Chính trị - Xã hội

BÀI THAM GIA CUỘC THI "BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG NGỪA BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI"

Bước qua ranh giới

14:58, 21/07/2018 (GMT+7)

Ranh giới của những người mẹ trẻ trong câu chuyện này là cảnh bị người yêu quay lưng, gia đình ruồng bỏ, người đời bàn tán. Và họ đến với mái ấm chỉ toàn phụ nữ và trẻ nhỏ nơi đây khi quyết định rũ bỏ tất cả để giữ mầm sống đang mang trong mình. Cứ thế, đã có biết bao đứa trẻ lần lượt chào đời rồi lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc vô bờ bến; mặc dù thiếu thốn bóng dáng một người cha.

Nhiều tình nguyện viên quốc tế thường xuyên đến thăm, hỗ trợ cho các em nhỏ tại “Nhà của bố”. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhiều tình nguyện viên quốc tế thường xuyên đến thăm, hỗ trợ cho các em nhỏ tại “Nhà của bố”. Ảnh: PHAN CHUNG

“Nhà của bố”- một chương trình của tổ chức phi chính phủ Trả lại tuổi thơ (số 254, đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu) từ lâu được biết là cái nôi tái sinh những phận đời. 2 năm nay, “Nhà của bố” được chuyển về khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trở thành nơi tá túc của những người mẹ trẻ đang mang trong mình hình hài đang dần lớn.

Mối tình đầu vụng dại

Nhìn những bước chân bé con đang chập chững trên sàn nhà, miệng bi bô gọi tên mẹ không ngớt, người lớn chứng kiến ai cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Những tràng pháo tay động viên, cưng nựng càng khiến đám trẻ nhỏ hào hứng, vui đùa thỏa thích. Đứng nép nơi bốn góc nhà, những người mẹ dõi theo từng bước chân con, đôi mắt rạng ngời. Thế nhưng, để nụ cười sớm trở lại với họ là cả một quá trình dài như đi về từ cõi chết.

P., cô gái đến từ đất mũi Cà Mau có dáng người nhỏ thó. Mẹ mất từ nhỏ, ba bỏ ra Bình Thuận lấy vợ bé. Bốn anh em P. phiêu dạt khắp nơi mưu sinh rồi P. sớm mang thai với một người đàn ông không rõ danh tính, gốc gác trong thời gian lang bạt tại TP. Hồ Chí Minh.

Thông qua một số người quen, P. được mái ấm “Nhà của bố” đưa về chăm sóc. Thoạt nhìn, ít ai biết P. đã không dưới hai lần tìm đến cái chết chỉ vì quá chán nản cuộc đời. Có lần P. uống thuốc sâu tự tử nhưng may mắn được phát hiện và cứu kịp thời…

Tình yêu mãnh liệt thời tuổi trẻ bồng bột đã khiến nhiều cô gái không kịp giữ mình. Trần Thị Ng., được xem như “chị cả” tại mái ấm này. Dù sóng gió đã qua đi, giọt máu mà chị suýt từ bỏ năm xưa giờ đã là một cô bé lên 5, ngoan hiền, xinh xắn, nhưng đôi mắt của Ng. vẫn không giấu được những giọt lệ mấp mé.

Khi Ng. học năm thứ hai một trường đại học tại Đà Nẵng thì phát hiện mình có thai với bạn trai. Biết chuyện, gia đình Ng. giận dữ vì bị làng xóm dị nghị, trong khi đó, bạn trai lại khuyên Ng. nên bỏ cái thai bởi chuyện học hành chưa đến chốn.

Một mình Ng. đứng giữa trăm mối tơ vò. Và khi được giới thiệu đến “Nhà của bố”, Ng. như tìm thấy điểm tựa để bản năng người mẹ được trỗi dậy một cách tự nhiên nhất. 5 tháng sau, Ng. sinh con khi không có người thân và bố đứa bé bên cạnh.

Những ngày đầu, cứ chiều chiều, Ng. bồng con ngóng đợi, rằng một ngày nào đó người đàn ông ấy sẽ quay lại đón hai mẹ con. Nhưng những lời hứa hẹn của bạn trai năm xưa đã bay theo cánh chim trời. Mỗi ngày của Ng. cứ trôi đi trong tuyệt vọng, tủi hờn.

Cũng giống như P., Ng., “Nhà của bố” từ lâu là mái ấm của 77 cô gái đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Nghệ An, Đồng Nai, Cà Mau... Cũng chừng ấy thời gian, 77 sinh linh bé nhỏ đã chào đời trong những nụ cười pha lẫn nước mắt. Mối tình đầu luôn sâu đậm. Nhưng với những người mẹ trẻ nơi đây, nó như một nhát cắt xé lòng, chôn vùi tuổi thanh xuân, đời thiếu nữ.

Bảo mẫu Nguyễn Thị Loan tươi cười cùng những thiên thần chào đời tại “Nhà của bố”.
Bảo mẫu Nguyễn Thị Loan tươi cười cùng những thiên thần chào đời tại “Nhà của bố”.

Chữa vết thương lòng

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, quản lý chương trình “Nhà của bố”, chia sẻ, tâm lý của các bà mẹ trẻ trước khi về sinh sống tại mái ấm đều có chung một trạng thái, đó là sợ hãi, bấn loạn, tủi hờn.

“Không sợ sao được khi họ bị người mình yêu thương quay lưng, gia đình xua đuổi, bạn bè bàn tán. Dù phụ nữ ai cũng có bản năng làm mẹ nhưng giữa nhiều áp lực như thế, thật khó để có một quyết định đúng đắn”, chị Anh cho biết.

Với mục đích hạn chế tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ, “Nhà của bố” sẵn sàng mở cửa đón nhận những cô gái tuổi từ 13 – 22 trong tình trạng lỡ mang thai nhưng không được công nhận. Trong khoảng thời gian từ 5 – 6 năm sinh sống tại đây, những cô gái từng một thời trót dại có thời gian để bình tâm, suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Quan trọng hơn, khi bước qua cánh cửa này, các bà mẹ đều có một cái nghề để có thể tự lo cho hai mẹ con.

Suốt 8 năm chứng kiến hàng chục đứa bé chào đời không có người thân bên cạnh, cô bảo mẫu Nguyễn Thị Loan xót xa: “Tội lắm. Mỗi lần bước vào phòng sinh là nước mắt đứa nào cũng lưng tròng. Người ta đi sinh đẻ thì cả gia đình, họ hàng đi theo để đón máu mủ ra đời, đằng này chỉ mỗi một mình, đau cũng ráng chịu, không biết kêu ai”.

Cũng vì lẽ đó, gần 80 đứa trẻ nơi đây được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của các mẹ, các dì như để khỏa lấp sự thiếu vắng của bàn tay bố trong những ngày đầu chập chững. “Ai cũng có khi mắc sai lầm. Điều quan trọng là dám đối mặt với sự thật để giữ lại điều quý giá và ý nghĩa nhất”, cô Loan tâm sự.

Sống trong “Nhà của bố”, những bà mẹ trẻ được học tập và chăm sóc dinh dưỡng, y tế, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. “Những cô gái làm mẹ khi còn trẻ tuổi, lại mang trong mình nỗi buồn nên những cung bậc cảm xúc như vui, buồn, căng thẳng là điều không tránh khỏi. Những bài tập về tâm lý sẽ giúp các bà mẹ hiểu rằng mọi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương, chăm sóc”, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết.

Những cô gái ở đây từng là sinh viên, sau một thời gian dài bình tâm và ổn định, họ tiếp tục trở lại giảng đường để viết tiếp giấc mơ còn dang dở. “Người ta đã đi tìm hạnh phúc mới. Em cũng không oán trách gì nhiều. Giờ chỉ nhìn mỗi mình con mà sống tiếp”, Ng. chia sẻ.

Sau quãng thời gian đứt đoạn việc học, Ng. được mái ấm động viên để đi học trở lại. Giờ đây, Ng. đang tiếp bước lên giảng đường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). “Em chỉ mong sớm tốt nghiệp ra trường, sớm có công việc làm, có thể tự lập để nuôi con”, Ng. chậm rãi nói.

Cũng giống Ng., sau mấy lần “chết hụt”, P. quay trở về làm cô sinh viên của một trường cao đẳng nghề. Trong khi đó, các bà mẹ trẻ khác người đi học nghề cắt tóc, làm móng, người theo lớp ngoại ngữ để sau này có thể tham gia xuất khẩu lao động. Tất cả chi phí ăn ở, học hành đều được tổ chức Trả lại tuổi thơ hỗ trợ trọn gói và đáp ứng theo nguyện vọng của từng trường hợp cụ thể.

Không phải ai đến với “Nhà của bố” cũng đều có những lời ru buồn mỗi khi bước qua cánh cửa. Câu chuyện của Mai H. từng sinh con tại “Nhà của bố” có một cái kết mà cô gái nào vào đây cũng ước mơ.

Năm 2012, H. và bạn trai cùng quê (Nghệ An) tên Thành vào Đà Nẵng học đại học. Xa gia đình, tình yêu của đôi bạn trẻ đã không ít lần đi quá giới hạn. Năm 2014, Mai H. phát hiện mang giọt máu của Thành khi đang chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ.

Tay chân bủn rủn, cả hai đã ôm nhau khóc. Lang thang khắp nơi từ ngày này qua tháng khác, đôi bạn trẻ vẫn không tìm ra được giải pháp cho mình trong khi “thiên thần nhỏ” cứ cựa quậy mỗi ngày. Khi nỗi sợ hãi và những ý nghĩ tiêu cực mỗi lúc lớn dần lên cũng là lúc H. được giới thiệu đến “Nhà của bố”.

Mấy tháng sau, đứa trẻ chào đời trong nỗi mừng tủi của đôi bạn trẻ, nhưng tuyệt nhiên gia đình hai bên vẫn không hề hay biết. Đến năm 2017, khi đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định,  H. và Thành mới về quê xin hai gia đình tổ chức đám cưới.

Ngày tổ chức lễ thành hôn của đôi bạn trẻ, Mi-nơ, cô con gái bé bỏng bất ngờ xuất hiện trên hôn trường khiến ông bà nội ngoại thực sự ngỡ ngàng. Tất nhiên, đối với họ, những lời dị nghị khắp làng trên xóm dưới giờ đã không còn ý nghĩa.

Giờ đây, mái ấm của H. và Thành đã có thêm thành viên mới, thỉnh thoảng gia đình nhỏ này vẫn tìm về “Nhà của bố” như trở về với nguồn gốc của hạnh phúc. Mi-nơ là quả ngọt của một tình yêu đẹp, dù vụng dại nhưng không thể thiếu để viết tiếp câu chuyện tình còn dang dở của họ.

Hằng năm, tại “Nhà của bố”, hàng chục bà mẹ trẻ lại tìm về để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau. Mỗi cô gái đều viết nên một câu chuyện cho riêng mình. Buồn có, vui cũng nhiều, nhưng tuyệt nhiên những giọt máu mà họ từng quyết tâm giữ lấy bằng mọi giá thì không thể thiếu trên những bước đường đời họ trải qua.

“Nhà của bố” là một hoạt động của tổ chức Trả lại tuổi thơ được thành lập từ năm 2002. Đây là tổ chức phi chính phủ do vợ chồng ông Robert  - Dorothea (Mỹ) sáng lập sau khi thực hiện chuyến đi ý nghĩa về Việt Nam nhận con gái nuôi của mình.

Trong chuyến đi này, vợ chồng ông rất day dứt khi nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ kém may mắn không được nhận làm con nuôi. Hiện “Nhà của bố” đang chăm sóc 11 bà mẹ và 11 đứa trẻ.

Thời điểm nhiều nhất ngôi nhà này tiếp nhận cùng lúc 14 bà mẹ (cùng với 14 đứa trẻ) và ít nhất chỉ có 5 bà mẹ. Trường hợp lâu nhất ở “Nhà của bố” kéo dài 6 năm, còn nhanh nhất là 2, 3 tháng sau sinh, mẹ và bé đã về lại với gia đình ruột của mình.

PHAN CHUNG

.