượng tham gia cũng mở rộng, có cả tranh của các em thiếu nhi Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng, bức tranh của tập thể lớp Điện, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Huế, tranh xé giấy của nghệ sĩ Ngô Đoàn Ngọc Uyển – Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và cả sản phẩm của lưu học sinh tại Nhật Bản, Singapore…
Đến nay, dự án đã lan tỏa đến Huế, Hà Tĩnh và sắp tới là Nha Trang. “Khác với các cuộc thi sáng tác tranh, ảnh khác, mỗi tác phẩm gửi về cho chương trình đều đi kèm với những tấm lòng yêu thương gửi gắm của tác giả đến bệnh nhân ung thư. Có tác giả lúc đầu gửi tranh ảnh về với mục đích dự thi, nhưng sau khi thấy ý nghĩa của dự án đã thay đổi suy nghĩ và gửi tặng chương trình. Có nhiều nhiếp ảnh gia gửi cả một chùm tranh sáng tác của mình cho chúng tôi, và có những bạn trẻ không ngần ngại nắng mưa đến tận bệnh viện gửi tặng tranh cho chương trình”, anh Đông kể.
Ban đầu, dự án MBT-NHV chỉ gồm anh Đông và 3 - 4 SV Trường Đại học Bách khoa có năng khiếu vẽ tranh, chụp ảnh. Nguồn kinh phí khi ấy rất giới hạn. Sự hỗ trợ chủ yếu đến từ Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu và một số anh em, bạn bè của anh Đông trên mạng xã hội. Bài toán kinh phí để duy trì hoạt động của dự án nhiều đêm khiến anh Đông mất ngủ.
Bởi MBT-NHV không chỉ đơn thuần đem tranh, ảnh đến treo tại bệnh viện mà còn nhiều hoạt động khác: chương trình văn nghệ (2 tuần/lần vào chiều chủ nhật), tặng tóc giả cho bệnh nhân nữ, dạy học cho bệnh nhi… “Từ đầu mình đã xác định sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào nhà hảo tâm mà lâu dài phải tự lực về tài chính. Mình cùng các SV tổ chức nhiều cuộc triển lãm bán tranh, ảnh, quà lưu niệm (đồ thủ công do các SV tự làm), hát du ca gây quỹ ngay tại triển lãm… Thực sự, để duy trì một dự án thiện nguyện rất khó khăn nhưng mình hay ví von MBT-NHV như đứa con của mình, chăm sóc, nuôi nấng tuy có vất vả nhưng niềm vui nó mang lại thì không gì sánh bằng”, anh Đông trải lòng.
Coi dự án như con đẻ nên người ta thấy anh Đông luôn có mặt trong mọi hoạt động của dự án dù hiện nay số lượng TNV đã lên đến 150 người. Những trưa nắng chang chang, mình anh chạy xe lòng vòng quanh Đà Nẵng tìm các tiệm bán tóc giả. Anh tỉ mỉ chọn lựa những bộ tóc chất lượng, trả giá với chủ quán để làm sao mua được thật nhiều bộ tóc với chi phí thấp nhất. Anh kể, có nhiều tiệm ban đầu tưởng anh đến mua tặng bạn gái nên “hô” giá rất cao nhưng sau khi biết anh mua tặng những bệnh nhân nữ bị ung thư thì đã giảm giá một nửa hoặc mua 1 tặng 1.
Nhiều người cũng thấy anh có mặt ngày đêm ở các triển lãm để sắp xếp tranh, ảnh, mời chào bán hàng lưu niệm, giải thích ý nghĩa bức tranh cho khách tham quan, thậm chí trực đêm ở triển lãm cùng các SV hay nghêu ngao hát cùng bệnh nhân ung thư. Anh tâm sự: “Với suy nghĩ truyền thống thì tình nguyện là đi giúp người khác, tức mình là người đi cho và người ta là người nhận. Suy nghĩ này khiến mình có cảm giác bản thân đang đủ đầy còn người ta thì thiếu thốn.
Trước nay tôi đều nghĩ như vậy. Từ khi tham gia dự án, tôi thấy suy nghĩ này hoàn toàn không đúng. Có những ngày đến bệnh viện, mình rất sợ hãi khi chứng kiến cảnh bệnh nhân đau đớn, rên la vì truyền thuốc. Nhưng chỉ một lúc sau, họ đã mạnh mẽ cất tiếng hát.
Chính tinh thần lạc quan, khát khao sống của họ đã truyền sang cho mình. Nhìn họ, mình thấy những trở ngại trong cuộc sống của mình quá nhỏ bé, chẳng là cái gì hết. Như vậy, té ra, mình mới là người được nhận. Từ bệnh viện trở về, bao giờ mình cũng nhận được những bài học tương tự như vậy, những bài học về nghị lực sống khiến mình phát triển về nội tâm. Suy nghĩ vì thế cũng trở nên tích cực hơn”.
Dự án MBT-NHV đã đi được một chặng đường khá dài. Sức lan tỏa của dự án không còn là điều bàn cãi. Anh Đông không đặt nặng mục tiêu phải kéo dài dự án đến thời điểm này, thời điểm kia bởi đã là dự án thì sẽ có lúc phải kết thúc. Hiện tại, anh vui vì mỗi ngày lại nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hỏi về cách làm, cách hoạt động của dự án MBT-NHV từ những người thiện nguyện ở các nơi khác, với mong muốn xây dựng một mô hình tương tự tại địa phương họ. Với anh, vậy là đủ!
"Đẻ ra một dự án thiện nguyện cũng như sinh ra một đứa con, dù vất vả nuôi nấng nhưng niềm vui chăm con thì không gì sánh bằng” |
QUỲNH TRANG